Trong những ngày đầu tháng 12 năm nay, giá cả các loại phân bón trên thị trường vẫn đang ở mức cao.
Sau khi lên mức giá cao nhất trong tháng 11, có thời điểm giá Urea bán lẻ lên tới 1 triệu đồng/bao, hiện giá phân Urea đang có xu hướng giảm xuống ở ĐBSCL, nhưng vẫn chững lại ở mức rất cao tại khu vực Đông Nam bộ.
Giá phân bón các loại đứng ở mức cao gây khó khăn lớn cho sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 ở cả Đông Nam bộ và ĐBSCL. Chưa dừng lại ở đó, giá một số loại phân bón chủ lực được dự báo đang có xu hướng tăng lên trong thời gian sắp tới.
Giá phân Urea và SA đã lập đỉnh trong tháng 11, có chiều hướng chững lại từ đầu tháng 12 sau một thời gian dài tăng mất kiểm soát, đặc biệt là Urea hạt trong. Giá Kali bột sẽ tiếp tục duy trì ổn định ở mức 13-13,5 triệu đồng/tấn và xu hướng này có thể sẽ kéo dài đến tháng 2 năm sau.
Kali miểng sẽ tiếp tục đứng ở mức cao 17-17,5 triệu đồng/tấn và sẽ hướng tới mức 18 triệu đồng/tấn vào cuối Quý 1/2022 vì nguồn cung khan hiếm trên thị trường thế giới.
Phân DAP sẽ tiếp tục duy trì đà tăng giá, với quyết định cấm xuất khẩu của Trung Quốc, Nga hiện đang có động thái xiết lại hạn ngạch xuất khẩu đối với sản phẩm phân bón nitơ và phân tổng hợp chứa nitơ từ ngày 1/12/2021 đến ngày 31/5/2022. Theo dự kiến, giá bán buôn DAP nâu sẽ sớm vượt mức 23 triệu đồng/tấn, DAP xanh Hồng Hà và DAP Hàn Quốc là 24-25 triệu đồng/tấn.
Với tình hình sản xuất trong nước, phân DAP sẽ tiếp tục khan hiếm do quặng Apatit không được cải thiện. Có khả năng DAP 64% Hoá chất Đức Giang sẽ giao từ tháng 12 cho các hợp đồng đã ký từ tháng 10, tuy nhiên mức giá vốn vào đến TP.HCM đã lên đến trên 20 triệu đồng/tấn.
Vinacam cho rằng, ngoại trừ DAP và Kali miểng có thể mua trước cho kế hoạch sản xuất, các loại nguyên liệu khác chỉ nên mua cầm chừng, theo phương án sản xuất đến đâu mua đến đó.
Theo một số chuyên gia ngành phân bón, Nga và Trung Quốc, hai nước xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới đều đưa ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu gây tác động lớn tới thị trường phân bón thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng trong những tháng cuối năm 2021 và nửa đầu năm 2022.
Trong thời gian gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một trong những quốc gia sản xuất phân bón chủ lực ở châu Âu, hiện đã ngưng xuất khẩu nhiều lô hàng phân bón.
Việc hàng loạt quốc gia xuất khẩu phân bón lớn trên thế giới đồng loạt hạn chế xuất khẩu khiến cho giá phân bón trên thế giới sẽ còn tiếp tục ở mức cao kỷ lục trong nửa đầu năm 2022, gây tác động không nhỏ tới giá phân bón ở Việt Nam.
Theo Sở hữu trí tuệ