Bắc Từ Liêm: Nhiều băn khoăn sau một bản án dân sự sơ thẩm có hiệu lực

Hương Mi
Vụ kì án tranh chấp mảnh đất chưa đầy 20m2 diễn ra ở phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm diễn ra suốt nhiều năm nay mà vẫn chưa có hồi kết...

Quyết định “lạ” của TAND quận Bắc Từ Liêm

Năm 2018, nguyên đơn, ông Nguyễn Xuân Phúc (nhà số 01, ngõ 56 phố Cổ Nhuế) khởi kiện bị đơn là bà Nguyễn Thị Nhàn (nhà số 60 – 64, phố Cổ Nhuế) ra TAND quận Bắc Từ Liêm để đòi quyền sử dụng diện tích đất 22 m2 (bao gồm khoảng đất trống 13.8 m2 và ki-ốt 9.8 m2).

Theo ông Phúc trình bày: Đây là mảnh đất của cụ Nguyễn Xuân Nghị (ông nội ông Phúc) để lại với đầy đủ giấy tờ kèm theo gồm: Giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất số 664 tờ địa bạ số 9 cấp ngày 04/ 02/1956, Biên bản họp gia đình cụ Nguyễn Xuân Nghị ngày 24/ 11 /1974, Sổ mục kê năm 1960 và nhiều tài liệu quan trọng khác để chứng minh.

Ông Phúc khẳng định, bố bà Nhàn là cụ Nguyễn Xuân Luận, là địa chủ nên trong cải cách ruộng đất, bị chính quyền cách mạng cho đi cải tạo 15 năm tại Lào Cai.

Trong thời gian đó, cụ Nghị đã thương tình cho cụ Bảy cùng các con ở nhờ trên đất hiện nay. Ông Phúc khẳng định, cụ Luận là địa chủ nên không bao giờ vợ con được chính quyền cách mạng cấp đất ở.

Trụ sở TAND quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Hồng Huệ

Trụ sở TAND quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Hồng Huy

Bên bị đơn bà Nguyễn Thị Nhàn trình bày: Sau cải cách ruộng đất, bố bà là cụ Nguyễn Xuân Luận (đã mất năm 1970) là địa chủ, bị đi cải tạo nên Ủy ban hành chính Hà Nội cấp cho mẹ bà là cụ Văn Thị Bảy 3 thước ruộng (72 m2) đất. Ngày 20/ 10/ 1976, cụ Bảy chia cho bà toàn bộ diện tích này và vào sổ mục kê khai từ năm 1986 đến nay.

Bà Nhàn cũng trình trước Tòa Giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất số 694 tờ địa bạ số 9 ngày 04/ 02/ 1956, ngoài ra không còn giấy tờ nào khác.

Vụ án đã trải qua 2 lần xét xử Sơ thẩm, một lần Phúc thẩm và một lần Giám đốc thẩm với hai kết quả hoàn toàn khác nhau.

Đáng chú ý, ngày 16/ 3/ 2021, TAND quận Bắc Từ Liêm đã ra Quyết định trưng cầu giám định số 03/QĐ-TCGĐ, giám định “thật, giả” của hai tài liệu do bên nguyên đơn, bị đơn cung cấp.

Kết luận Giám định số 105/C09-P5 ngày 02/6/2021 của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an do Thượng tá, Tiến sĩ Đặng Văn Đoàn ký đã nêu rõ: “Mẫu dấu (do bị đơn cung cấp – PV) không phải do cùng một con dấu đóng ra. Tức là. Đã xác định rõ, tài liệu do bị đơn cung cấp là giả mạo, dùng “dấu củ khoai” đóng.

Tuy nhiên, khi tiến hành xét xử, TAND quận Bắc Từ Liêm vẫn sử dụng tài liệu (Giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất số 694 tờ địa bạ số 9 ngày 04/ 02/ 1956 – tài liệu đã được giám định là sử dụng con dấu giả) do bị đơn cung cấp có giá trị tương đương với tài liệu thật (do nguyên đơn cung cấp).

Và với một lý do hết sức vô lý là: “Tòa án đã tiến hành xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ tại UBND phường Cổ Nhuế 2 và Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Hà Nội thì hiện không còn lưu trữ Giấy chứng nhận nêu trên nên chưa đủ căn cứ xem xét”.

Đây là một việc rất “lạ” của TAND quận Bắc Từ Liêm vì nếu đã ra Quyết định trưng cấu giám định, thì phải có cơ sở và coi đó là bằng chứng xác thực, có ảnh hưởng quyết định tới tiến trình xét xử vụ án.

Nhưng giám định xong, bất lợi cho bị đơn thì lại coi cả hai tài liệu với bản chất thật – giả rõ ràng là “chưa đủ căn cứ xem xét” thì mục đích ra quyết định trưng cấu giám định để làm gì?.

Sáng đúng, chiều sai, mai … lại đúng

Sau khi vụ án được xét xử sơ thẩm lần thứ nhất vào ngày 30/ 11/ 2018, TAND quận Bắc Từ Liêm đã ra quyết định bác yêu cầu khởi kiện của ông Phúc và cho bà Nhàn được toàn quyền sử dụng mảnh đất trống 11.6 m2 hai nhà đang tranh chấp còn ông Phúc vẫn được tiếp tục sử dụng ki-ốt 6.8m2 như trước đây.

Ông Phúc tiến hành kháng cáo ngay tại Tòa và ngày 28/6/2019, TAND thành phố Hà Nội tiến hành xét xử Phúc thẩm vụ án.

Căn cứ theo các tài liệu của vụ án, TAND thành phố Hà Nội đã tuyên ông Phúc thắng kiện, được toàn quyền sử dụng diện tích đất 22 m2 (bao gồm khoảng đất trống 13.8 m2 và ki-ốt 9.8 m2). Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Nhàn và buộc bà này phải bàn giao mảnh đất trống hai bên đang tranh chấp.

Tuy nhiên, ngày 27/ 6/ 2020, Ủy ban thẩm phán của TAND cấp cao tại Hà Nội đã ban hành Quyết định Giám đốc thẩm số 27/2020/DS-GĐT (căn cứ theo Kháng nghị số 04/ 2020/KN-DS của chính cơ quan này) với kết quả hủy cả hai bản án Sơ thẩm và Phúc thẩm, giao TAND quận Bắc Từ Liêm xét xử lại từ đầu.

Sự rắc rối của án dân sự lại được thể hiện rõ với pha xử lý “lạ” của TAND quận Bắc Từ Liêm với việc Giám định tài liệu không rõ mục đích như đã nêu trên.

Và cuối cùng, lại một lần nữa, gần như không khác nhiều so với bản án sơ thẩm năm 2018, TAND quận Bắc Từ Liêm đã tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông Phúc và cho bà Nhàn được toàn quyền sử dụng mảnh đất trống 11.6 m2 hai nhà đang tranh chấp còn ông Phúc vẫn được tiếp tục sử dụng ki-ốt 6.8m2 như trước đây.

Lý do là ông Phúc đã nộp Đơn kháng cáo bản án Sơ thẩm muộn do ông tuổi quá cao, tiêm Covid, dẫn đến huyết áp tăng vọt lên 190/95, nằm liệt giường suốt 15 ngày.

Bất chấp việc ông Phúc đã trình lên Tòa các Sổ khám bệnh tại Bệnh viện 198, Phiếu khám bệnh ngày 26, 28/6/2022, phía TAND thành phố Hà Nội đã bác Đơn kháng nghị Phúc thẩm của ông Phúc.

Hiện tại, nhiều cơ quan chức năng, có cả Đại biểu Quốc hội đã lắng nghe trình bày của ông Nguyễn Xuân Phúc và có ý kiến bằng văn bản với TAND thành phố Hà Nội, đề nghị xem xét lại Đơn kháng nghị phúc thẩm của ông.

Báo pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.