Khai mạc diễn đàn “Doanh nghiệp 2022: Nhận diện thị trường và phương thức thích ứng”, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong 2 năm vừa qua, dịch COVID-19 đã gây ra những khó khăn to lớn cho mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong một khảo sát do VCCI tiến hành gần đây cho thấy, xấp xỉ 90% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch; khoảng 71% doanh nghiệp tiếp tục giảm doanh thu so với năm trước, 90,6 % doanh nghiệp gặp phải các vấn đề liên quan như mất cân đối dòng tiền, bất cập trong quản lý hoặc bị đứt gãy chuỗi cung ứng...
Số liệu do VCCI thống kê mới đây cũng cho thấy, 91% doanh nghiệp phải chấp nhận giảm mạnh quy mô lao động trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Việc Chính phủ ban hành quy định tạm thời, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 được đánh giá là giải pháp kịp thời giúp "cởi trói" tinh thần cho doanh nghiệp. Mặc dù, đặt ra mục tiêu ưu tiên kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng cần phải xác định dịch bệnh sẽ không sớm kết thúc.
Vì thế, để tìm cách ứng phó phù hợp và duy trì việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo việc làm và sinh kế cho người dân...thì nhà nước, các cấp ngành nên có những cách thức thúc đẩy vai trò của người dân, của doanh nghiệp tham gia vào việc hoạch định chính sách.
Chia sẻ tại Diễn đàn, TS Nguyễn Đức Khương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết dự báo bức tranh môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu 2022 có 4 xu thế mới bao gồm: thứ nhất, nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục chịu tác động sâu và dài trong năm thứ 3 của đại dịch COVID-19 và nhấn mạnh áp lực tăng trưởng, ổn định và cân bằng xã hội sẽ gia tăng với hầu hết các quốc gia
Thứ hai là áp lực lạm phát gia tăng sau nhiều gói giải cứu, hỗ trợ. Tính đến thời điểm hiện tại, mức lạm phát tại một số nền kinh tế lớn là Mỹ (5,4%); UK (4,2%), EU (2,4% so với mức 2% hiệp ước Maastricht).
Thứ ba, nhiều khả năng là Trung Quốc, thị trường quốc gia lớn nhất thế giới sẽ chưa có dấu hiệu mở cửa cho đi lại. Đặc biệt, quốc gia này vẫn tiếp tục thực thi chính sách zero Covid để ngăn chặn dịch bệnh.
Cuối cùng, các quốc gia sẽ buộc phải thí điểm mở cửa biên giới, nhất là để tập trung khôi phục lại kinh tế, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn như du lịch, nhà hàng khách sạn…
Do đó, TS Khương chỉ ra, các quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với các thách thức sẽ còn tiếp diễn bao gồm sự gián đoạn sản xuất do đứt gẫy chuỗi cung ứng trong phạm vi khu vực và toàn cầu. Cùng với đó, các doanh nghiệp buộc phải trải qua quá trình số hóa do các phương thức tiêu dùng, sản xuất, cung cấp, tương tác, công việc…thay đổi, cùng tác động của đại dịch COVID-19.
Mặt khác, theo TS Khương, thói quen tiêu dùng cũng cho thấy xu hướng thời gian tới khi người tiêu dùng vẫn hạn chế mua sắm, ít đến nhà hàng, hạn chế đi du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí dẫn đến doanh số giảm cho nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt, nếu tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp do thiếu lao động.
Theo Sở hữu trí tuệ