Không chỉ chế biến các món ăn từ măng tươi, người dân địa phương còn phơi khô măng để dự trữ trong thời gian dài. Tuy sản phẩm măng khô của người dân huyện Quan Hóa được đánh giá cao về chất lượng, hương vị, song việc tiêu thụ khá bấp bênh do phụ thuộc vào các thương lái thu mua, do đó, thu nhập của người dân cũng không ổn định.
Năm 2017, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Mường Cada, thị trấn Hồi Xuân bắt đầu thu mua măng rừng của người dân sơ chế, chế biến thành sản phẩm măng khô lát, măng khô xé sợi. Đồng thời, tăng cường quảng bá để tiêu thụ trên thị trường.
Chị Phạm Thị Nhung, đại diện công ty cho biết: Công ty thành lập với mục đích hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản; trong đó, có nhóm sản phẩm từ măng rừng. Để nâng cao chất lượng cho sản phẩm, công ty đã đầu tư hệ thống lò hấp, máy sấy và áp dụng một số công nghệ đóng gói để phát triển sản xuất quy mô lớn. Nhờ đó, hằng năm công ty thu mua hàng chục tấn măng tươi cho người dân để chế biến, tiêu thụ khoảng 3 - 5 tấn măng khô các loại. Nhờ đó, người dân làm nghề thu hái măng rừng có thu nhập ổn định.
Được biết, nhờ sự độc đáo về hương vị, chất lượng, sản phẩm măng khô của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Mường Cada đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, như: Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam. Tuy nhiên, với mong muốn nâng tầm cho sản phẩm đặc sản của địa phương, công ty đã không ngừng nỗ lực, tìm hiểu, đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng và thương hiệu sản phẩm.
Bà Lê Thị Hằng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Quan Hóa, cho biết: Xác định măng khô là một trong những sản phẩm đặc sản, vì vậy ngay khi huyện triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đại diện công ty đã được mời tham gia tập huấn. Đồng thời, UBND huyện cũng khuyến khích, hỗ trợ để đơn vị đầu tư chế biến sâu, áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất và thực hiện quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ. Sau hơn 1 năm “khởi động”, tháng 8-2021, sản phẩm măng khô mang nhãn hiệu Mường Cada đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, chất lượng 3 sao.
Theo lời giới thiệu, chúng tôi đến thăm khu sản xuất của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Mường Cada. Những ngày này, lao động của công ty luôn tấp nập với hoạt động sơ chế, sản xuất măng khô. Bởi, mùa măng thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm, đây chính là thời điểm người dân địa phương có thêm nguồn thu nhập. Trung bình, mỗi người thu hái được khoảng 30 đến 40kg măng/ngày, thu nhập đạt 200 đến 300.000 đồng. Sản lượng măng của người dân trên địa bàn đạt hàng chục tấn/ngày.
Chị Phạm Thị Nhung cho biết: Để có sản phẩm măng khô chất lượng, chúng tôi lựa chọn kỹ từ khâu đầu vào. Sau khi mua từ người thu hái, công ty tiến hành tuyển chọn kỹ, loại bỏ hết phần già, đưa vào luộc bằng nguồn nước tự nhiên trong khe núi từ 2 - 3 tiếng, để nguội và chẻ miếng hoặc xé sợi. Muốn có những lát măng khô đẹp, trong quá trình chẻ măng không được chẻ quá mỏng hoặc quá dày. Chẻ quá dày thì măng khô sẽ không đẹp, còn quá mỏng thì khi sấy dễ bị gãy nát. Sau khi chẻ xong, măng trải qua công đoạn ép nước.
Để bảo đảm chất lượng, giữ được màu sắc sản phẩm, công ty đã đầu tư hệ thống máy sấy công suất lớn, máy hút chân không để đóng gói. Sản phẩm măng khô đạt tiêu chuẩn có mùi thơm, ngọt đặc trưng, độ dai vừa phải. Tất cả những sản phẩm măng khô đưa ra thị trường đều được cơ quan chuyên môn chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng chất bảo quản gây hại cho sức khỏe con người.
Sản phẩm măng khô mang nhãn hiệu Mường Cada có 2 dạng măng khô lát và măng xé sợi. Sản phẩm được hút chân không, đầy đủ tem nhãn trước khi xuất ra thị trường. Theo đánh giá của người tiêu dùng, sản phẩm măng khô mang nhãn hiệu Mường Cada huyện Quan Hóa có màu vàng tươi đẹp mắt, mùi thơm đặc trưng có thể chế biến được nhiều món ăn hấp dẫn. Đồng thời, sản phẩm lưu hành trên thị trường có đầy đủ thông số về nguồn gốc, cơ sở sản xuất nên tạo được sự tin tưởng của khách hàng.
Đinh Điệp