Huyện nghèo đang vươn lên với thương hiệu thủ phủ sâm Ngọc Linh
Tại lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 5 và kỷ niệm 20 năm tái lập huyện Nam Trà My, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Phan Việt Cường - biểu dương và chúc mừng những thành tựu huyện Nam Trà My nỗ lực, phấn đấu đạt được trong chặng đường 20 năm qua.
Huyện Nam Trà My được thành lập từ tháng 3/1947 với tên gọi là Châu Trà My. Qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, thay đổi tên gọi, đến ngày 20/6/2003, huyện Trà My được chia tách thành hai đơn vị hành chính cấp huyện là Nam Trà My và Bắc Trà My. Ngày đầu tái lập huyện, tỷ lệ hộ nghèo ở Nam Trà My gần 90%.
20 năm kể từ ngày tái lập, Nam Trà My ngày càng “thay da đổi thịt” bằng chính sự đoàn kết, tự lực, tự cường vượt lên trên khó khăn, thách thức xây dựng và phát triển đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực.
Nam Trà My là 1 trong 6 huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam, nằm trên trục đường giao thông phía Tây – Nam, cửa ngõ quan trọng kết nối tỉnh Quảng Nam với khu vực Tây Nguyên.
Ông Phan Việt Cường đánh giá: “Nam Trà My giờ đây là nơi được mệnh danh là thủ phủ của sâm Ngọc Linh – sâm Việt Nam. Đây là minh chứng sinh động khẳng định Nam Trà My không chỉ xứng đáng là địa phương anh hùng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm mà còn anh hùng trong lao động, sản xuất xây dựng và phát triển quê hương, đất nước”.
Là huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế các loại cây trồng bản địa có giá trị kinh tế cao, điển hình là sâm Ngọc Linh. Huyện tập trung bảo tồn nguồn gen quý hiếm và hình thành vùng trồng cây dược liệu, sâm Ngọc Linh theo quy mô tập trung.
Hiện vùng sâm Ngọc Linh được quy hoạch khoảng 15.000 ha tại 7/10 xã của huyện; có trên 1.250 hộ gia đình tham gia trồng sâm trên diện tích hơn 2.000 ha. Sản lượng hằng năm đạt khoảng 10 tấn, giá trị ước tính khoảng 420 – 600 tỷ đồng.
Quảng Nam đề nghị huyện Nam Trà My tập trung đầu tư phát triển vùng sâm Ngọc Linh. Huyện triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia. Huyện đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với người dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, khai thác, chế biến sản phẩm; phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác trong nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ các các sản phẩm sâm Ngọc Linh.
Ngăn chặn hàng giả, đảm bảo chất lượng phiên chợ sâm bạc tỷ
Khi sâm Ngọc Linh Nam Trà My phát huy được giá trị kinh tế, được khẳng định thương hiệu là lúc rất nhiều sâm Ngọc Linh giả trôi nổi thị trường. Đứng trước giá trị kinh tế cao, nhiều gian thương hám lợi đợi “đơm” bẫy những người tiêu dùng non kinh nghiệm để trục lợi. Những khách hàng bỏ ra tiền triệu đến hàng trăm triệu nhưng mua phải hàng giả mà không hay biết.
Được biết, giá bán dao động của sâm Ngọc Linh tại Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ 5 từ 65 – 165 triệu đồng/kg sâm tùy độ tuổi.
Tại lễ hội sâm, một trong những hoạt động thu hút du khách là hội chợ sâm. Nơi những người có nhu cầu mua sâm Ngọc Linh có thể tìm đến mua với sự cam kết chất lượng của UBND huyện sẽ bồi thường gấp 10 lần khi khách hàng phát hiện không phải sâm Ngọc Linh. Việc kiểm định được huyện Nam Trà My tổ chức rất kỹ lưỡng.
Theo ông Trịnh Minh Quý – Trưởng Ban kiểm định sâm Ngọc Linh - trước khi lễ hội diễn ra, ban kiểm định phát hiện hơn 2 kg nghi là sâm Ngọc Linh giả lập tức ban kiểm định tiến hành lập biên bản, tạm giữ để lấy mẫu kiểm định.
Số củ sâm bị tạm giữ là của một doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã Trà Cang. Theo thành viên ban kiểm định, khi phát hiện dấu hiệu bất thường, ban đã điện thoại cho doanh nghiệp liên quan song họ phủ nhận số sâm này là của họ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My – ông Trần Văn Mẫn - khẳng định sâm được mua bán tại phiên chợ sâm từ ngày 1 - 3 hàng tháng, được đảm bảo chất lượng khi có một ban kiểm định sâm. Hiện trên địa bàn huyện Nam Trà My có 18 doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh song chưa phát hiện doanh nghiệp nào mua bán sâm giả.
Để giúp khách hàng tự trang bị những kiến thức phân biệt sâm Ngọc Linh thật, ban kiểm định của phiên chợ sâm Ngọc Linh cũng chia sẻ một số kiến thức. Một số loại dược liệu như cây tam thất hay củ sâm có nguồn gốc từ Trung Quốc, sâm Lai Châu có hình dạng khá giống sâm Ngọc Linh. Gian thương thường lợi dụng những người tiêu dùng không rành về loại dược liệu này để lừa bán khi mua ở bên ngoài.
Khác biệt lớn nhất của sâm Ngọc Linh với những loài dược liệu khác là hợp chất sapoin trong sâm Ngọc Linh nhiều nhất, tương tự những cây sâm quý từng được nghiên cứu sử dụng từ lâu trên thế giới.
Trong đó, xác định được hàm lượng hợp chất sapoin cần có máy móc kiểm định. Theo ban kiểm định, một số người còn mang những củ tam thất hoặc sâm Trung Quốc đi kiểm định, xác định “có hàm lượng sâm Việt Nam” trong củ sâm để đánh lừa người tiêu dùng. Thực tế, củ tam thất hay sâm Trung Quốc đều có một số hợp chất chứa trong củ sâm Ngọc Linh song rất ít.
Theo các doanh nghiệp tham gia Hội chợ, để đưa sâm Ngọc Linh vào Hội chợ không hề dễ dàng vì được kiểm tra kỹ. Tuy nhiên, sâm Ngọc Linh tại hội chợ Sâm Ngọc Linh việc tổ chức từ ngày 1 – 3 hàng tháng chủ yếu cũng dựa vào “máy kiểm định chạy bằng cơm” nhìn bằng mắt và ngửi vì máy điểm định khá đắt đỏ. Người mua và người bán chủ yếu dựa theo kinh nghiệm và tin tưởng nhau.
Theo những người trồng và nghiên cứu, củ sâm Ngọc Linh thật thường có những mắt cây so le nhau, ngược lại tam thất thì mắt nằm về một hướng. Nếu rễ sâm Ngọc Linh mềm mại, dễ xoắn vào nhau thì rễ tam thất cứng có xu hướng mọc thẳng đứng và cắm thẳng xuống đất. Vị của hai loại này cũng rất khác nhau, rễ sâm Ngọc Linh có vị đắng ngọt còn rễ tam thất lại có vị đắng chát. Phần củ sâm Ngọc Linh ở trên mặt đất thường sẽ có màu xanh đen, dưới mặt đất màu vàng.
Việc mua những cây sâm còn lá tươi sẽ dễ phân biệt sâm Ngọc Linh giả và những cây khác. Lá sâm Ngọc Linh Quảng Nam có hình bầu, sâm Lai Châu hoặc sâm Trung Quốc lá dài tựa lá sắn, gân lá màu trắng chứ không xanh như sâm Ngọc Linh, gai lá to hơn gai lá sâm Ngọc Linh.
Số lượng lá thường cũng là một đặc điểm để nhận biết. Sâm Ngọc Linh có 5 lá, 2 lớp lông cả mặt trên và dưới, mỏng thì tam thất có 7 lá, chỉ có lông ở trên và dày.
Tại tỉnh Quảng Nam, hội chợ sâm Ngọc Linh tổ chức được chính quyền địa phương cam kết nguồn gốc, chất lượng. Người có nhu cầu đến hội chợ mua sâm chính gốc để sử dụng đảm bảo an toàn.
Theo bà Hồ Thúy Ngân, chủ showroom trưng bày Sâm Ngọc Linh hàng dược liệu – nông sản Quảng Nam - Tuấn Ngân: “Năm nay, khách từ Đà Nẵng, TP.HCM, Hội An đến và mua rất nhiều. Sau hai ngày tôi đã bán khoảng 3kg sâm Ngọc Linh với giá dao động từ 60 – 165 triệu đồng/ kg. Đặc biệt lễ hội lần này vào lúc sâm đang kỳ ra hoa và quả đỏ rất đẹp nên khi trưng bày hoành tráng và hấp dẫn”.
Sau 2 ngày tổ chức phiên chợ đắt giá này, một người dân địa phương đã chốt bán cây sâm Ngọc Linh 9 nhánh có trọng lượng khủng gần 1 kg với giá gần 900 triệu đồng.