Sinh viên khởi nghiệp với 'trà chữa lành' từ nấm thủy sâm

Hương Mi
Ngày càng có nhiều người tìm đến các loại thực phẩm "chữa lành" tự nhiên, nắm bắt được nhu cầu đó, Phạm Lê Văn đã khởi nghiệp từ sản phẩm trà lên men kombucha (trà thủy sinh) với sứ mệnh "mang kombucha vào phong cách sống lành mạnh của người Việt".

Xuất phát từ Cuộc thi Khởi nghiệp Nông nghiệp của Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM vào năm 2020, Phạm Lê Văn - Sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, đồng thời là Giám đốc Công ty cổ phần VietKombu cùng nhóm bạn - tiếp tục thành lập công ty để thương mại hóa sản phẩm trà kombucha (trà thủy sinh) vào tháng 10/2022.

tra mantra

Dự án đã đạt thành tích cao trong Cuộc thi Khởi nghiệp Nông nghiệp tổ chức tại Trường Đại Học Nông Lâm TP.HCM.

Với mong muốn thay đổi, cải thiện sức khỏe bản thân, Lê Văn đã tham gia khóa học thiền và yoga tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Khi được tặng con giống kombucha từ người bạn cùng lớp, chàng sinh viên bắt đầu nghĩ đến việc làm một thức uống để cải thiện sức khỏe cho chính bản thân.

"Tại lớp học thiền, tôi có cơ duyên nhận được con giống kombucha từ người bạn học cùng khóa. Với trải nghiệm về hiệu quả của sản phẩm trên chính cơ thể mình, tôi đã quyết định chọn kombucha làm sản phẩm khởi nghiệp", Lê Văn chia sẻ.

Theo Lê Văn, để tạo ra một sản phẩm trà kombucha, thông thường phải trải qua các bước: Ủ trà hữu cơ (trà đen, trà xanh) và đường mía trong nước ấm khoảng 30 phút, sau đó cho nấm thủy sâm - SCOBY (Symbiotic Colony of Bacteria and Yeast - một dạng cộng sinh của vi khuẩn và nấm men) lên men khi nước trà nguội. Quá trình lên men sẽ diễn ra từ 21 – 30 ngày và hoàn toàn không sử dụng bất kỳ chất bảo quản hay hương liệu nhân tạo nào. Cuối cùng bổ sung các nguyên liệu tự nhiên nhằm tạo hương vị độc đáo từ các loại nước ép trái cây, rau quả và thảo mộc tự nhiên.

Kombucha sau khi lên men sẽ chứa các thành phần như: Vitamin nhóm B, Enzyme, Probiotic, các chất chống oxy hóa (Abbott)...

mantra

Sản phẩm mantra kombucha đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người.

Có nhiều lợi ích cho sức khỏe, song trà lên men kombucha vẫn mới mẻ và có phần xa lạ với số đông người Việt. Sản phẩm chỉ mới được quan tâm rộng rãi từ sau đại dịch Covid-19.

Qua quá trình tìm hiểu thị trường, Lê Văn nhận thấy thức uống này còn nhiều tiềm năng có thể khai thác và có thể trở thành xu hướng trong tương lai, nhất là khi đến nay, thị trường kombucha tại Mỹ và châu Âu mang lại doanh thu 2 - 3 tỷ đô la mỗi năm. Từ kinh nghiệm về độ "trễ" của thị trường Việt Nam so với thế giới khoảng 3 - 5 năm, Lê Văn dự đoán đến khoảng 2025, kombucha sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam.

Theo Lê Văn cho đến 2021, phần lớn các thương hiệu kombucha tại Việt Nam vẫn chỉ dừng ở hình thức nuôi men tại gia. Những cơ sở này hầu như đều tự phát, chưa qua kiểm định chất lượng vì vậy chưa có được độ tin cậy và uy tín với khách hàng. Một trong những điểm khó khăn nhất khi sản xuất kombucha là vấn đề con giống.

Theo nghiên cứu của nhóm, việc sản xuất nấm thủy sâm đang tồn tại các hạn chế cần được khắc phục như: Con giống dễ bị nhiễm nấm mốc và ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài; nấm thuỷ sâm phát triển chậm (từ 14 - 21 ngày); tuổi thọ/thời gian sử dụng ngắn. Sau từ 2 - 3 vòng đời sản xuất nấm thủy sâm mới, nấm bắt đầu yếu đi và sản sinh ra nấm mới không ổn định; nấm thủy sâm có hình thái ở lớp trên bề mặt không đều, con nấm không đạt độ dày chuẩn.

Khác biệt với những thương hiệu nhỏ lẻ trên thị trường, Văn mong muốn theo đuổi một quy trình sản xuất kombucha với quy mô lớn đạt công suất hàng nghìn lít mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời để tiếp cận người tiêu dùng Việt, Lê Văn cùng các cộng sự đang nghiên cứu phát triển hương vị kombucha đặc trưng của Việt Nam, tận dụng nguồn nông sản đa dạng và dồi dào để kombucha phù hợp với khẩu vị người Việt.

z4122806255844_64f189335ff48996e92549dcb9a3503a

Lê Văn (ở giữa) cùng nhóm bạn tiếp tục xây dựng thương hiệu Mantra Kombucha đến gần hơn với người dùng.

Hiện nay sản phẩm Mantra Kombucha của Văn có công suất sản xuất khoảng 1500 lít mỗi tháng thông qua việc thuê gia công từ xưởng sản xuất bia tại quận Tân Bình (TP.HCM). Sản phẩm được phân phối theo mô hình "từ nhà sản xuất đến tay khách hàng" qua nền tảng bán hàng trực tuyến của nhóm phát triển. Song song đó, Văn cũng đặt mục tiêu đưa sản phẩm đi vào hệ thống các nhà hàng, khách sạn để tiếp cận phân khúc khách hàng cao cấp.

Trong tương lai, Lê Văn kỳ vọng không chỉ tạo ra kombucha chất lượng và ngon nhất mà còn giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về lối sống lành mạnh. Đồng thời hi vọng tìm được nguồn lực và nhà đầu tư chiến lược để hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2025, Mantra Kombucha sẽ trở thương hiệu Kombucha tốt nhất tại Việt Nam và trở thành biểu tượng cho sự thức tỉnh của con người về lối sống lành mạnh của người Việt.