Huế: Trồng tự phát khiến đầu ra của Atiso đỏ thành ‘bài toán’ khó giải

Hương Mi
Trồng Atiso đỏ được xem là hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế). Nhưng đến nay, việc nhiều hộ trồng tự phát khiến diện tích và sản lượng tăng nhanh đã khiến đầu ra của giống cây trồng này là “bài toán” khó cho bà con nông dân.

TS Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế - khuyến nghị: “Để rút ngắn thời gian thị trường chấp nhận sản phẩm, bà con nông dân cần được đầu tư các trang thiết bị cần thiết cho chế biến năng suất cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế. Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến”.

Cây Atiso đỏ vừa vươn lên đã hạ xuống

Mùa này, tại xã Phong An (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế), Atiso đỏ - hay còn được biết đến với tên gọi dân gian là cây bụp giấm – bắt đầu vào vụ. Được mùa lẽ ra là niềm vui của bà con nông dân nhưng ở nơi đây thì ngược lại.

Bà Đặng Thị Đào (thôn Đồng Lâm) đã chuyển đổi đất trồng đậu, lạc sang trồng Atiso đỏ được gần 4 năm. Những năm trước, bà Đào bán cho thương lái tương đối thuận lợi nên tự mở rộng diện tích trồng lên 7 sào. Năm nay, mùa thu hoạch hoa trổ đỏ đồng nhưng bà chưa biết bán cho ai.

Sợ hoa sẽ hỏng trên cây, bà Đào chấp nhận giao hàng 5 - 10 kg từ xã Phong An vào TP Huế với giá 9.000 VNĐ/kg Atiso nguyên hạt. Cả ngày, bà loay hoay soi hạt Atiso, đóng gói cả loại hoa tươi và khô, sáng dậy sớm rim mứt Atiso đỏ thêm, rồi vượt quãng đường hơn 30km giao hàng.

c5e52196870c24527d1d

Bà Đặng Thị Đào cho hay hiện nhiều hoa khô trên cây, người dân loay hoay tìm đầu ra khi trồng Atiso đỏ tự phát.

Bà Đào không phải hộ duy nhất ở Phong An đang loay hoay tìm đầu ra ổn định cho Atiso đỏ. Mỗi lần vào thành phố, bà còn mang theo niềm mong mỏi của bà con chòm xóm có thể kết nối tìm được đầu mối tiêu thụ số lượng lớn Atiso chưa có đầu ra.

Theo Hội Nông dân tại xã Phong An, việc tiêu thụ khó khăn nguyên nhân chủ yếu đến từ việc người dân trồng tự phát, đến nay diện tích tăng nhanh gấp 2 – 3 lần. Mấy năm trước, thấy cây Atiso đỏ mang lại kinh tế, trồng đơn giản lại phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, nhiều người dân các thôn Vĩnh Nguyên, Phường Hóp, Đồng Lâm (xã Phong An), xã Phong Xuân… của huyện Phong Điền lũ lượt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích.

Khi mô hình bắt đầu được nhân rộng, hướng đi mới đã không còn mới. Nhiều người dân thấy hiệu quả cũng mua giống trồng theo… Đến nay, toàn huyện Phong Điền có trên 50ha Atiso đỏ. Hầu hết số trồng tự phát được bán thô cho thương lái chưa chế biến, chưa có nhãn mác.

Đầu tư ban đầu bài bản, phát triển bền vững

Những năm trước, việc chuyển đổi mô hình trồng cây Atiso đỏ theo hướng VietGap mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho bà con nông dân. Giá dao động từ 15.000 – 20.000 VNĐ/kg hoa tươi, 350.000 – 400.000 VNĐ/kg hoa khô. Chỉ làm túc tắc không nhiều công, thời cao điểm, các gia đình tạo ra thu nhập 70 triệu đồng/năm/ha (2 vụ). Mùa thu hoạch, người lớn, trẻ em đều có thể tham gia.

0e051f76b9ec1ab243fd

Startup trẻ Nguyễn Thị Thu Hiền đang nói chuyện với hộ dân liên kết trồng hoa Atiso đỏ trồng theo hướng VietGap.

Chúng tôi đến cơ sở sản xuất Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Hichagol (thôn Phường Hóp, xã Phong An) gặp cô Startup trẻ Nguyễn Thị Thu Hiền. Dáng người đậm tròn, hoạt bát, chị Hiền trở thành cảm hứng khởi nghiệp, cảm hứng Atiso đỏ cho nhiều người.

Gần 10 năm trước, lúc mới về làm dâu xã Phong An, chị Hiền tự mày mò mua giống ở miền Bắc, thuyết phục gia đình chuyển đổi đất hoa màu kém hiệu quả kinh tế sang trồng Atiso đỏ đầu tiên trên địa bàn xã. Theo chị Hiền, dù tên là Atiso đỏ nhưng giống cây trồng tại huyện Phong Điền hoàn toàn khác với loại Atiso xanh hay Atiso màu đỏ trồng phổ biến ở Đà Lạt.

Từ con số “0”, đến nay Hichagol là cơ sở sản xuất chế biến từ cây Atiso đỏ lớn nhất Phong Điền, bao tiêu khoảng 20ha cho toàn huyện.

Có được quy mô như hiện nay, Thu Hiền nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso đỏ tại Phong Điền”. Dự án được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì và thực hiện bởi trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế giúp Hichagol liên kết với 10 nông hộ mở rộng diện tích từ vài sào lên 5ha đầu tiên.

f7d5b8a61e3cbd62e42d

Đầu năm 2024, Công ty Hichagol xuất khẩu Atiso đỏ theo đường tiểu ngạch thăm dò thị trường Úc và Mỹ, xúc tiến tìm hiểu thị trường Singapore.

Người dân tham gia mô hình thực hiện chọn giống phù hợp thổ nhưỡng tại địa phương để gieo trồng, chăm sóc Atiso đỏ theo tiêu chuẩn VietGap; chế biến các sản phẩm, khảo sát và xác định thông số công nghệ trong chế biến sản phẩm từ hoa Atiso đỏ. Quá trình này giúp tăng năng suất và chất lượng cây trồng nhiều lần so với phương pháp canh tác truyền thống. Đặc biệt, mô hình dự án này sạch và thân thiện môi trường.

Bên cạnh đó, dự án liên kết thực hiện với công ty Hichagol xây dựng mô hình chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ Atiso đỏ, hướng dẫn nâng cao chất lượng hoa tươi. Các sản phẩm chế biến từ Atiso đỏ được nghiên cứu trên quy mô phòng thí nghiệm, khảo sát trên quy mô sản xuất thực tế để hoàn thiện công nghệ, đạt yêu cầu các quy định tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

eab95e0bf69155cf0c80

Hoa Atiso đỏ trồng theo hướng VietGap có năng suất tốt và thân thiện với môi trường tại huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Với nguồn nguyên liệu dồi dào tại chỗ, Thu Hiền vận hành cơ sở Hichagol sản xuất đa dạng sản phẩm gồm rượu, mứt, nước cốt, nước cốt hoa, trà hoa Atiso đỏ, giá bán từ 250.000 - 500.000 VNĐ. Mô hình từng được xem là mở ra hướng đi mới trong trồng trọt tại địa phương.

Nói về tình trạng nhiều người dân đang khó khăn trong tìm đầu ra, chị Nguyễn Thị Thu Hiền cho hay: “Bà con trồng tự phát đưa ra ngoài bán luôn bị ép giá. Họ có xin chúng tôi hỗ trợ thu mua nhưng tôi phải luôn ưu tiên, đảm bảo đầu ra cho những hộ đã hợp đồng liên kết từ trước nên số lượng thu mua ở ngoài không nhiều”.

Theo chị Hiền, diện tích Atiso đỏ đang tăng quá nhanh nhưng diện tích trồng VietGap chỉ chiếm lượng nhỏ, người dân bán thô lên đến 90%.

Đầu ra khó khăn hiện nay là lời cảnh báo cho các hộ trồng tự phát khi họ trồng không theo quy trình, không đảm bảo chất lượng nên các cơ sở sản xuất không thể thu mua giúp. Để cải thiện tình hình hiện nay và làm gia tăng giá trị sản phẩm, biện pháp tốt nhất là cần sớm xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể Atiso Phong Điền, được hỗ trợ máy móc để chế biến chuyên sâu.

Những khuyến nghị đáng lưu tâm

Về thăm Phong An và nghe câu chuyện bà con trồng Atiso đỏ “bí” đầu ra, bà Nguyễn Thị Đoan Trang – Phó Chủ tịch Hội nữ Doanh nhân tỉnh Thừa Thiên Huế - đặt mua cho nhân viên doanh nghiệp mình và kêu gọi các nữ doanh nhân ủng hộ, kết nối mỗi người vài kg.

Thế nhưng, việc mua giúp này cũng chỉ vì thương người nông dân nên số lượng không đáng kể là bao. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn còn băn khoăn về công dụng của loại cây này.

8510df95490fea51b31e

TS Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế tại gian hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty Hichagol.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Toản - Trưởng Khoa Cơ khí Công nghệ, Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, vấn đề khó khăn trong tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp xảy ra với rất nhiều sản phẩm nông sản trên cả nước. Hiện tượng này không mới nhưng không phản ánh toàn diện cho tất cả các nông sản, bằng chứng là nhiều sản phẩm quảng bá tốt và uy tín vẫn được người dân tin tưởng sử dụng.

“Chúng tôi hi vọng thời gian tới, những người đã được tập huấn trồng Atiso đỏ theo hướng VietGap và sơ chế, chế biến, bảo quản sẽ lan toả kiến thức này cho bà con để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tốt nhất là sản xuất theo tiêu chuẩn công bố của các cơ sở chế biến yêu cầu, liên kết giữa các hộ, nhóm hộ tạo mạng lưới hỗ trợ nhau theo chuỗi từ chọn giống, trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản cũng như tiêu thụ và chế biến Atiso đỏ”, PGS.TS Nguyễn Văn Toản nói.

Bảo Hòa