Đại biểu Quốc hội đề xuất giải pháp giảm giá xăng dầu

Admin
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đại biểu đoàn TP.Hồ Chí Minh) đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường và tiêu thụ đặc biệt để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu.

Thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021, những tháng đầu năm 2022 vào ngày 1/6, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, kinh tế thế giới có nhiều biến động, giá xăng tăng cao tác động đến tình hình trong nước, nguy cơ lạm phát... thì Chính phủ cần sớm xem xét sử dụng các công cụ thuế để giảm giá xăng dầu, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần tập trung tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát giá các mặt hàng nhu yếu phẩm để tránh tình trạng đầu cơ găm hàng, đẩy giá lên cao bất hợp lý.

Cùng với đó là có biện pháp giảm giá của các mặt hàng như xăng dầu, điện, nước… bởi theo các đại biểu, nếu giá các mặt hàng này tiếp tục tăng thì sẽ tác động không nhỏ đến tình hình lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới.

gia xang dau

 

 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.Hồ Chí Minh) cho biết: "Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng. Trong đó, mặt hàng quan trọng nhất là mặt hàng xăng dầu, vì để giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến “domino” các mặt hàng giá cả khác".

Vị đại biểu đoàn TP.Hồ Chí Minh cũng cho rằng, cần hỗ trợ, giảm các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giữ giá bán hàng hóa. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát giá, chống đầu cơ, chống các hành vi "té nước theo mưa" và khuyến nghị các chương trình bình ổn giá tại các địa phương, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Ông Ngân đánh giá tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều thách thức vì giá cả xăng dầu tăng cao, vì vậy cần xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ trong dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, gắn hai biến số quan trọng là giá lương thực và giá xăng dầu. Bởi nếu không hạ nhiệt giá xăng sẽ dẫn đến domino tăng giá ở các mặt hàng khác. “Cần nhanh chóng giảm đầu vào cho doanh nghiệp, kiểm soát giá, kiểm soát tình trạng “té nước theo mưa”, chú trọng bình ổn giá” - ĐB Ngân nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng giải pháp cấp bách và nhanh nhất lúc này để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu trong nước là giảm thuế bảo vệ môi trường. Cạnh đó, ông Nghĩa cũng cho rằng cần phải tìm cách tăng nguồn cung xăng dầu để đảm bảo an ninh xăng dầu trong nước.

Cũng liên quan đến tác động dây chuyền của giá xăng dầu, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên bị chi phối nhiều bởi các yếu tố bên ngoài. Khi giá cả thế giới tăng, chúng ta bị ảnh hưởng ngay. 

“Hiện giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, đẩy giá hàng hóa khác tăng theo. Đến nay không chỉ dừng ở xăng dầu, khí đốt mà đã lan sang vật tư phân bón, lương thực, thực phẩm, tác động thành chuỗi dây chuyền khiến các chi phí dịch vụ tăng lên làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, bà Yến cho biết.

ại biểu đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu dẫn số liệu, bình quân 4 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước đã tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 2,1%. Riêng tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gần gấp hai lần cùng kỳ các năm 2018 đến năm 2021 tạo sức ép lạm phát vào những tháng cuối năm.

Về giải pháp, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Chính phủ cân nhắc đánh giá sát tình hình, đưa ra các chính sách kiểm soát chặt và ổn định giá xăng dầu, điều hành linh hoạt chặt chẽ, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ. Đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo thuận lợi để kiềm chế lạm phát bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. 

Bên cạnh đó cần công khai, minh bạch việc quản lý, điều tiết giá cả như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, y tế, sách giáo khoa để cử tri và nhân dân được biết và chia sẻ.

Theo Sở hữu trí tuệ