Giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025

Admin
(SHTT) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, điều kiện để đạt mục tiêu tăng trưởng đạt 8% thì tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 9,5% trở lên (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7%). Các khu vực kinh tế tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7-1,3% so với năm 2024...

Bộ trưởng nhấn mạnh, tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh.

kinh-te-viet-nam-nam-2024-va-trien-vong-nam-2025-04-.8059

 

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh quan điểm, muốn có tăng trưởng thì phải có đầu tư, muốn đầu tư thì phải có vốn. Năm 2023, GDP tăng trưởng gần 7% thì tín dụng tăng trưởng 14,55%; năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09% thì tín dụng tăng trưởng 15,08%. Như vậy, trung bình, tín dụng tăng trưởng hơn 2% sẽ giúp GDP tăng trưởng 1%. Do vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%, tăng trưởng tín dụng phải đạt khoảng 16%; tăng trưởng kinh tế 10% thì tăng trưởng tín dụng phải đạt mức 18-20%.

Để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho rằng phải bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, ngân hàng thương mại; đẩy mạnh huy động vốn, vốn nhàn rỗi bằng chính sách lãi suất hợp lý. Trường hợp cần thiết, NHNN Việt Nam sẽ sử dụng các công cụ điều hành về cung ứng vốn, tái cấp vốn hoặc các nghiệp vụ điều hành thị trường tiền tệ để bảo đảm vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư. NHNN Việt Nam cũng sẽ tiếp tục điều hành lãi suất ổn định; chỉ đạo ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất bằng cách tiết kiệm chi phí, ứng dụng công nghệ giảm chi phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. NHNN Việt Nam cũng đặt ra hạn mức tín dụng 16%, nhưng vẫn có thể nâng hạn mức tín dụng cao hơn nếu vẫn kiểm soát được lạm phát, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho phép và đạt mục tiêu tăng trưởng.

Theo một số ý kiến, tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên là mục tiêu khá thách thức trong bối cảnh hiện nay. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc đẩy mạnh các động lực tăng trưởng, cần chú trọng bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công, kiểm soát rủi ro lạm phát để tăng trưởng cao mà không làm phát sinh những hệ lụy trên chặng đường dài phía trước.

TH