Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM vừa tổ chức chương trình "Hội nghị triển khai các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP năm 2023". Một trong năm định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2023 là phát triển các mô hình thương mại hóa trong trường đại học.
Theo bà Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ - Sở KH&CN TP.HCM - có đến 90% startup tại Việt Nam đến từ bên ngoài trường đại học. Tại các nước đang phát triển, hầu như 85% - 90% startup đều bắt nguồn từ trường đại học vì đây là nguồn lực dồi dào, không cạn kiệt.
"Muốn xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có lợi thế cạnh tranh, chúng ta cần chính sách để thu hút tốt các nguồn lực. Chúng ta muốn xây dựng hệ sinh thái này bền vững và lâu dài thì nguồn lực phải đến từ các trường đại học. Dù đi chậm hơn các nước, nhưng đây là hướng đi mà TP.HCM phải quan tâm", bà Trúc nhấn mạnh.
Nhắc đến trường đại học khởi nghiệp, điều này không có nghĩa là các giảng viên phải đi khởi nghiệp hay những cam kết bắt buộc sinh viên phải khởi nghiệp, mà cần chú trọng đến vấn đề thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học thông qua mô hình trường đại học. Theo bà Trúc, đây là hướng chắc chắn phải đi, khi mở rộng phạm vi hoạt động thì chúng ta mới có thể tiếp cận đến thị trường nước ngoài.
Ông Đặng Đức Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Green+ - cho biết mục tiêu cuối cùng của chương trình là làm sao phát triển được lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tại TP.HCM, có khoảng 50 trường đại học, nếu chúng ta đầu tư tập trung vào mô hình đại học khởi nghiệp thì sẽ đem lại hiệu quả lớn. Với một sinh viên mới ra trường, doanh nghiệp phải đào tạo lại mất 5 năm để thích ứng.
Lý giải nguyên nhân nhiều sinh viên tại Việt Nam chưa quan tâm đến khởi nghiệp, ông Phạm Duy Hiếu - Chủ tịch Hội đồng Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam - cho rằng sinh viên có hai niềm tin bị thiếu vắng.
"Ở sinh viên có hai niềm tin bị thiếu vắng là không tin rằng bản thân có thể đóng góp giá trị và có thể kết nối. Đa số sinh viên còn sợ thất bại, sợ bị chỉ trích, sợ đổ vỡ các mối quan hệ, sợ không được công nhận. Đó là những nguyên do làm cản trở sự hình thành các startup ở các trường đại học", ông Hiếu nói.
Bên cạnh đó, năm 2023, Sở KH&CN TP.HCM tiếp tục đề xuất các chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho TP.HCM. Định hướng của TP là muốn xây dựng hệ sinh thái lâu dài, bền vững và có thế mạnh cạnh tranh. Vì vậy, TP cần có chính sách thu hút nguồn lực trong và ngoài nước, đặc biệt các chính sách về thuế. Mặc dù có lợi thế về nhân sự, thị trường và vấn đề sử dụng điện thoại nhưng rõ ràng TP.HCM chưa thu hút được nguồn lực.
Ngoài ra, Sở sẽ tham mưu mô hình và đưa vào vận hành Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo TP.HCM cùng nền tảng trực tuyến thúc đẩy đổi mới sáng tạo – H.OIP. Năm 2023, nền tảng công nghệ thúc đẩy hoạt động sáng tạo của TP.HCM sẽ được vận hành thử nghiệm.
Việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công và hợp tác quốc tế trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là định hướng hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Sở.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM - trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, các công ty công nghệ sa thải hàng loạt đã có những tác động nhất định đối với hoạt động đổi mới sáng tạo trên toàn cầu, các nhà đầu tư hết sức cân nhắc.
Tại thị trường khu vực công, ông Dũng cho rằng thị trường dư địa lớn, tuy nhiên các startup, doanh nghiệp công nghệ ít chú ý. "Khu vực công dư địa rất lớn và đang cần doanh nghiệp công nghệ tham gia vào để giải quyết nhiều vấn đề", ông Dũng nói.
Trong bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) các quốc gia năm 2022 do Trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu - Startup Blink công bố, TP.HCM đang tiến gần vào top 100 thành phố có hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động toàn cầu. Theo ông Dũng trong khoảng thời gian hơn 5 năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM có những bức phá nhưng cần phải tiếp tục phấn đấu.