Tại xã Nghi Ân (TP. Vinh, Nghệ An) nhiều hộ dân tập trung trồng cây trầu không, nơi đây được xem là ‘thủ phủ’ trồng cây trầu không.Theo người dân nơi đây cho biết, nghề trồng cây trầu chẳng nhớ có từ bao giờ. Thời "vàng son" của lá trầu không Nghệ An là thời điểm việc xuất khẩu sang thị trường Đài Loan thuận lợi (bắt đầu từ khoảng năm 2015-2016). Với lá dày, to, mặt nhẵn bóng không tì vết, trầu không Nghi Ân được thương lái thu mua để xuất khẩu với giá ở giai đoạn cao điểm lên tới 180.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch COVID-19 đã khiến thị trường xuất khẩu này bị đóng cửa, lá trầu không cũng không còn "xuất ngoại" được, quay về phục vụ thị trường nội địa.
Nhờ vườn trầu không rộng 1.500m2, hộ gia đình xóm 5, xã Nghi Ân đã có một nguồn thu ổn định mỗi ngày. Được biết, vườn trầu của gia đình trồng được gần 30 năm rồi. Cây trầu trồng khoảng 1 năm là bắt đầu cho thu hoạch. Cây càng nhiều năm thì cho thu hoạch càng nhiều. Cây trầu có thể cho thu hoạch quanh năm

Trầu thường được bán thành từng xấp 50 lá, với giá 1.000-1.500 đồng/lá vào những ngày bình thường, còn dịp Tết, ngày lễ giá trầu có thể tăng lên gấp 3, gấp 4 lần. Vườn trầu của gia đình hầu như ngày nào cũng có bán. Trung bình mỗi tháng vườn trầu không cho gia đình thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Riêng dịp Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình bà "bỏ túi" gần 100 triệu, dịp Rằm tháng Giêng này cũng đã được hơn 30 triệu đồng.
Theo người dân nơi đây, trồng và chăm sóc cây trầu dễ mà khó. Dễ bởi cây trầu sống khỏe, cho lá quanh năm, ít sâu bệnh. Nhưng muốn có được những lá trầu vừa to đẹp, thơm ngon thì không phải ai cũng rành kỹ thuật chăm sóc.
Người dân (xã Nghi Ân) cho biết, để có sản phẩm đảm bảo chất lượng, người trồng phải thường xuyên tỉa bỏ những lá nhỏ, lá hỏng, mỗi cành chỉ để từ 3-5 lá. Công việc trồng trầu rất nhiều công đoạn. Những vùng đất trồng trầu không được ngập nước, nhưng cũng không thể thiếu nước. Mùa hè phải tưới nước hàng ngày; mùa đông thì căn lượng nước vừa phải để không làm úng gốc trầu. So với những loại cây trồng khác thì cây trầu vẫn cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Chi phí đầu tư ít nhưng thu nhập ổn định quanh năm
Trầu không được mệnh danh là loại cây trồng một lần, thu hoạch cả đời. Tuy nhiên loài cây này cũng "khó tính", không chịu được hạn, lạnh, ngập úng và dễ nhiễm nấm. Đặc biệt, với cây trầu, không được sử dụng phân chuồng chưa ủ hoai mục để bón.
Lúc thu hoạch, người trồng sẽ chọn hái những lá to, dày, đẹp, mặt nhẵn bóng không tì vết để phục vụ nhu cầu cúng bái. Những lá nhỏ, xấu hơn được nhập để làm trầu ăn hoặc bán cho các cơ sở chiết xuất tinh dầu.Trầu không ở Nghi Ân nổi tiếng thơm ngon với lá trầu dày, vị cay nồng đặc trưng, nên được thương lái gần xa ưa chuộng và luôn tìm đến tận vườn thu mua.
Theo lãnh đạo xã Nghi Ân, đây là loại cây mang lại cho người dân nơi đây một nguồn thu nhập ổn định, cũng như giải quyết được công ăn việc làm cho lao động trong xã. Cây trầu không không chỉ giúp người dân nơi đây có thu nhập ổn định mà còn trở nên khấm khá. Hiện nhiều hộ dân cũng đã đầu tư làm nhà lưới, hệ thống tưới hiện đại để trồng loại cây này.
TH