Gia tăng vi phạm an toàn thực phẩm đối với nông sản xuất khẩu

Hương Mi
Thời gian gần đây, không ít lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam bị cảnh báo và trả về do vi phạm các quy định của nước nhập khẩu. Vì vậy cần kiểm soát chặt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng và khẳng định chất lượng nông sản Việt trên thị trường.

Tính đến tháng 7/2023, tổng số lượng mã số vùng trồng trên toàn quốc đã cấp là gần 7.000 mã số và cơ sở đóng gói là hơn 1.600 mã số. Tuy nhiên, lo ngại là các vi phạm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đang có chiều hướng gia tăng.

Cụ thể, tháng 4, lô hàng ớt Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc bị thu hồi do có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gấp 10 lần tiêu chuẩn.

Tháng 7, Trung Quốc cảnh báo về vi phạm yêu cầu kiểm dịch thực vật với chuối, mít, thanh long, sầu riêng…. từ Việt Nam.

Chỉ trong nửa đầu năm nay, Việt Nam có 31 lô hàng nông sản thực phẩm bị EU cảnh báo, trong đó có tới 60% liên quan đến vi phạm vượt ngưỡng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

nong san1

​​​​​​​

 

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết: “Từ năm 2021 đến nửa đầu năm 2023, Cục đã nhận được nhiều thông báo không tuân thủ về kiểm dịch thực vật từ các nước nhập khẩu. Chỉ tính bảy tháng đầu năm đã phát hiện 370 lô hàng có đối tượng kiểm dịch thực vật, chủ yếu là chuối, thanh long; sau đó là xoài, sầu riêng, mít”. Ngoài ra, Cục BVTV cũng nhận được 107 cảnh báo về các lô hàng xuất khẩu không đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm như chứa nấm mốc, vi khuẩn, kim loại nặng, chất gây dị ứng…

Có thể thấy, bên cạnh VietGAP, GlobalGAP, hiện các thị trường xuất khẩu lớn đã đưa ra nhiều tiêu chuẩn chất lượng nâng cao hơn, bao gồm yếu tố bền vững, giảm thiểu rủi ro, truy xuất nguồn gốc...

Các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đặt ra không phải để làm khó nông dân, mà đây là yêu cầu thực tế từ đối tác nhập khẩu, vừa để bảo vệ người tiêu dùng, vừa thúc đẩy chất lượng nông sản Việt ngày càng hoàn thiện hơn khi tiến ra thế giới.

Theo khảo sát của tổ chức Oxfam Việt Nam, đa phần các doanh nghiệp thừa nhận, không có động lực để tìm hiểu và áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nếu chưa trực tiếp tiếp nhận yêu cầu cụ thể từ khách hàng. Chưa kể, các tiêu chuẩn này liên tục được cập nhật khiến nhiều doanh nghiệp bị động nếu không nắm chắc về thị trường.

Trước vấn đề trên, ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu Cục BVTV chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho người dân, DN và cán bộ địa phương về các quy định của nước nhập khẩu. Hình thức tuyên truyền, tập huấn cần chuyển đổi và đa dạng hóa hình thức, làm sao dễ tiếp cận đối với từng đối tượng cụ thể.

Thứ trưởng Trung cũng yêu cầu Cục BVTV chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng. Từ đó phát hiện, xử lý và tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho các lô hàng không tuân thủ.

Với các địa phương, Thứ trưởng Trung yêu cầu xây dựng cơ chế và triển khai thực hiện giám sát thường xuyên việc sơ chế, chọn lọc hàng hóa để đảm bảo không nhiễm sinh vật gây hại tại các nhà đóng gói đã được cấp mã số.

Cùng đó, nâng cao chất lượng kiểm tra ban đầu đối với các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, tăng cường giám sát mã số sau khi được cấp. Đồng thời tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng - cơ sở đóng gói - cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật - DN xuất khẩu; tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu và đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia.