Kết nối các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố với các viện nghiên cứu, trường đại học

Hương Mi
Sở Công Thương Hà Nội mới đây đã tổ chức Hội nghị kết nối các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội với các viện nghiên cứu, trường đại học năm 2023.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, Hà Nội xác định việc phát triển công nghiệp chủ lực đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Thủ đô. Vì vậy, Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy lĩnh vực này nhằm cụ thể hóa các chương trình, Đề án phát triển công nghiệp nói chung và sản phẩm công nghiệp chủ lực nói riêng trên địa bàn.

image_gallery (2)

Trong đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội phát triển khoa học công nghệ, tiếp cận các đề tài nghiên cứu khoa học của các Viện nghiên cứu, Trường Đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội để ứng dụng vào sản xuất, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức "Hội nghị kết nối các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội với các viện nghiên cứu, trường đại học năm 2023".

Thành phố Hà Nội hiện có 196 sản phẩm của 132 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực. Tuy nhiên, so với lợi thế của Thủ đô, tiềm năng về khoa học công nghệ thì những con số này còn rất khiêm tốn. Bên cạnh các ngành công nghiệp truyền thống, Hà Nội đang định hướng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao như ngành bán dẫn, công nghiệp chip... Gần đây, Thành phố đã làm việc với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Mỹ, châu Á… về cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực này. Do đó, việc nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ mới sẽ giúp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao trình độ sản xuất, phát triển sâu vào các dòng san phẩm mang tính hiện đại, bền vững, công nghệ cao, có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Qua Hội nghị này, thành phố Hà Nội mong muốn các nhà khoa học, doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp… có những trao đổi, kết nối, phát huy những giá trị để đóng góp cho sự phát triển của công nghiệp Thủ đô.

Trong quá trình chuẩn bị Hội nghị này, Sở Công Thương Hà Nội đã nhận được gần 150 đề tài, công trình nghiên cứu, giải pháp khoa học trong nhiều lĩnh vực như cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, chuyển đổi số… Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia có các nghiên cứu khoa học đã trình bày, trao đổi như đề tài Chuyển đổi số trong doanh nghiệp truyền thống, Một số giải pháp về nhà máy thông minh, Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Vũ Hằng