Những khó khăn của doanh nghiệp Việt khi ứng dụng AI vào sản xuất, kinh doanh

Hương Mi
Ứng dụng AI trong sản xuất đang là xu thế được các doanh nghiệp trên toàn cầu hướng tới nhằm tối ưu năng suất và lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên doanh nghiệp Việt hiện vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khi sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Chia sẻ bên lề hội thảo buổi sáng với chủ đề “Diễn dàn AIoT: Giải pháp và dịch vụ điện toán biên thông minh”, ông Đỗ Đức Hậu, Tổng Giám đốc Advantech Việt Nam, cho biết thực tế, AI đang trở thành một xu hướng được áp dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất. Nhiều DN trên thế giới đang tích cực áp dụng AI vào quy trình SXKD của mình. Việc đưa vào các giải pháp AI tiên tiến từ nước ngoài là một xu hướng đáng chú ý và mang lại nhiều lợi ích cho các DN.

img_20240726_112310

Ông Đỗ Đức Hậu cho rằng vấn đề quan trọng hiện nay là làm thế nào để đưa AI vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả vận hành cho các DN Việt Nam. Với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa quá trình sản xuất, ứng dụng AI trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. AI giúp tối ưu hóa toàn bộ quá trình sản xuất, nâng cao hiệu quả và đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, các DN Việt Nam đang có phần chậm chân so với các DN quốc tế trong việc triển khai AI vào sản xuất. Không chỉ các DN SXKD chậm ứng dụng AI mà ngay cả các DN cung cấp giải pháp AI cũng có phần đi sau so với quốc tế. Theo ông Hậu, hiện tại các giải pháp AI trong sản xuất phần lớn đến từ các nhà cung cấp nước ngoài. Mặc dù ở Việt Nam cũng đã có nhiều DN phát triển ứng dụng AI cho sản xuất, nhưng những bài toán mà họ giải quyết được vẫn chưa nhiều.

img_20240726_104833-edit

Theo Tổng giám đốc Advantech Việt Nam, các DN sản xuất tại Việt Nam hiện nay đang gặp phải 3 khó khăn chính khi áp dụng AIoT.

Thứ nhất là thiếu dữ liệu. Nguyên nhân là từ trước đến nay, dữ liệu chủ yếu được lưu trữ trên giấy, dữ liệu số còn rất ít, trong khi đó việc xây dựng và đào tạo các mô hình AI lại đòi hỏi lượng dữ liệu lớn. Việc thiếu dữ liệu số khiến cho việc triển khai các giải pháp AI gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai là mức độ hiểu biết và sự chấp nhận. Nhiều DN vẫn còn e dè và chưa thực sự cởi mở trong việc tiếp nhận và áp dụng AI. Sự thiếu hiểu biết về lợi ích và cách thức hoạt động của AI dẫn đến tâm lý ngần ngại.

Vấn đề thứ ba là chi phí đầu tư. Theo vị chuyên gia, chi phí để đầu tư vào các giải pháp AI khá cao, và đây là một rào cản lớn đối với nhiều DN sản xuất trong nước.

Ba yếu tố này đang là những rào cản chính khiến việc áp dụng AI trong lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam gặp nhiều trở ngại. Để vượt qua những khó khăn này, ngoài sự phối hợp giữa các bên cung cấp và sử dụng giải pháp, theo ông Đỗ Đức Hậu, rất cần đến các chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước.

AIoT (Artificial Intelligence of Things) là sự kết hợp giữa hai công nghệ quan trọng là AI và Internet of Things (IoT), tạo ra một môi trường kết nối thông minh và tự động hóa trong các hệ thống và thiết bị. Đưa AI vào sản xuất không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cơ hội quan trọng để các DN Việt Nam cải thiện vị thế và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Các DN cần nhanh chóng nhận thức và hành động để không bị tụt hậu so với xu hướng toàn cầu. Đây là phương hướng phát triển bền vững cho các DN sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt khi các giải pháp hiện đại đang được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới.

TH