Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ: Thuận lợi và khó khăn

Admin

Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn khi triển khai Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ với Báo Điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt cho biết: "Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các quy định hướng dẫn thi hành Luật cũng phải có hiệu lực cùng thời điểm với Luật. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Vì vậy, chúng tôi hình dung khối lượng công việc trước mắt là khá lớn.

Một số văn bản quy định chi tiết hay hướng dẫn thi hành như các nghị định, thông tư trong từng lĩnh vực, từng vấn đề liên quan đến quy định tại Luật SHTT cần phải tiếp tục được sửa đổi, bổ sung để có thể áp dụng sau khi Luật SHTT sửa đổi có hiệu lực. Mặc dù khi trình Dự án Luật, Bộ KH&CN cùng các bộ liên quan (Bộ VHTT&DL, Bộ NN&PTNT) đã dự thảo các quy định dự kiến đưa vào văn bản hướng dẫn Luật (nghị định, thông tư), tuy nhiên vẫn còn phải triển khai nhiều công việc trong một khoảng thời gian tương đối gấp gáp".

bo truong huynh thanh dat1

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt tin rằng việc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT sẽ có hiệu quả và thuận lợi. Cụ thể, việc hoàn thiện pháp luật về SHTT là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước. Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nhận được sự tham gia và đóng góp ý kiến tích cực từ nhiều cơ quan, tổ chức ở cả Trung ương và địa phương. Khi trình Dự án Luật lên Quốc hội, hầu hết các đại biểu Quốc hội đánh giá cao và nhất trí với những nội dung sửa đổi của Luật SHTT.

Bên cạnh đó, các quy định của Luật SHTT được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong xác lập và bảo hộ quyền SHTT, thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng và khai thác tài sản trí tuệ của Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề trên, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho hay: "Việt Nam năm 2021 được thế giới xét vào nhóm an toàn về bảo đảm sở hữu trí tuệ. Đây là một trong những vấn đề rất quan trọng cho thấy, thể chế về sở hữu trí tuệ được Việt Nam rất quan tâm. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, vừa được Quốc hội thông qua tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn như: Quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan; khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp…; tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp…; bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập... Những vấn đề này làm tốt sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà sáng chế muốn vào Việt Nam.

Tuy vậy, tôi cũng cho rằng, để khắc phục tình trạng thực hiện luật trên đúng, dưới chệch, công tác tuyên truyền luật phải được tăng cường và được thực hiện đến nơi đến chốn để người dân hiểu tinh thần của luật. Bên cạnh đó, cần học hỏi, tham khảo quốc tế những cách thức thực hiện sở hữu trí tuệ; thể chế hóa các quy định, làm sao để các hoạt động của các đơn vị liên quan đi vào quy củ. Bởi từ việc hiểu đúng, làm đúng, tuân thủ đúng thì luật mới đi vào hiệu quả".

Theo Sở hữu trí tuệ