Những quy định mới sẽ mang lại những giá trị và lợi ích to lớn cho các công ty sáng tạo, công ty phần mềm hay các nghệ sỹ, nhạc sĩ, lập trình viên, những người thường xuyên sáng tạo và có nhu cầu đăng ký bản quyền, đặc biệt là khi việc giao dịch, khai thác bản quyền trước tình trạng vi phạm bản quyền ngày càng diễn biến tinh vi và nghiêm trọng hiện nay.
Theo đóm 6 thay đổi lớn liên quan đến thủ tục đăng ký bản quyền tại Việt Nam được thực hiện sau ngày 26/4/2023 bao gồm:
1. Bổ sung thủ tục đăng ký bản quyền online
Theo quy định cũ, chỉ có 2 cách nộp hồ sơ đăng ký bản quyền:
– Một là, nộp hồ sơ trực tiếp, nghĩa là chúng ta sẽ đến trụ sở, văn phòng của Cục bản quyền tác giả để nộp.
– Hai là, nộp qua đường bưu điện.
Trên thực tế, thì từ năm 2021, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã cho triển khai dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục đăng ký bản quyền qua trang web http://dichvucong.bvhttdl.gov.vn/, tuy nhiên, khi nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công này, chúng ta vẫn phải gửi hồ sơ giấy qua đường bưu điện hoặc mang hồ sơ giấy lên Cục để đối chiếu, như vậy cũng không thuận tiện hơn là bao nhiêu.
Với quy định mới của Nghị định vừa ban hành, trong thời gian tới, chúng ta sẽ có thể đăng ký trực tuyến hoàn toàn, từ nộp hồ sơ, đóng phí và nhận kết quả.
Hiện tại thì các chức năng trực tuyến này đang trong giai đoạn cập nhật và hoàn thiện.
2. Thay đổi thời gian giải quyết hồ sơ
Theo quy định cũ: Thời hạn giải quyết hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ.
Tuy nhiên, kể từ ngày 26/4/2023 trở đi, hồ sơ đăng ký bản quyền sẽ trải qua 2 bước thẩm định:
– Bước 1: Thẩm định tính hợp lệ của hồ sơ: Cục Bản quyền sẽ thực hiện rà soát, phân loại, xem xét tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ;
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cục Bản quyền sẽ thông báo yêu cầu người nộp đơn sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Người nộp đơn có thời hạn tối đa 01 tháng kể từ ngày nhận được thông báo để sửa đổi, bổ sung hồ sơ, trừ trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của pháp luật. Trường hợp người nộp đơn không sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc đã sửa đổi, bổ sung mà hồ sơ vẫn chưa hợp lệ thì Cục Bản quyền sẽ trả lại hồ sơ cho tổ người nộp đơn.
– Bước 2: Xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả: Trường hợp hồ sơ hợp lệ theo quy định, trong thời hạn 15 ngày làm việc, Cục Bản quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp đơn.
Như vậy, thời gian giải quyết hồ sơ sẽ tăng thêm 30 ngày so với quy định cũ.
3. Ký hồ sơ đăng ký
Một trong những tài liệu cần có trong bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả là tờ khai đăng ký quyền tác giả.
Trước đây, nếu tác giả uỷ quyền cho người khác nộp hồ sơ đăng ký, cụ thể là ủy quyền cho các tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan, như Công ty Luật CIS, thì người được ủy quyền, có thể thay tác giả ký tên trên tờ khai.
Tuy nhiên, kể từ ngày 26/4/2023 trở đi, dù đã ủy quyền, nhưng tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả vẫn phải ký tên trên tờ khai đăng ký.
Quy định mới này có thể là không lớn, nếu chúng ta nhớ và làm đúng, nhưng nếu chúng ta không nhớ, thì việc nộp hồ sơ sẽ bị kéo dài hơn, vì chúng ta đi nộp, rồi bị yêu cầu ký lại hồ sơ cho đúng. Trường hợp khách hàng ở xa, nhất là ở nước ngoài, thì việc ký đi ký lại hồ sơ là rất phiền.
Mặc dù đây là điểm sửa đổi nhỏ trong luật, nhưng nếu chúng ta không để ý, thì nó sẽ trở thành vấn đề lớn. Việc ký lại này sẽ làm kéo dài thêm thời gian chuẩn bị hồ sơ nếu chúng ta làm không đúng.
4. Giấy ủy quyền phải được chứng thực
Khi muốn đăng ký bản quyền, thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có thể tự mình làm hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện.
Trước đây, nếu tác giả ủy quyền cho các tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan chỉ cần ký giấy ủy quyền là đủ.
Tuy nhiên, kể từ ngày 26/4/2023 trở đi, nếu tác giả ủy quyền, thì Giấy ủy quyền đó phải được chứng thực, nghĩa là chủ sở hữu bản quyền phải ra UBND hoặc văn phòng công chứng để chứng thực Giấy ủy quyền.
5. Công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả
Chuyển nhượng quyền tác giả là một thuật ngữ pháp lý, mà hiểu đơn giản, chuyển nhượng quyền tác giả là việc bán bản quyền cho người khác, để người đó sở hữu bản quyền.
Theo quy định cũ, khi bán bản quyền, các bên chỉ cần ký hợp đồng là đủ, nghĩa là 2 bên tự ký và tự chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, kể từ ngày 26/4/2023 trở đi, nếu sau khi bán bản quyền, người sau muốn đăng ký bản quyền để mình đứng tên sở hữu, thì hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng mua bán đó phải được công chứng, chứng thực.
Với quy định mới này, nhiều người sẽ gặp khó khăn khi thực hiện, vì nhiều văn phòng công chứng, ngay cả UBND có thể từ chối công chứng do giấy tờ không đầy đủ.
6. Thủ tục đăng ký bản quyền cho người nước ngoài
Trước đây, người nước ngoài hoặc công ty nước ngoài mà chưa có Chi nhánh, Văn phòng đại diện ở Việt Nam thì vẫn có thể nộp hồ sơ đăng ký bản quyền.
Tuy nhiên, nghị định mới quy định: người nước ngoài không thường trú ở Việt Nam hoặc công ty nước ngoài chưa có chi nhánh, Văn phòng đại diện ở VN khi muốn đăng ký bản quyền thì bắt buộc phải uỷ quyền cho Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan, là các đơn vị đã đăng ký hành nghề tại Cục BQ, như Công ty Luật CIS.