Công ty Cổ phần sơn Bostik Việt Nam xâm phạm nhãn hiệu: Bị xử lý ra sao?

Hương Mi
Công ty Cổ phần sơn Bostik Việt Nam kinh doanh sơn nội thất có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ. Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội vừa có Tờ trình số 174/TTr-QLTTHN, đề nghị UBND TP. Hà Nội ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty này.

Như đã đưa tin trước đó, sau quá trình nắm bắt thông tin và thực hiện biện pháp nghiệp vụ thẩm tra xác minh đối với hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với Công ty Cổ phần sơn Bostik Việt Nam tại địa chỉ Xóm 2, xã Chương Dương, huyện Thường Tín, Hà Nội, Đội QLTT số 1 đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với Công ty Cổ phần sơn Bostik Việt Nam tại địa chỉ Xóm 2, xã Chương Dương, huyện Thường Tín, Hà Nội cùng với sự phối hợp của đại diện chính quyền địa phương.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại Cơ sở đang kinh doanh 512 thùng sơn nội thất các loại trên vỏ thùng có ghi nhãn BOSTIK, hình. Toàn bộ số sản phẩm hàng hóa này do Công ty cổ phần sơn BOSTIK Việt Nam sản xuất. Qua đấu tranh, làm việc, Đoàn kiểm tra xác định toàn bộ số hàng hóa trên là hàng hóa xâm phạm quyền đối nhãn hiệu đang đươc bảo hộ của BOSTIK SA. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh và xử lý hành vi vi phạm theo quy định.

xam pham nhan hieu

Cùng đó, tại buổi làm việc, Giám đốc Công ty Cổ phần sơn Bostik Việt Nam thừa nhận toàn bộ hàng hóa là 512 thùng sơn nội thất các loại trên vỏ thùng có ghi nhãn Bostik và hình là hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như kết luận giám định sở hữu công nghiệp của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ.

Theo đại diện cơ quan chức năng, toàn bộ số hàng hóa này không chỉ được bày bán công khai tại địa điểm kinh doanh của Công ty Cổ phần sơn Bostik Việt Nam mà còn được đăng tải trên website thương mại điện tử của Công ty có tên miền https://sonbostik.com/ để giới thiệu quảng bá sản phẩm đến khách hàng cũng như người tiêu dùng trên toàn quốc.

Vì vậy Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội vừa có Tờ trình số 174/TTr-QLTTHN, đề nghị Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Sơn BOSTIK Việt Nam, địa điểm kinh doanh tại xóm 2, xã Chương Dương, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội, do ông Đặng Đức Hoàn làm Giám đốc.

Theo đó, Công ty Cổ phần Sơn BOSTIK Việt Nam bị đề nghị xử phạt với 3 hành vi, gồm: Sản xuất hàng hóa mang dấu hiệu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, bị đề nghị xử phạt 144 triệu đồng; công bố không đầy đủ, không chính xác trên website thương mại điện tử bán hàng thông tin về chủ sở hữu website, bị đề nghị xử phạt 2 triệu đồng; cung cấp thông tin hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet, bị đề nghị phạt 20 triệu đồng. Tổng mức hình phạt cho 3 hành vi là 166 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Sơn BOSTIK Việt Nam còn bị xử phạt bổ sung bằng hình thức: Đình chỉ toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá vi phạm 1 tháng.

Đối với hàng hoá vi phạm, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đề nghị buộc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu huỷ yếu tố vi phạm theo Biên bản tạm giữ số 01010134/BB-TG ngày 14/11/2023 của Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội.

Hương Mi

Căn cứ theo khoản 1 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ 2005, các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu bao gồm: Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.

Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ.

Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ.

Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.”

Hiện nay, vi phạm nhãn hiệu thường gặp phổ biến nhất có thể kể đến là “Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ”.