Nắm bắt được nhu cầu làm đẹp ngày càng lớn của nhiều người, những thẩm mỹ viện mọc lên như “nấm sau mưa” bất chấp quy định của pháp luật. Tỉ lệ thuận với nó là các ca biến chứng sau phẫu thuật làm đẹp ngày một tăng. Nhiều khách hàng không tìm hiểu kỹ càng về cơ sở mà mình sẽ “gửi trọn niềm tin” để rồi phải nhận hậu quả là “tiền mất tật mang”.
Gần đây nhất là vụ cô gái trẻ xinh đẹp hôn mê 2 tháng rồi tử vong sau ca thẩm mỹ mũi tại một cơ sở không phép tại Hoàng Mai.
Liên quan đến vấn đề này, thời gian qua, Sở hữu trí tuệ cũng liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc về hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ tại nhiều cơ sở. Trong đó, Thẩm mỹ Linh Hương (Linh Hương Spa) chính là cái tên được nhiều người quan tâm nhất hiện nay với những ‘chiêu trò quảng cáo’ rầm rộ.
Thẩm mỹ Linh Hương: Mạo danh bác sĩ để phẫu thuật thẩm mỹ chui?
Theo tìm hiểu, Linh Hương Spa hiện đang hoạt động tại 3 cơ sở.
CS1: Phòng 202 của chung cư mini, số nhà 45, ngõ 80 Hoàng Đạo Thành, Kim Giang, Thanh Xuân.
CS2: Ngõ 51A Phan Chu Trinh, phường Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm.
CS3: Phòng 1602, CT7E, Khu đô thị Dương Nội 2, Yên Nghĩa, Hà Đông.
Trên Facebook của chị Đỗ Thị Huyền Linh, người tự nhận là chủ của thẩm mỹ Linh Hương, liên tục có những bài quảng cáo về hoạt động dịch vụ như: Nâng mũi; Độn cằm, thái dương; Cắt mí, mở khóe, hạ sếch; Cắt tạo môi tim, môi dầy, môi trề; Thẩm mỹ cô bé; Tiêm tạo hình; Tiêm thon gọn; Dạy nghề, đào tạo thẩm mỹ...
Cũng trên Facebook cá nhân, chị Linh tự nhận mình là CEO Trung tâm Nha khoa Thẩm mỹ Quốc tế, giảng viên khoa Thẩm mỹ tại Trường Cao đẳng Công nghệ Y Dược Việt Nam, làm việc tại Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Việt Đức, chủ của Hệ thống đào tạo thẩm mỹ cao cấp Linh Hương Beauty Academy, làm việc tại VTV – Đài Truyền hình Việt Nam, từng học tại Khoa Y dược – Trường Cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn.
Không chỉ vậy, khi khách hàng gọi điện tới số điện thoại 0946638868 của chị Linh, người này đã hướng dẫn khách hàng tới phòng 202 của chung cư mini, số nhà 45, ngõ 80 Hoàng Đạo Thành, Kim Giang, Thanh Xuân. Nơi đây không hề có biển hiệu đầy đủ về giấy phép hoạt động, bác sĩ phụ trách chuyên môn.
Đây cũng chính là địa chỉ chị Linh và các học viên thực hiện các ca phẫu thuật thẩm mỹ như nâng mũi, độn cằm, cắt tạo môi tim, thẩm mỹ cô bé...
Cũng theo phản ánh của bạn đọc, chủ cơ sở của Linh Hương Spa luôn tự giới thiệu mình là bác sĩ của Bệnh viện Hồng Ngọc khi tư vấn cho khách hàng. Tại cơ sở này còn có bảng giá mang tên “Bảng giá dịch vụ bệnh viện Hồng Ngọc”.
Linh Hương Spa: Cái tên khiến nhiều chị em bức xúc
Trên các diễn đàn làm đẹp, “bóc phốt spa”, thẩm mỹ Linh Hương cũng là cái tên khiến nhiều người bức xúc. Cụ thể, trong bài đăng Spa Linh Hương làm thẩm mỹ viện chui, một thành viên cho hay: “Tốt nghiệp cao đẳng truyền hình nhưng lại dám cầm dao kéo làm thẩm mỹ viện! Giấy phép hoạt động không công khai trên biển hiệu, số giấy cấp phép hành nghề không thể hiện trên biển vẫy. Biển vẫy ở tầng 1 là spa nhưng biển cửa phòng 202 là thẩm mỹ viện? Chỉ được làm đẹp không xâm lấn nhưng lại cắt mí, nâng mũi tại cơ sở không có đồ sơ cứu. Vô trách nhiệm, thách thức khách hàng?
Cô khách nâng cung mày, một bên là cắt dao plasma, nhưng 1 bên lại cắt dao thường, khi xảy ra chảy máu không cầm được. Thì trong spa không có đồ sơ cứu, phải đưa đi viện gần nhất là 103. Đến ngày hôm nay trả lời 1 câu vô trách nhiệm là hết trách nhiệm? Luôn khoe làm ở viện 108, Hồng Ngọc nhưng kiến thức 1 y tá là hành nghề không có đồ sơ cứu? Trốn tránh ra khỏi nhà không tiếp bệnh nhân khi thấy có dấu hiệu bại lộ về giấy cấp chứng chỉ hành nghề và chỉ là 1 người được cấp phép hoạt động về da và massage? Anh chị tránh spa đểu này và tôi sẽ mời cơ quan chức năng vào việc! Tôi cảm ơn.
Đ/C: P202 số nhà 45 ngõ 80 Hoàng Đạo Thành, Hà Nội
Linh Hương Spa
Thẩm mỹ Linh Hương”.
Ngay dưới bài đăng trên, rất nhiều người tỏ ra bức xúc với thái độ vô trách nhiệm của chủ cơ sở Linh Hương Spa. Không chỉ vậy, khi trả lời những bình luận này của cư dân mạng, chị Đỗ Thị Huyền Linh còn thản nhiên cho biết: “Phường em không làm việc, quận hay thành phố em không có thời gian tiếp”.
Đây là một thái độ coi thường pháp luật, kiếm tiền bất chấp mà không nghĩ tới hậu quả của khách hàng.
Hồi chuông cảnh tỉnh cho những người mê làm đẹp: Cơ quan chức năng cần vào cuộc
Có thể thấy để xảy ra tai biến thẩm mỹ là trách nhiệm của các cơ sở thẩm mỹ. Song, những vụ việc này cho phép dư luận đặt câu hỏi: Có hay không sự bát nháo trong lĩnh vực làm đẹp và sự bất cập của cơ quan chức năng khi không quản lý hết những cơ sở làm đẹp mọc lên khắp nơi, len lỏi mọi ngóc ngách và huênh hoang quảng cáo 'trên trời'? Bởi lẽ, với những lời quảng cáo 'có cánh' công khai giữa thanh thiên bạch nhật, rầm rộ trên mạng xã hội, khó có thể nói rằng cơ quan chức năng không hay, không biết, không rõ.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, do nhu cầu của xã hội, nhiều người muốn làm đẹp và các dịch vụ thẩm mỹ được thực hiện khá dễ dàng nên thời gian qua, các lớp đào tạo thẩm mỹ mọc lên như nấm sau mưa.
Bất kể nhiều vụ việc tai biến đã xảy ra, nhiều người đã bị thương tích nghiêm trọng, thậm chí bị thiệt mạng, nhưng tình trạng các cơ sở thẩm mỹ hoạt động rộng khắp, nhiều trường hợp bất chấp quy định của pháp luật, không đăng ký kinh doanh nhưng vẫn thực hiện các hoạt động như một phòng khám, như một BV thẩm mỹ vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi.
Vì vậy đây là hồi chuông cảnh tỉnh, yêu cầu cơ quan chức năng cần xem xét, siết chặt hơn nữa công tác quản lý đối với các hoạt động thẩm mỹ, kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở thẩm mỹ hoạt động trái phép, xử lý nghiêm minh các cán bộ buông lỏng quản lý, dung túng cho sai phạm nếu có.
Theo Sở hữu trí tuệ