Trong khi thương hiệu cá nhân, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia được quan tâm, phát huy, khai thác, thì thương hiệu vùng, thương hiệu địa phương vẫn còn những khoảng trống bỏ ngỏ? Để rồi nhãn hiệu “Đặc sản Đà Nẵng” mang bản sắc một vùng đất lại được dùng một cách chung chung, thậm chí tùy tiện. Nếu không có sự quan tâm quản lý sẽ mất mát “tài sản vô hình” khi nào không hay.
Có hay không việc dán nhãn "Đặc sản Đà Nẵng" tùy tiện?
Chúng tôi qua bên kia đầu cầu Rồng, nơi có những cửa hàng như: Hệ thống đặc sản Hương Đà, Giao Mart.
Giữa giao lộ trung tâm thành phố cùng các điểm du lịch đường Hồ Nghinh và đường Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng), cửa hàng đặc sản Hương Đà là một trong 13 cửa hàng thuộc hệ thống Hương Đà đặt cơ sở trên nhiều tỉnh.
Trên trang website của hệ thống đặc sản Hương Đà giới thiệu hệ thống cửa hàng có hơn 2000 sản phẩm và là trung tâm mua sắm tổng hợp đặc sản Đà Nẵng, đặc sản miền Trung và các vùng miền lân cận, quà lưu niệm, trầm hương. Phục vụ hơn 1000 lượt khách trong và ngoài nước mua sắm tại đây mỗi ngày.
Sẽ rất bình thường đối với cửa hàng bán đủ loại đặc sản miền Tây, miền Bắc, miền Trung và trong đó có sản phẩm đặc sản Đà Nẵng như Hương Đà. Tuy nhiên, khi dạo mua sắm tại đây, phóng viên quả thật bắt gặp những sản phẩm ở tận "đâu đâu" cũng được gán nhãn “Đặc sản Đà Nẵng”.
Điển hình, cánh cốm dừa giòn là một loại bánh nổi tiếng của mảnh đất Hoài Nhơn, Bình Định, có hương vị thơm béo mùi dừa, giòn ngọt nhẹ. Thế nhưng, khi vào hệ thống cửa hàng Hương Đà, đặc sản xứ Nẫu đã được gắn nhãn "Đặc sản Đà Nẵng".
Chợ Hàn nổi tiếng là điểm đến tham quan, mua sắm cho khách du lịch tìm hiểu văn hóa, nhịp sống, đặc sản của vùng đất Đà Nẵng. Thế nhưng, nhiều sản phẩm gắn nhãn “Đặc sản Đà Nẵng” nhưng không có bản sắc Đà Nẵng, cũng không có địa chỉ, xuất xứ sản xuất như kẹo đậu phụng lại xuất hiện rất nhiều. Nhớ một hôm dạo bên sông Hoài (TP Hội An), chúng tôi cũng bắt gặp những đoàn khách mua kẹo đậu phụng với lời chào mời đặc sản Hội An.
Bà Nguyễn Thị Minh Giang (Tứ Hạ, TX Hương Trà, TT – Huế) tham quan chợ Hàn. Bà rất thích thú vào tham quan gian hàng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, khởi nghiệp của Đà Nẵng do Sở Công Thương Đà Nẵng mới tổ chức. Thế nhưng, bà không giấu được sự thất vọng khi cầm trên tay nhiều sản phẩm không thể hiện được bản sắc hay sự sáng tạo của đất và người Đà Nẵng.
“Tôi không hiểu hạt điều được đóng gói vốn là sản phẩm của Tây Nguyên và Bình Phước cũng được lựa chọn đưa vào gian hàng. Như vậy, du khách khi muốn tìm đặc sản Đà Nẵng, sản phẩm đặc trưng cho văn hóa con người Đà Nẵng biết sao để chọn?”, bà Giang nói.
Dòng chữ “Đặc sản Đà Nẵng” cốp trên nền đỏ lẽ ra sẽ là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng khi gửi sản phẩm tới tay du khách. Thế nhưng, việc tùy tiện lấy đặc sản tỉnh thành khác rồi dán lên bốn chữ “Đặc sản Đà Nẵng” là đang “giết chết” sản phẩm Đà Nẵng thật sự vốn còn ít người biết đến, khó khăn trăm bề trên thị trường tiêu thụ.
Thế nào là "Đặc sản Đà Nẵng"?
Hiện nay, TP Đà Nẵng đã thực hiện công nhận cho gần 100 sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, thương mại đặc trưng. Trong đó có 63 sản phẩm OCOP, thuộc nhiều nhóm ngành như thực phẩm tươi, thực phẩm khô, hàng thủ công mỹ nghệ, nội thất, thời trang. Tuy nhiên, quầy hàng chỉ phù hợp để trưng bày, bán một số sản phẩm như thực phẩm khô.
Sở Công Thương TP Đà Nẵng ghi nhận ý kiến phản ánh, đóng góp của Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo về vấn đề sản phẩm Đà Nẵng. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng - ông Nguyễn Văn Trừ: “Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác kết nối giới thiệu các sản phẩm Đà Nẵng, OCOP... vào điểm bán”.
Phó Giám đốc Sở Công thương thông tin quầy hàng OCOP, hàng Việt tại chợ Hàn vừa được khánh thành vào ngày 2/4/2023. Do mới bước đầu hình thành nên quầy hàng cũng chưa thu hút được nhiều sản phẩm của Đà Nẵng nói chung, cũng như sản phẩm khởi nghiệp nói riêng tham gia trưng bày, bán tại quầy hàng. Ngoài ra, bên cạnh các sản phẩm Đà Nẵng, theo chương trình hợp tác, liên kết vùng giữa các tỉnh thành, các quầy hàng, điểm bán của TP Đà Nẵng cũng có giới thiệu, bán thêm một số sản phẩm OCOP của các tỉnh Quảng Nam, Huế, Bình Định ...
Đồng thời, để không gây nhầm lẫn, Sở Công Thương dự kiến sẽ có yêu cầu đơn vị vận hành điểm bán lắp bổ sung các bảng tên giới thiệu hoặc bố trí sắp xếp riêng biệt, phân biệt các sản phẩm Đà Nẵng (sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc trưng của thành phố) với các sản phẩm khởi nghiệp, các sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành khác. Đồng thời, thực hiện đảm bảo các sản phẩm trưng bày tại quầy hàng phải có nhãn mác đầy đủ, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ và thời hạn sử dụng.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, việc bảo hộ tài sản trí tuệ theo quy định của pháp luật thuộc trách nhiệm của ngành khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, cụm từ “Đặc sản Đà Nẵng” là một danh từ chung, không có định nghĩa cụ thể, có nhiều cách hiểu và được sử dụng rộng rãi, phổ biến nên không đủ yếu tố để bảo hộ.
“Vì có nhiều cách hiểu nên nhiều doanh nghiệp Đà Nẵng dù không có lấy nguyên liệu của Đà Nẵng (như hạt điều, cà phê…) nhưng đem về sản xuất và chế biến theo công thức, hương vị riêng, xây dựng thương hiệu riêng và phát triển thành đặc sản”, ông Trừ nói.
Theo lý giải của Sở Công Thương, vì tính chất vùng miền các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, nhiều sản phẩm đặc sản cùng thuộc về nhiều tỉnh, thành. Cụ thể như bánh tráng Đại Lộc - thương hiệu nổi tiếng là “đặc sản” của tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên tại Đà Nẵng cũng có nhiều doanh nghiệp sản xuất bánh tráng, phát triển và xây dựng thương hiệu “đặc sản” cho sản phẩm bánh tráng này.
Để đảm bảo về công tác quản lý cho các “sản phẩm đặc sản Đà Nẵng chân chính”, UBND thành phố đã và đang triển khai chọn lọc, đánh giá và thực hiện công nhận cho các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc trưng. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương đã và đang phối hợp với các sở, ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai hoạt động quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm đã được công nhận thông qua nhiều hoạt động.
Hiện Đà Nẵng có 40/63 sản phẩm OCOP đưa vào các kênh phân phối tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị mini, siêu thị đặc sản, chợ; 12 nhóm sản phẩm của gần 15 doanh nghiệp đã được vào 5 siêu thị, trung tâm thương mại lớn.
Bà Nguyễn Thị Thúy – Phụ Trách Văn phòng Cục Sở Hữu Trí Tuệ tại Đà Nẵng - cho hay: “Nhãn hiệu "Đặc sản Đà Nẵng" không thể dùng dưới dạng đăng ký nhãn hiệu thông thường mà phải đăng ký dưới dạng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Trong trường hợp này, thành phố có thể đăng ký nhãn hiệu chứng nhận. Tức là cơ quan quản lý chứng nhận cho các cơ sở đó sử dụng từ đặc sản Đà Nẵng trên những sản phẩm nào”.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy, sản phẩm đó có thể là nguyên liệu, sản phẩm gia công, thuê từ nơi khác về, nghệ nhân không nhất thiết phải là người TP Đà Nẵng.
“Khách hàng phải tự bảo vệ mình. Đi mua thấy sản xuất tại Bình Định viết là đặc sản Đà Nẵng phải đặt câu hỏi ngay. Chấp nhận thì mới mua. Đây cũng là vấn đề cần suy nghĩ, cân nhắc để sớm có tiêu chuẩn, xét chọn như thế nào là đặc sản Đà Nẵng”, bà Thúy nói.