Công ty CP Diêm Thống Nhất ra đời từ năm 1956, xuất thân từ một doanh nghiệp Nhà nước sản xuất diêm truyền thống, cũng là nhà máy sản xuất đầu tiên được xây dựng tại Miền Bắc sau năm 1954.
Đến năm 1993 nhà máy chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp với tên gọi Công ty Diêm Thống Nhất. Từ tháng 1/2002 chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần (Quyết định số 1130/QĐ-TTg ngày 27/8/2001 của Thủ Tướng Chính phủ) với tên gọi Công ty CP Diêm Thống Nhất.
Thương hiệu quốc dân
Khi hầu hết gia đình Việt vẫn sử dụng bếp than và bếp củi để sinh hoạt, những bao diêm có hình chim bồ câu trắng trên nền trời xanh là hình ảnh quen thuộc và trở thành sản phẩm không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt của người Việt Nam.
Đặc biệt, trong giai đoạn thập niên 70 - 80 của thế kỳ trước, Diêm Thống Nhất còn được coi là niềm tự hào của ngành công nghiệp nhẹ khi sản phẩm này chiếm lĩnh gần như 100% thị phần đánh lửa tại Việt Nam. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng có lẽ Diêm Thống Nhất là sản phẩm có mặt trong tất cả các quầy tạp hóa, thống trị thị trường vào thời điểm đó.
Còn với nhiều thế hệ cán bộ, công nhân tại nhà máy Diêm Thống Nhất, niềm tự hào nhất của họ là được làm việc tại nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh hai lần về thăm. Tập thể lãnh đạo, công nhân của công ty luôn ghi nhớ lời dặn dò của Bác Hồ trong lần đến thăm Nhà máy ngày 16/8/1956: “Nhà máy ta là nhà máy đầu tiên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, các cô các chú phải quản lý và sản xuất cho tốt…”.
Không chỉ các thế hệ trước, thế hệ kế tiếp sau này cũng có rất nhiều cán bộ, công nhân gắn bó hàng thập kỷ với công ty, chứng kiến sự đổi mới và phát triển của Diêm Thống Nhất qua từng giai đoạn.
Lưu giữ ngọn lửa huyền thoại
Thịnh vượng một thời là thế, nhưng từ giai đoạn nền kinh tế bắt đầu mở cửa, Diêm Thống Nhất cũng đối mặt với nhiều khó khăn thách thức khi bị cạnh tranh gay gắt bởi các sản phẩm tạo lửa từ nước ngoài, đặc biệt là bật lửa của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, với việc đất nước này càng phát triển khi điện trở nên phổ biến, cuộc sống hiện đại hơn, sản phẩm này đã không còn phổ biến, số lượng diêm cung cấp ra thị trường ngày một giảm.
So với thời điểm được cho là “hoàng kim” của Diêm Thống Nhất cách đây hơn một thập kỷ với mức tiêu thụ hơn 180 triệu bao diêm, thì sản lượng diêm hộp của Diêm Thống Nhất tính từ năm 2018 chỉ còn chưa tới 100 triệu bao, giảm hơn 45%.
Đến năm 2019, sản lượng diêm tiêu thụ khoảng 70/76 triệu bao, giảm 30 triệu bao so với cùng kỳ. Năm 2020, sau khi công ty chính thức dừng sản xuất đại trà, số lượng diêm đã giảm kỷ lục xuống còn hơn 60.000 kiện sản phẩm diêm các loại và năm 2021 chỉ còn hơn 40.000 kiện.
Đáng chú ý, thời điểm giữa tháng 11/2019, việc công ty công bố Nghị quyết Đại hội cổ đông bất thường với nội dung vắn tắt “dừng sản xuất Diêm từ năm 2020 và hủy đăng ký giao dịch trên cổ phiếu công ty trên thị trường Upcom” đã gây hiểu lầm, khiến bao nhiêu thế hệ người Việt tiếc nuối cho một thương hiệu quốc dân tồn tại hơn 60 năm.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 12/2019, ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc Công ty CP Diêm Thống Nhất đã có thông báo gửi đến khách hàng đính chính về việc ngừng sản xuất diêm.
Ông Hưng cho biết đây là quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của công ty, hiện tại dây chuyền sản xuất diêm sau hơn 30 năm sử dụng đã quá cũ và lạc hậu, nguồn cung nguyên liệu gỗ làm diêm cạn kiệt,.. dẫn đến chất lượng sản phẩm không đảm bảo, tiêu hao nhiều. Mặt khác, sản lượng tiêu thụ giảm mạnh do nhu cầu tiêu dùng đang chuyển dần sang sản phẩm sinh lửa khác có nhiều ưu việt hơn. Nên nếu duy trì sản xuất như hiện tại là không hiệu quả.
“Công ty xin khẳng định sẽ không dừng sản xuất diêm tại công ty mà chỉ dừng sản xuất diêm đại trà nhưng vẫn tiếp tục sản xuất các loại diêm cao cấp và diêm quảng cáo theo đơn đặt hàng và nhu cầu của khách hàng. Công ty chúng tôi cũng đã hợp tác với các nhà sản xuất trong và ngoài nước để sản xuất loại diêm truyền thống với chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn và chi phí hợp lý hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Như vậy việc sản xuất kinh doanh diêm vẫn diễn ra bình thường không có gì thay đổi”, ông Hưng thông tin.
Năm 2020, Diêm Thống Nhất cũng chính thức thông báo dừng sản xuất đại trà, khép lại thời "hoàng kim" của bao diên huyền thoại ở tuổi 63, cũng chính vì thế ở thời điểm hiện tại, người tiêu dùng không thể tìm mua được Diêm Thống Nhất tại các cửa hàng tiện lợi hay siêu thị mà chỉ thấy lác đác đâu đó trong các quán nước hay cửa hàng tạp hóa ven đường.
Để duy trì hoạt động, công ty đã mở rộng đầu tư kinh doanh sang một số lĩnh vực khác, trong đó đẩy mạnh sản xuất, phân phối bật lửa.
Theo đó, bật lửa an toàn mang thương hiệu Thống Nhất đã được công ty cho ra đời để thay thế dần sản phẩm diêm được đánh giá là bước chuyển tiếp phù hợp trên cơ sở phát huy giá trị thương hiệu truyền thống Diêm Thống Nhất vốn thành công trong quá khứ.
Bật lửa Thống Nhất chính thức ra mắt từ năm 2013, nhưng đến năm 2014 sản phẩm này mới thật sự được người tiêu dùng đón nhận khi tiêu thụ ra thị trường số lượng khoảng 1,65 triệu chiếc và liên tục tăng theo cấp số nhân, đến năm 2018 con số đã lên đến 14,67 triệu chiếc và năm 2021 là trên 22 triệu chiếc.
Mặc dù không mang lại hiệu quả cao do đi sau và chịu sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường nhưng sản phẩm bật lửa Thống Nhất ra đời thực sự đã mở ra con đường mới cho thương hiệu một thời.
“Sức khoẻ” của thương hiệu quốc dân
Bên cạnh việc sản xuất, phân phối các sản phẩm bật lửa, Công ty CP Diêm Thống Nhất cũng mở rộng thêm các hoạt động kinh doanh thương mại khác như sản xuất bao bì carton; các dịch vụ cho thuê nhà xưởng, quảng cáo, kinh doanh thương mại… Tuy nhiên, việc mở rộng và đa dạng hoạt động sản xuất vẫn chưa đem lại hiệu quả cao cho công ty.
Thực tế đã chứng minh, mặc dù, doanh thu qua các năm có sự tăng trưởng nhẹ, nhưng lợi nhuận thu về của Diêm Thống Nhất lại giảm sút đáng kể qua các năm. Nếu tính từ thời điểm năm 2017 đến nay, doanh thu của doanh nghiệp này đạt trong khoảng trên 100 tỷ đồng trong khi lãi sau thuế chỉ vỏn vẹn xoay quanh ngưỡng trên 2 tỷ đồng.
Cụ thể, theo dữ liệu của Tạp chí Sở hữu trí và Sáng tạo, năm 2017, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt ở mức 115,8 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế gần 2,3 tỷ đồng. Đến năm 2018, doanh thu thuần có sự tăng trưởng nhẹ lên 118 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế giảm còn 2,2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, năm 2019, doanh thu thuần của Diêm Thống Nhất là hơn 132 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế lại giảm đến hơn 60%, xuống còn 896 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2018 (2,2 tỷ đồng).
Đến năm 2020, doanh thu thuần của công ty đạt 140 tỷ đồng, tăng khoảng 5,6% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế tăng 100,1%, lên gần 1,8 tỷ đồng.
Mới đây nhất, ngày 10/4, Công ty CP Diêm Thống Nhất đã công bố báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong năm 2021 với doanh thu thuần đạt gần 124 tỷ đồng, giảm 11,4% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế tăng gần 14%, lên hơn 2 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Diêm Thống Nhất đạt 41,1 tỷ đồng giảm hơn 3,4 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm (44,5 tỷ đồng). Trong đó, phần lớn là tài sản ngắn hạn 37,2 tỷ đồng gồm: Các khoản thu ngắn hạn 16,7 tỷ đồng, hàng tồn kho 10,3 tỷ đồng,… Tài sản dài hạn gần gần 3,9 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối kế toán, chiếm phần lớn là nợ ngắn hạn 12,3 tỷ đồng, giảm 23% so với thời điểm đầu năm. Vốn chủ sở hữu đến cuối kỳ là 28,7 tỷ đồng, trong đó, vốn góp chủ sở hữu là 22 tỷ đồng.
Theo Sở hữu trí tuệ