Chân dung những nữ tướng quyền lực của thương trường Việt

Admin
Bản lĩnh, chèo lái các công ty, tập đoàn lớn với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, nhiều nữ doanh nhân Việt đã tự đứng trên đôi chân của mình và ghi dấu ấn trên thương trường Việt.

 Tổng giám đốc Công ty Nutifood Trần Thị Lệ

Xuất thân là một bác sĩ dinh dưỡng nhưng Tổng giám đốc Công ty Nutifood Trần Thị Lệ lại cho thấy bản lĩnh của một nữ tướng trên thương trường khi chèo lái con thuyền NutiFood nhiều lần vượt bão ấn tượng. Đặc biệt trong đại dịch, Nutifood không chỉ cho thấy sức sống của một thương hiệu Việt mà còn trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội trong lúc nguy nan. Đó là lý do Nutifood được tôn vinh “Doanh nghiệp xuất sắc châu Á” (bình chọn của Enterprise Asia) và Tổng giám đốc NutiFood - bác sĩ Trần Thị Lệ được tổ chức phi chính phủ hàng đầu về kinh doanh khu vực châu lục này vinh danh là “Doanh nhân xuất sắc châu Á”.

Bác sĩ Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc Công ty Nutifood, thừa nhận công ty đã phải chịu rất nhiều áp lực trong suốt hơn 2 năm đối mặt với đại dịch Covid-19. “Thời điểm đại dịch bùng phát, áp lực lớn nhất của công ty là làm sao đảm bảo sức khỏe cho tất cả cán bộ công nhân viên và sản xuất thông suốt để đủ sản phẩm cung cấp ra thị trường. Chúng tôi coi sản xuất là nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe của người dân và đóng góp cho xã hội nên bằng mọi giá không thể ngưng sản xuất. Đến khi chuyển sang giai đoạn bình thường mới thì lại áp lực làm sao cho chiến lược của công ty vẫn có thể triển khai hiệu quả”, bà Lệ nói.

Hỏi bí quyết giúp đưa NutiFood “vượt bão” ấn tượng, “nữ tướng” của công ty thực phẩm dinh dưỡng hàng đầu VN khẳng định: Sự thành công và phát triển của công ty đến từ đóng góp của tất cả mọi người, từ Ban Giám đốc tới các cán bộ, công nhân viên, cho tới mỗi người lao động… không chỉ nhờ riêng cá nhân nào. Tất nhiên, doanh nghiệp cần sự định hướng về mặt chiến lược của những người đứng đầu, nhưng để thành công cần hài hòa tất cả các yếu tố đến từ mọi nguồn lực trong công ty. NutiFood luôn có định hướng lâu dài, bền bỉ với phương châm xuyên suốt được thấm nhuần là luôn đổi mới, đột phá và tinh thần muốn cống hiến cho xã hội.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo 

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở Hà Nội. Năm 17 tuổi, bà Thảo thi đỗ đại học Ngoại Thương Hà Nội và sau đó được đi du học Đông Âu. Trong cộng đồng du học sinh lúc bấy giờ, bà Thảo nhanh chóng nổi lên nhờ thành tích học tập xuất sắc. Ở tuổi 27 bà đã nhận tấm bằng Tiến sỹ Điều khiển học kinh tế, cùng với 2 tấm bằng cử nhân Quản lý kinh tế lao động và cử nhân Tài chính tín dụng.

Thời điểm này, bằng sự nhanh nhạy của bản thân đã giúp bà nhận thấy thị trường Đông Âu thiếu thốn hàng tiêu dùng, mọi thứ đều khan hiếm nên bà Thảo kinh doanh đủ thứ, từ hàng điện tử, máy tính, máy fax đến băng đĩa, đồng hồ, hàng nông sản từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, HongKong (Trung Quốc) sang Đông Âu.

Đồng thời, bà cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường khan hiếm và cần thiết như phân bón, sắt thép, thiết bị… Chỉ sau 3 năm tích lũy nhờ buôn bán hàng hóa qua lại giữa các nước, bà Thảo có trong tay 1 triệu USD khi chỉ mới 21 tuổi.

Trở về Việt Nam, bà Thảo khá kín tiếng với truyền thông, nhưng lại cực kỳ năng nổ trên thương trường. Bà tham gia sáng lập và điều hành 2 ngân hàng tư nhân là VIB và Techcombank, sau đó đầu tư vào HDBank. Nổi bật nhất là việc bà Thảo lập ra Vietjet Air, phá vỡ thế độc tôn của Vietnam Airlines trên thị trường hàng không, xây dựng một thương hiệu hàng không riêng giúp cho người dân được tiếp cận với các đường bay giá rẻ.

Ngày 9/3/2017, tạp chí Forbes công bố danh sách các nữ tỷ phú USD trên thế giới năm 2017, ghi nhận bà Phương Thảo là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với khối tài sản khi đó được ước tính rơi vào khoảng 1,2 tỷ USD. Đến tháng 3/2018, tài sản bà Thảo tăng vọt lên 3,1 tỷ USD nhưng giảm 2 năm sau đó.

Theo số liệu thời gian thực của Forbes, tổng tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air tính đến ngày 4/3/2022 đã tăng lên 3,1 tỷ USD, đưa bà Thảo trở thành người giàu thứ 987 thế giới. Trong số các nữ tỷ phú trên thế giới, bà Thảo hiện là người giàu thứ 119.

Đồng thời hiện nay bà cũng thuộc top 10 tỷ phú giàu nhất Việt Nam khi đứng vững ở vị trí số 4 trên bảng xếp hạng do Forbes công bố.

Bà Nguyễn Thị Sơn - "nữ tướng" đứng sau đế chế Sơn Kim Group

Bà Nguyễn Thị Sơn - người sáng lập gia tộc Sơn Kim lừng lẫy là một trong những doanh nhân thành đạt của Việt Nam từ những năm 1980.

Bà Nguyễn Thị Sơn xuất thân trong một gia đình có truyền thống về may mặc. Bà Sơn từng là nhà quản lý doanh nghiệp may mặc quốc doanh Legamex, Hiệu trưởng trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp...nên Sơn Kim Group (tên cũ là Đại Thành) có thế mạnh rất lớn trong ngành dệt may, thời trang cao cấp và nắm trong tay nhiều dự án bất động sản nghìn tỷ ở vị trí đắc địa.

Chồng mất sớm, một mình nuôi 5 người con song bà không chỉ nuôi dạy con khôn lớn thành người mà còn hỗ trợ chúng rất tích cực từ kinh nghiệm, tri thức cho đến tài chính để cả 5 người con trở thành những doanh nhân hàng đầu tại TP HCM.

Dù đã ngoài 70 tuổi và không nắm giữ bất cứ chức vụ cụ thể gì tại Sơn Kim nhưng bà Nguyễn Thị Sơn vẫn được coi là người phụ nữ quyền lực nhất gia tộc. Thậm chí, nhiều người còn ví bà như "lão phật gia" hay "thái thượng hoàng" của Sơn Kim.

“Bông hồng thép” ngành cơ điện lạnh

Tháng 8.2020, một cuộc chuyển giao quyền lực tốn không ít giấy mực của ngành truyền thông khi bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) - sau 35 năm ngồi ghế thuyền trưởng REE, đã chính thức “trao chìa khóa” đảm nhận vị trí Tổng giám đốc cho ông Huỳnh Thanh Hải.

Trong bài phát biểu, bà nhấn mạnh: “35 năm trước, đúng thời điểm VN có chính sách đổi mới, tôi được trao chiếc chìa khóa đảm nhận vị trí Tổng giám đốc. Công ty không có vốn liếng, tài sản, nhưng tôi cần được chọn một đội ngũ trẻ để cùng dấn thân xây dựng REE. Tôi từng nói với lãnh đạo tiền nhiệm như thế. Tôi ước mơ xây dựng REE là một công ty uy tín, dù chưa lớn, nhưng phải đẹp, tốt, để đời… Tuy VN tại thời điểm đó khó khăn, tôi lao vào làm việc với khát vọng thành công, tinh thần tự hào dân tộc đã thôi thúc để tôi dẫn dắt đội ngũ xây dựng REE như hôm nay. Tôi tiếp nhận những điều mới mẻ, như đón nhận một món quà quý giá: cổ phần hóa, phát hành trái phiếu quốc tế, niêm yết cổ phiếu, đi tiên phong áp dụng điều lệ tốt nhất”.

Nhiều mỹ từ gắn cho bà như người tiên phong, thuyền trưởng REE, riêng cá nhân mình, bà tự nhận là týp phụ nữ cấp tiến, có tố chất lãnh đạo từ nhỏ, luôn học hỏi, tìm tòi cái mới. Bà bộc bạch: “Hết 3 quý trong năm qua, ngành cơ điện hầu như không làm gì, ngay cả quý cuối năm, khi xã hội trở lại bình thường mới thì ngành cũng chưa thể bắt tay vào phục hồi ngay được. Cá nhân tôi có 3 tháng làm việc ở nhà, tự xây dựng nếp “work from home” cho mình và lực lượng lao động. Một thói quen được hình thành và những tưởng rằng chúng ta cũng thấy thoải mái khi làm việc tại nhà. Thế nhưng, xã hội thực ra thay đổi liên tục, chỉ sau gần nửa năm mở cửa trở lại, nhu cầu đi làm, gặp gỡ, trao đổi trực tiếp… vẫn vô cùng quan trọng. Cho nên, mảng cho thuê văn phòng, mảng cơ điện lạnh phát triển trở lại. Các tòa nhà không bao giờ ngưng hoạt động vĩnh viễn, có chăng chỉ tạm ngưng và sau đó là tăng tốc xây mới. 20 - 30% tiện ích của một tòa nhà phụ thuộc phần lớn vào hệ thống cơ điện lạnh. Nó là “trái tim” của tòa nhà. Một môi trường làm việc thoáng khí, luồng gió luôn tươi mới hay không, phụ thuộc vào thiết kế và trang thiết bị của hệ thống thông gió của tòa nhà mang lại. Các nhà cung cấp cơ điện lạnh phải đưa được nội dung “fresh air” vào từng chi tiết khi cung ứng. Đó cũng là riết lý kinh doanh của tôi, phải luôn tươi mới, “fresh” liên tục và phải luôn đặt mọi thứ trong tình trạng giám sát kỹ, không nên chủ quan lơ là”. Tuy nhiên, với REE, không chỉ có mảng kinh doanh cho thuê bất động sản, cơ điện lạnh mà nhiều năm qua đã đầu tư vào năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) và trở thành mục tiêu dài hạn của công ty này.

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Quỳnh Nga - người đặt nền móng cho đế chế ẩm thực của gia tộc Lý Quí

Gia tộc Lý Quí nổi tiếng là một tập đoàn ẩm thực, buôn bán nội thất gia đình. Gia tộc này sáng lập rất nhiều chuỗi nhà hàng, quán cà phê từ thời kì ẩm thực phương Tây mới du nhập vào nước ta như Ciao, Terrace, Ibox, Goody, Paris Deli, Fly Cupcake Garden...

Phải đến đời doanh nhân Lý Quí Trung (thuộc thế hệ thứ 2), cơ ngơi của nhà Lý Quí mới thực sự bành trướng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, người đặt nền móng cho gia tộc Lý Quí lại là nhà báo Chánh Trinh và bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga.

Bà Quỳnh Nga là một nữ doanh nhân kỳ cựu và là chủ của nhà hàng Thanh Niên (một nhà hàng cơm Việt Nam lâu đời nhất Sài Gòn) tồn tại ngay trung tâm Quận 1 từ năm 1989. Suốt 33 năm qua, nơi đây vẫn luôn luôn là lựa chọn hàng đầu cho những bữa cơm gia đình của nhiều thế hệ người Sài Gòn.

Gia tộc Lý Quí sở hữu rất nhiều khối bất động sản sang trọng, đắt đỏ ở trung tâm thành phố, mỗi thành viên trong gia đình đều sống ở những căn penthouses, biệt thự bề thế. Căn nhà bà nội Lý Quí Khánh thường xuyên ở được cho rằng là một biệt phủ siêu rộng ở Bình Dương và vô cùng kín đáo.

Theo Sở hữu trí tuệ