Năm 2022 là năm bội thu của các vườn trồng sầu riêng tại Việt Nam. Nhiều báo đài và kênh truyền thông đăng bài cổ vũ, làm thương hiệu cho trái sầu riêng của Việt Nam. Tuy nhiên, từ tháng 3/2023, nhiều kênh truyền thông lại đăng bài đảo chiều để cảnh báo nông dân không chặt bỏ các loại cây trồng truyền thống để trồng cây sầu riêng.
Khi nhóm phóng viên của Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo đi đến các địa phương trồng sầu riêng để khảo sát thực tế thì nhận được rất nhiều trường hợp người dân bị hoảng loạn bởi chính những thông tin truyền thông.
Chúng tôi đã gặp ông An, một nông dân ở Đăk Nông có 2ha đang trồng cafe. Ông từng tiếp nhận thông tin qua báo chí đăng rằng sầu riêng có giá trị cao, và Việt Nam đang xem đó là mũi nhọn để xuất khẩu ra thế giới. Vì vậy sau một đêm suy nghĩ, sáng hôm sau ông quyết định phá bỏ vườn trồng cafe để trồng sầu riêng. Nhưng vừa mới phá bỏ xong vườn trồng thì ông lại thấy hàng loạt báo đăng tin sầu riêng có nguy cơ dư cung. Ông thực sự hoảng loạn và không hiểu sao tình hình lại có thể quay đầu nhanh như vậy.
Vậy việc báo chí truyền thông khuyến cáo bà con không nên tự trồng sầu riêng nhỏ lẻ hàng loạt là đúng hay sai? Thực hư chuyện này ra sao?
Để tìm hiểu thực hư vấn đề này, nhóm Phóng viên đã đến dự hội thảo “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho cây sầu riêng tại huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên”. Tại đây có sự tham gia của các nhà vườn có vùng trồng lớn, các đơn vị thương lái thu mua sầu riêng tại Việt Nam và một số nhà nhập khẩu hàng đầu đến từ Trung Quốc và Quốc tế.
Trong buổi toạ đàm, phóng viên đã đưa ra một số câu hỏi về thực tại và tương lai của cây sầu riêng Việt Nam và được các chuyên gia phân tích và trả lời rất chi tiết.
Phóng viên: Theo ông/bà, vùng trồng sầu riêng của Việt Nam so với Thái Lan và các nước khác như thế nào?
Việt Nam có nhiều thuận lợi lớn về thổ nhưỡng, khí hậu nên mặc dù rất ít nơi có thể phù hợp trồng cây sầu riêng nhưng so với các nước khác thì diện tích vùng trồng của chúng ta vẫn nhiều hơn. Đặc biệt là mùa thu hoạch sầu riêng của nước ta chia ra theo từng vùng là thời gian khác nhau, chính vì vậy ở Việt Nam mùa nào cũng có sầu riêng để xuất khẩu và lượng cung không tập trung trong cùng 1 thời điểm. Có những nơi như Huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa hoặc huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên cây sầu riêng cho ra “trái vụ” tự nhiên so với các nước khác nên vào mùa thu hoạch của những nơi này giá sầu riêng luôn bán giá cao hơn. Vì vậy nếu Việt Nam biết cách làm thương hiệu và nâng cao chất lượng của trái sầu riêng thì hoàn toàn có thể đứng đầu trong loại trái cây này.
Phóng viên: Vậy theo các diễn giả, đâu là lý do khiến số lượng vùng trồng chúng ta lớn nhưng số lượng xuất khẩu chính ngạch của chúng ta lại đang ít hơn Thái Lan?
Ở Việt Nam ta, sầu riêng trồng tuy nhiều (khoảng 85,000 ha) nhưng phần lớn vườn trồng lại phát triển rời rạc và nhỏ lẻ theo từng hộ nông dân. Chỉ có khoảng 3,000 ha đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch. Cây sầu riêng đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc rất cao mà trình độ tay nghề của bà con chưa được đồng đều. Kinh phí chăm sóc 1 ha sầu riêng theo đúng tiêu chuẩn thế giới hàng năm từ 120 triệu đến 200 triệu cũng là một trở ngại đối với bà con nông dân. Do đó chất lượng trái sầu riêng không đồng đều nên việc thu gom để xuất khẩu gặp nhiều trở ngại.
Bên cạnh đó, một số nơi không đủ quy mô và kỹ thuật thì không được cấp mã vùng trồng nên cũng không thể xuất khẩu chính ngạch được. Nhiều nơi đã có mã vùng trồng, trái đạt chất lượng nhưng lại thiếu nhà máy sơ chế đóng gói để xuất khẩu.
Hiện nay số lượng nhà máy sơ chế và đóng gói xuất khẩu cho sầu riêng chỉ mới đáp ứng được 10% trên tổng sản lượng những nơi có mã vùng trồng. Do đó có hàng mà không đóng gói được thì cũng không xuất khẩu được. Trong khi bên Thái Lan họ làm theo vùng trồng tập trung và có đầy đủ nhà máy để bảo quản và sơ chế đóng gói rất bài bản nên sản phẩm của họ xuất khẩu được nhiều hơn chúng ta ra thế giới.
Phóng viên: Nếu nguồn cung và cầu nhiều như vậy tại sao các đơn vị không đầu tư nhiều nhà máy hơn? Vì đây cũng là cơ hội đầu tư tốt mà sao không có nhiều người làm?
Đúng là cơ hội rất lớn, có nhiều tổ chức đầu tư dư sức để xây dựng nhà máy. Nhưng có một thực tế là trước đây nhiều nhà đầu tư đã xây dựng nhà máy để thu mua cho bà con nhưng lại bị thất bại và phá sản. Nguyên nhân chính là khi có nhà máy thì bà con lại không tập trung bán hàng cho nhà máy mà lại bán cho thương lái trả giá cao hơn nên nhà máy không thể hoạt động được. Đến mùa thu hoạch khi các thương lái họ phá giá trả cao hơn một chút là các nhà vườn phá vỡ cam kết với nhà máy để bán cho thương lái bên ngoài. Nhưng họ không biết rằng các thương lái đó năm sau chưa chắc gì quay lại mua tiếp với giá cao hơn như vậy. Có nhiều lý do để thương lái bên ngoài mua giá cao bất thường trong một vụ thu hoạch nào đó:
Lý do thứ nhất là do một số thương lái nhận được một hợp đồng đặc biệt với giá cao nên họ thu mua cao, nhưng hợp đồng đó là thời vụ không phải lâu dài. Lý do thứ 2 là thương lái họ linh động giảm nhiều chi phí hoặc giảm lãi để chấp nhận mua cao hơn nhà máy trong một mùa vụ để giữ cho một hợp đồng họ đã đã lỡ ký với đối tác. Lý do thứ 3 là một số thương lái cấu kết với nhau để làm thị trường hoặc để triệt hại nhà máy. Đến khi nhà máy phá sản thì họ có cơ hội thu mua giá thấp hơn.
Điểm mạnh của việc xây dựng nhà máy là giúp bà con ổn định thị trường. Nhưng để ổn định thị trường thì các nhà máy cũng phải ký kết các hợp đồng với đối tác nước ngoài dài hạn với một biên độ giá vừa phải. Do đó trong một mùa vụ mà bị thương lái thao túng thị trường thì nhà máy sẽ không thể cạnh tranh về giá được với họ. Mà nếu như bà con phá bỏ cam kết bán hàng cho nhà máy thì điều tất yếu xảy ra là nhà máy đó phải phá sản do không có hàng để hoạt động sản xuất và bị phạt khi không có hàng xuất cho các đối tác lớn đã ký dài hạn.
Do đó chỉ những nơi mà nhà đầu tư xuất khẩu ký được hợp đồng với các vùng trồng lớn thì họ mới giám xây dựng nhà máy, do những vùng trồng lớn họ cần đầu ra ổn định nên ít khi phá vỡ hợp đồng đã ký. Còn đối với các vườn trồng nhỏ lẻ của bà con nông dân thì phải làm việc với nhiều hộ nên xác suất bị nhiều người phá vỡ hợp đồng là rất cao, do tâm lý người dân hay nhìn thấy cái lợi trước mắt mà bỏ qua cơ hội lâu dài. Nhưng hiện tại thực tế ở Việt Nam lại rất ít vùng trồng lớn tập trung mà đa số là nhà vườn nhỏ lẻ của các hộ dân.
Phóng viên: Nếu những nơi phù hợp thổ nhưỡng có thể trồng sầu riêng ở Việt Nam bà con đều đi trồng Sầu riêng thì có dư cung hay không?
Theo số liệu vùng trồng Sầu riêng tại Việt Nam thì chủ yếu tập trung ở một số tỉnh ở Miền Tây, Miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Ở mỗi tỉnh này cũng chỉ có một vài xã có thổ nhưỡng phù hợp để có thể trồng và cho ra trái có chất lượng tốt. Nếu chiếu theo nhu cầu tiêu thụ của thế giới ngày càng tăng như hiện nay thì lượng cung này vẫn không đủ để đáp ứng cho thị trường tiêu thụ sầu riêng trên thế giới. Tuy nhiên điều lo ngại không phải là số lượng mà là chất lượng và tiêu chuẩn để đủ điều kiện xuất khẩu. Nếu bà con cứ trồng nhỏ lẻ như hiện nay thì có thể sẽ dẫn đến tình trạng dư cung trong nước do không đủ điều kiện để xuất khẩu chính ngạch, mặc dù nhu cầu tiêu thụ ở thị trường quốc tế vẫn cao nhưng hàng hoá của chúng ta không đủ tiêu chuẩn để xuất đi.
Như hiện tại, nhiều vườn trồng của bà con chỉ bán cho thương lái để xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc, việc này rất rủi ro khi Trung Quốc hạn chế nhận hàng tiểu ngạch và chỉ ưu tiên cho nhập khẩu chính ngạch thì lúc đó trái sầu riêng của các nhà vườn nhỏ lẻ sẽ bị tồn đọng trong nước. Thế nên việc báo chí truyền thông khuyến cáo bà con không nên tự trồng sầu riêng nhỏ lẻ hàng loạt là đúng.
Chúng ta nên học hỏi các nước bạn và tập trung gom vùng trồng để tạo ra các vùng nguyên liệu lớn, đủ điều kiện để xây dựng nhà máy bảo quản, sơ chế và đóng gói xuất khẩu chính ngạch ra thế giới thì việc đó rất nên tiếp tục làm. Nếu tất cả những nơi trồng được sầu riêng ở Việt Nam đều là vùng trồng lớn và đúng tiêu chuẩn Viet Gap, Global Gap. Gắn kết được nhiều chủ thể vào dự án như: nhà Khoa học, nhà Sản xuất, nhà Xuất khẩu, nhà Nông, nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách, phát triển cây sầu riêng thành một Hệ - Sinh - Thái khép kín. Khi đó chúng ta không sợ dư cung, mà mang lại giá trị xuất khẩu cao, mang về lượng ngoại tế rất lớn cho Việt Nam.
Xin cảm ơn các chuyên gia!