Những điểm mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Admin
Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ - Những vấn đề cần lưu ý.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) được Quốc hội thông qua năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019, là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt-tài sản trí tuệ.

Qua thực tiễn 16 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, thực tiễn thi hành cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam cho thấy Luật Sở hữu trí tuệ còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định.

Vì vậy, Luật Sở hữu trí tuệ đã được đề xuất sửa đổi nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, khắc phục những vướng mắc, bất cập thực tiễn và nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ quốc tế.

luat shtt

 Hội thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ - Những vấn đề cần lưu ý

 

Ngày 16/6/2022, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật số 07/2022/QH15), có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. 

Luật sửa đổi, bổ sung 102 điều của Luật SHTT (trong đó sửa đổi, bổ sung 88 điều hiện hành, bổ sung 14 điều mới) và bãi bỏ 2 điều, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật khác có liên quan. 

Theo ông Nguyễn Văn Bảy, ngoài tuyên truyền, phổ biến cho các nhóm chủ thể có liên quan, Cục SHTT đang xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo kế hoạch mà trước mắt là việc sửa đổi một số nghị định của Chính phủ như Nghị định số 103/2006/NĐ-CP về sở hữu công nghiệp, Nghị định số 105/2006/NĐ-CP về quản lý nhà nước và bảo vệ quyền SHTT..

Ông Hoàng Anh, Phó trưởng phòng pháp chế và chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ cũng cho biết, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành và bất cập nảy sinh giữa các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành. Nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ quốc tế; hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Ông Hoàng Anh chỉ ra những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ liên quan đến sở hữu công nghiệp. Đó là sửa đổi, bổ sung Điều 8: Làm rõ chính sách của Nhà nước là sẽ hỗ trợ về tài chính, ưu đãi về thuế, tín dụng và đầu tư để khuyến khích, thúc đẩy hoạt động đổi mới, sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ.

Về quy định về đại diện sở hữu công nghiệp, sửa đổi, bổ sung Điều 153: bỏ trách nhiệm thông báo các khoản và mức phí dịch vụ, chỉ cần thông báo khoản phí, lệ phí theo quy định của Nhà nước. Sửa đổi, bổ sung Điều 154: cho phép các tổ chức chỉ cần có ít nhất 1 cá nhân có Chứng chỉ hành nghề (không cần phải là người đứng đầu hoặc được người đứng đầu ủy quyền như pháp luật hiện hành).

Các ý kiến từ đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) cũng cho rằng, SHTT là yếu tố quan trọng quyết định tính cạnh tranh của DN, nền kinh tế và quốc gia. DN đang ngày càng quan tâm xác lập quyền SHTT bởi được bảo vệ quyền SHTT, DN không chỉ được bảo hộ để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách an toàn, hợp pháp, mà còn có thể chuyển giao hoặc chuyển nhượng các độc quyền này cho các chủ thể khác để thu lợi, bảo đảm giá trị pháp lý đối với giá trị gia tăng.

Theo Sở hữu trí tuệ