Thời gian qua có rất nhiều dự án hạ tầng giao thông tại TP.HCM được thực hiện nhằm cải thiện tình trạng kẹt xe từ ngoại thành đến trung tâm thành phố. Đa phần các dự án này đều bị chậm tiến độ thi công, tăng kinh phí thực hiện dự án, ảnh hưởng lớn đến quy hoạch chung của thành phố và đời sống người dân. Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra, nhưng chủ yếu vẫn là do quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB) không đáp ứng đúng tiến độ.
Cần ưu tiên giải phóng mặt bằng
Ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết hiện nay, thành phố có rất nhiều dự án đang bị tạm ngưng do chưa có mặt bằng, chính vì vậy đã gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến giao thông đô thị của thành phố.
“Khi công trình làm dở dang không thể đưa vào khai thác sẽ dẫn đến việc người dân đi lại khó khăn, xe cộ lưu thông không an toàn, mất mỹ quan đô thị của thành phố. Do đó, công tác GPMB cần phải sớm được giải quyết vì càng để lâu, dự án càng đội vốn bởi giá bồi thường GPMB ngày càng tăng. Trong khi đó, các nhà thầu cũng thiệt hại không kém khi giá vật liệu xây dựng tăng cao, nhân lực bị xáo trộn và hàng loạt các chi phí phát sinh khác”, ông Bằng nhìn nhận.
Trong khi đó, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (gọi tắt là Ban quản lý) cho biết hiện đơn vị đang quản lý hơn 200 dự án giao thông lớn nhỏ. Trong số 75 dự án Ban quản lý đang triển khai thì có đến 28 dự án đang chờ mặt bằng, 29 dự án đang thi công nhưng vẫn còn vướng mặt bằng (chiếm đến 75% tổng số dự án bị vướng mặt bằng).
Theo ông Phúc, GPMB là vấn đề cực kỳ quan trọng của các dự án trong 5 năm tới, đặc biệt là các dự án lớn như đường Vành đai 2, 3, 4; cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và mở rộng các dự án cửa ngõ của thành phố.
“Theo kế hoạch, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 bằng ngân sách TP.HCM được duyệt khoảng 142.000 tỷ đồng, chỉ cơ bản đáp ứng dự án chuyển tiếp từ trước chứ không đủ cho các công trình mới. Trong khi đó, để thực hiện GPMB các dự án hiện nay, sơ bộ cũng cần trên 50.000 tỷ đồng. Đây là một khối lượng cực kỳ lớn và thời gian GPMB có thể kéo dài 2 - 3 năm”, ông Phúc thông tin.
Để giải quyết những vướng mắc hiện nay, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý cho rằng, thành phố cần có bước đột phá trong giải phóng mặt bằng để đưa các dự án về đúng tiến độ trong giai đoạn 2021 - 2025. Còn về phía đơn vị, dự kiến sắp tới, Ban quản lý sẽ ký quy chế phối hợp với các địa phương về giải phóng mặt bằng. Trong đó, yêu cầu năm 2022, các địa phương phải hoàn thành dứt điểm giải phóng mặt bằng hơn 30 dự án.
Đẩy nhanh các dự án trọng điểm
Theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, trong giai đoạn 2021-2025, sở sẽ xây dựng danh mục và đề xuất kêu gọi đầu tư cho 9 nhóm dự án, với tổng số vốn 675.000 tỷ đồng. Theo đó, thành phố cần tập trung thực hiện dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Vành đai 3.
Kế đến là các tuyến quốc lộ, đường kết nối khu vực lân cận gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ nút giao Tân Kiên đến ranh giới Long An), đường mở mới phía Tây Bắc, đường trục động lực (song song Quốc lộ 50), đường song hành Phan Văn Hớn, mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và xây cầu Lớn, đường Võ Văn Kiệt nối dài... cùng các đường trên cao số 1 (nút giao Lăng Cha Cả - đường Ngô Tất Tố), số 5 (nút giao Trạm 2 - An Sương); tuyến trên cao Bắc - Nam từ đoạn đường Cộng Hòa đến Nguyễn Văn Linh cũng được đề xuất đầu tư.
Sở GTVT TP.HCM cũng đề xuất UBND thành phố ưu tiên xây dựng 4 dự án xây cầu lớn gồm cầu Cần Giờ, Thủ Thiêm 4, Bình Quới, Bình Quới - Rạch Chiếc.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2021-2030, thành phố còn cần tập trung đầu tư các tuyến metro số 2, số 3a, 3b, số 4, số 4b, số 5, số 6, tuyến xe điện mặt đất số 1, tàu điện một ray số 2, số 3; các dự án xây dựng cảng đường thủy, công trình bến bãi giao thông và dự án thu phí ôtô vào khu trung tâm, thuộc nhóm công trình chương trình đô thị thông minh tại thành phố.
Ðể đẩy nhanh tiến độ, Sở GTVT TP.HCM đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách, kế hoạch huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư. Ðồng thời, thành phố cần nghiên cứu phát triển quỹ đất, đô thị dọc bên các tuyến đường mới để tạo nguồn lực tái đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.
Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, thành phố đã có những kế hoạch tập trung toàn lực cho phát triển hạ tầng giao thông ở khu vực cửa ngõ, giải quyết các vấn nạn giao thông ùn tắc, xây dựng thành phố đi đúng quy hoạch đề ra.
Đặc biệt, trong năm 2022, thành phố sẽ nỗ lực hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, mang tính kết nối vùng như các tuyến đường Vành đai, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Song song đó, phấn đấu hoàn thành cơ bản tuyến metro số 1, khởi công tuyến metro số 2, khởi công các công trình trọng điểm giải tỏa ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất như đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 50, xây dựng nút giao thông An Phú,…
Ngoài ra, để khắc phục những khó khăn về thiếu nguồn lực đầu tư, TP.HCM đang triển khai nhiều giải pháp linh động, vừa phát triển giao thông thủy, vận tải hành khách công cộng với kiểm soát xe cá nhân. Thành phố sẽ nghiên cứu điều chỉnh thời gian vận tải hàng hóa phù hợp với thực trạng giao thông trên địa bàn.
Theo Sở hữu trí tuệ