Hà Nội: Siết chặt quản lý, đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp

Admin
(SHTT) - Hà Nội hiện có 3.271 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, chủ yếu là hộ cá thể trong khu dân cư. Quy mô nhỏ lẻ khiến việc kiểm soát chất lượng và đảm bảo an toàn kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
38

Ảnh minh hoạ 

Sau kỳ nghỉ Tết, nông dân Hà Nội bước vào vụ xuân với nhu cầu cao về các loại vật tư nông nghiệp như giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Đây là giai đoạn quan trọng quyết định năng suất và chất lượng mùa vụ. Tuy nhiên, việc quản lý thị trường vật tư nông nghiệp trên địa bàn Thành phố vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức khi số lượng cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ còn lớn, trong khi tình trạng buôn bán hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhập lậu vẫn diễn ra phức tạp.

Đáng chú ý, xu hướng mua bán vật tư nông nghiệp qua mạng xã hội ngày càng phổ biến. Nhiều nông dân thay vì đến trực tiếp các đại lý đã lựa chọn đặt hàng trực tuyến do giá rẻ hơn và sự tiện lợi. Tuy nhiên, đây lại là kẽ hở để hàng giả, hàng kém chất lượng len lỏi vào thị trường. Theo khảo sát, không ít người dân đã mua phải phân bón không rõ nguồn gốc, thuốc bảo vệ thực vật không đạt tiêu chuẩn, gây ảnh hưởng đến cây trồng và làm thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.

Không chỉ gây thiệt hại cho nông dân, việc sử dụng vật tư nông nghiệp không đạt chuẩn còn ảnh hưởng đến chất lượng nông sản và sức khỏe người tiêu dùng. Theo bà Lưu Thị Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội), tình trạng thuốc bảo vệ thực vật giả, nhái vẫn tồn tại, đặc biệt là những loại nhập lậu từ nước ngoài. 

Theo số liệu từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, trong năm 2024, đơn vị này đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra 61 cơ sở sản xuất, buôn bán vật tư nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt, cùng 638 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp. 

Qua đó, phát hiện 3 cơ sở vi phạm về kinh doanh sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng. Một số đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo tại các vùng ven đô để vận chuyển, phân phối hàng giả, hàng nhái với giá rẻ, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát.

Trước thực trạng trên, chính quyền Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo an toàn sản xuất và bảo vệ quyền lợi nông dân.

Bên cạnh đó, huyện Ba Vì đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu. Các đoàn kiểm tra liên ngành cũng được thành lập để giám sát chặt chẽ việc lưu thông, quảng cáo vật tư nông nghiệp, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ở cấp Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hoạt động này tập trung vào việc xác minh nguồn gốc sản phẩm, kiểm tra nhãn mác, điều kiện bảo quản, cũng như các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật.

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, Thành phố đang triển khai kế hoạch công bố danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh uy tín trên các phương tiện truyền thông để nông dân có thể tham khảo và lựa chọn sản phẩm đáng tin cậy. 

Các địa phương cũng cần tăng cường công tác hậu kiểm, công khai các cơ sở vi phạm để tạo sức răn đe, đồng thời khuyến cáo nông dân giữ lại bao bì sản phẩm, ghi chép nhật ký sử dụng vật tư để làm căn cứ khi cần kiểm tra chất lượng.

Chuyên gia kinh tế nông nghiệp, TS. Nguyễn Văn Dương nhận định, ngoài việc kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, Hà Nội cần đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có thương hiệu và uy tín. Đồng thời, cần khuyến khích nông dân liên kết với các hợp tác xã và doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp theo chuỗi để đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu vào.

                                                                                                 TH