Quyền ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp: Những điểm mới cần biết

Hương Mi
Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2023/NĐ-CP, trong đó có các quy định cụ thể về Quyền ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp.

Theo đó, Quyền ưu tiên đối với đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu quy định tại Điều 91 của Luật Sở hữu trí tuệ được áp dụng như sau:

1. Trong trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu muốn hưởng quyền ưu tiên theo quy định của Công ước Paris, yêu cầu hưởng quyền ưu tiên của người nộp đơn sẽ được chấp nhận nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Người nộp đơn là công dân Việt Nam hoặc công dân của nước thành viên Công ước Paris hoặc công dân của nước khác cư trú hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại nước thành viên Công ước Paris;

b) Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước thành viên của Công ước Paris và đơn đó có chứa phần tương ứng với yêu cầu hưởng quyền ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu;

c) Đơn đăng ký được nộp trong thời hạn sau đây kể từ ngày nộp đơn đầu tiên: 06 tháng đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu, 12 tháng đối với đơn đăng ký sáng chế;

d) Trong đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, người nộp đơn có nêu rõ yêu cầu hưởng quyền ưu tiên và có nộp bản sao đơn đầu tiên nêu tại điểm b khoản này trong trường hợp nộp tại nước ngoài, trong đó có xác nhận của Cơ quan nhận đơn đầu tiên. Bản sao đơn đầu tiên có thể được nộp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nộp đơn;

đ) Nộp đủ phí yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

inbound3915614227553446270

2. Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước thành viên của Công ước Paris theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này là đơn đủ điều kiện để xác nhận ngày đơn đó được nộp tại nước thành viên liên quan, không phụ thuộc vào kết quả xử lý đơn đó.

3. Trong trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu muốn hưởng quyền ưu tiên theo điều ước quốc tế khác, yêu cầu hưởng quyền ưu tiên sẽ được chấp nhận nếu đáp ứng các điều kiện về quyền ưu tiên quy định trong điều ước quốc tế đó.

Bên cạnh đó Nghị định cũng nêu rõ, tổ chức, cá nhân nước ngoài đáp ứng các điều kiện để được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam có thể nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại Việt Nam theo các điều ước quốc tế về hoặc liên quan đến thủ tục nộp đơn quốc tế.

Tổ chức, cá nhân Việt Nam có thể nộp đơn đăng ký quốc tế sở hữu công nghiệp để yêu cầu bảo hộ quyền của mình tại Việt Nam nếu điều ước quốc tế có quy định.