Với mục đích kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về kinh doanh thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm nhập lậu; sản xuất, buôn bán thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm kém chất lượng, giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ... Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.
Ngày 19/5/2023 của Ban chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 18/KH-BCĐ389/TP về việc kiểm tra liên ngành đối với mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm trên địa bàn Thành phố. Ban chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội giao Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra liên ngành; ban hành Quyết định thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố.
Ngày 29/5/2023, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố đã ban hành Quyết định số 22/QĐ-CQTT về việc thành lập 02 Đoàn kiểm tra liên ngành đối với mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm trên địa bàn Thành phố. Đoàn kiểm tra liên ngành có sự tham gia của các lực lượng: Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội (chủ trì); phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (PC03), phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC05) - Công an thành phố Hà Nội; Cục Thuế thành phố Hà Nội; Sở Y tế; Sở Công thương; Sở Tài chính.
Ngay những ngày đầu triển khai Kế hoạch kiểm tra liên ngành, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 do Đội QLTT số 14 (QLTT Hà Nội) là Trưởng đoàn phối hợp với các đơn vị thành viên trong đoàn đã phát hiện một cơ sở nằm trong Ngõ 286 Nguyễn Xiển, Hà Nội kinh doanh trên 2.000 sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm các loại có dấu hiệu nhập lậu.
Cụ thể, vào ngày 8/6, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 do Đội QLTT số 14 (QLTT Hà Nội) là Trưởng đoàn phối hợp với các đơn vị thành viên kiểm tra cơ sở kinh doanh tại Ngõ 286 Nguyễn Xiển, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội.
Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở có 624 chai Dung dịch vệ sinh intima (200ml) made in Poland, 400 chai Sữa dưỡng thể Body Lotion Redwin (400ml) made in Australia, 257 thỏi Son dưỡng môi MOPO3KO 2,8g có chữ nước ngoài, 600 gói Mặt nạ Rwine Beaurty 40ml có chữ nước ngoài, 368 gói thực phẩm kẹo Kanro 140g có chữ nước ngoài, 35 hộp thực phẩm Chà là Sấy khô DEGLET NOUR 500g có chữ nước ngoài. Ước tính ban đầu tổng trị giá số hàng hóa trên khoảng 180 triệu đồng.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ của số hàng hóa trên, Đội QLTT số 14 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 7 đã phối hợp với Công an huyện Thanh Trì tiến hành kiểm tra kho hàng tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 2.750 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên nám Glutathion 600, cùng 90 vỏ thùng carton có in nhãn Glutathion 600. Ngoài ra còn có 1 vài thùng được dán băng dính sẵn chờ đóng gói. Tổng giá trị hàng hoá ước tính hơn 700 triệu đồng.
Thương nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên nám Glutathion 600 là Công ty cổ phần quốc tế Dopharma. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện Công ty cổ phần quốc tế Dopharma đã có mặt và xác nhận số hàng trên không phải là sản phẩm của hãng.
Theo đại diện Công ty cổ phần quốc tế Dopharma cho biết, trong số sản phẩm bị lực lượng chức năng thu giữ và niêm phong, về phần đóng thùng không có băng dính niêm phong của nhà máy đóng gói, không có thông tin tem sau đóng gói của nhà máy.
Làm việc với cơ quan chức năng, chủ hàng khai nhận, do trên thị trường có bán loại thực phẩm bổ sung dành cho phái đẹp được nhiều người tìm mua nên đã tìm hiểu nhãn hàng đang bán chạy, sau đó móc nối với các cơ sở để gia công in bao bì và đặt hàng sản xuất thực phẩm bổ sung giả có xuất xứ từ Nhật Bản. Để bán được nhiều thực phẩm bổ sung giả, các đối tượng đã sử dụng nhiều chiêu trò để thu hút khách hàng.
Hiện tại, cơ quan chức năng đã thu giữ niêm phong toàn bộ số hàng và tiến hành xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Cùng ngày Đội quản lý thị trường số 19 (Cục quản lý thị trường Hà Nội) cũng tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Thương mại và in bao bì Thiên Phúc, địa chỉ tại khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Cơ quan chức năng đã thu giữ được bao bì của sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên Nám Glutathion 600.
Qua xác nhận của Công ty cổ phần quốc tế Dopharma số bao bì trên không phải bao bì chính thức của sản phẩm và có dấu hiệu làm giả.
“Hiện tại sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên nám Glutathion 600 đang được người tiêu dùng ưa chuộng, vì vậy trên thị trường rất có thể xuất hiện loại sản phẩm có dấu hiệu làm giả. Đặc biệt, với thủ đoạn làm giả tinh vi mắt thường rất khó phân biệt. Do đó, để tránh mua phải hàng kém chất lượng, chúng tôi khuyến cáo mọi người nên chọn mua sản phẩm từ các đại lý chính hãng”, đại diện Công ty cổ phần quốc tế Dopharma khuyến cáo.
Cơ quan chức năng đang phối hợp xác minh điều tra và làm rõ thông tin.