Người trẻ về vườn: Vừa trồng sầu riêng vừa cải tạo môi trường

Hương Mi
Cải tiến, đổi mới sáng tạo cách làm nông nghiệp truyền thống, nhiều bạn trẻ từng bước xây dựng mô hình nông nghiệp một cách bài bản, sẵn sàng xuất khẩu chính ngạch tới các thị trường khó tính.

Đi qua miền đất đỏ của vùng Đông Nam Bộ, chúng tôi tận mắt chứng kiến vườn trồng sầu riêng xen lẫn các cây lâm nghiệp với hơn 15.000 cây, được trồng theo định hướng tiêu chuẩn canh tác toàn cầu (Global GAP) và ứng dụng công nghệ cao tại xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng (Bình Phước).

anh Nguyen The Tung

Anh Nguyễn Thế Tùng (sinh năm 1983) tại vườn trồng sầu riêng.

Chúng tôi bất ngờ khi các cây sầu riêng được trồng thẳng tắp, đánh số định danh từng lô, hàng và từng cây được trồng bởi chàng trai trẻ Nguyễn Thế Tùng (sinh năm 1983). Tất cả được quản lý bằng quy trình canh tác khoa học, rõ ràng, truy xuất nguồn gốc và mối nguy một cách cụ thể đến từng hàng, cây.

Bắt đầu từ việc chăm chút cải tạo dinh dưỡng trong đất

Kể lại lý do bén duyên với nông nghiệp, cách đây 5 năm, anh Nguyễn Thế Tùng - tốt nghiệp thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Anh Quốc - vốn dĩ chưa bao giờ nghĩ bản thân sẽ về làm nông nghiệp bởi lý do chưa có nền tảng trong ngành này. Tuy nhiên kể từ 2019, anh thấy mẹ của mình có ý định làm kinh tế gia đình từ nông nghiệp, đặc biệt là cây sầu riêng. Vì không muốn mẹ tuổi già phải chịu cực nên anh chọn dấn thân vào nông nghiệp thay mẹ theo cách tư duy hiện đại của mình.

vuon sau rieng

Cây sầu riêng được trồng thẳng tắp, đánh số định danh theo từng lô, hàng.

Đứng trên mảnh đất được phủ màu xanh tươi phì nhiêu, ít ai biết rằng trước đó anh Tùng đã bỏ khá nhiều công sức trong việc cải tạo lại hệ dinh dưỡng trong đất. Theo Tùng, độ pH trong đất là một trong những yếu tố giúp cây sinh trưởng bền vững, độ pH phù hợp cho cây sầu riêng hấp thu dinh dưỡng tốt phải từ 5,5 cho đến 6,0. Trong khi đó, độ pH khởi điểm của vùng đất này vốn dĩ chỉ có 4,1. Nếu như canh tác và trồng sầu riêng thì chắc chắn dinh dưỡng hấp thụ sẽ rất kém.

"Việc đầu tiên mình làm là đo đạc lại những gì trong đất đang thiếu để bổ sung dinh dưỡng. Ngoài độ pH thì mình cũng kiểm tra hàm lượng độc tố liên quan tới chất độc từ những loài thuốc cỏ hay các dư lượng bảo vệ thực vật, hàm lượng kim loại nặng có thể làm nguy hại đến sức khỏe cây trồng", Tùng nói.

Tùng bắt tay ngay vào giải quyết vấn đề còn lại là nâng độ pH lên. Dành 6 - 9 tháng cho việc phơi đất, cày xới, rải vôi, giải phóng những độc tố và bắt đầu cày đất thành luống để trồng đậu phộng. Bởi theo Tùng, trong cây đậu phộng có nhiều dưỡng chất cung cấp đạm và khoáng chất khác. Sau hai mùa mưa, khi lấy mẫu kiểm tra đất, độ pH của đất là 5,8, ở mùa nắng thì độ pH có thể lên tới 6,2.

"Những gì lấy đi từ đất phải trả về cho đất một cách biết ơn nhất" - đó là quan điểm làm nông nghiệp của chàng trai trẻ trên hành trình làm nông nghiệp. Bên cạnh đó, nếu muốn cây trồng tốt, sức đề kháng cao, phải siêng năng chăm đất tốt.

Sẵn sàng để xuất khẩu

Khi hỏi Tùng về chuyện trồng sầu riêng rồi tiến tới xuất khẩu, Tùng bảo: "Nông nghiệp nước ta còn bị "lời nguyền" manh mún nhỏ lẻ, ăn xổi ở thì, chúng ta hay có câu được mùa mất giá còn được giá thì mất mùa, mỗi người làm một kiểu, chưa có sự đồng nhất trong việc quản lý chất lượng canh tác nên việc phát triển kinh tế quy mô gặp nhiều khó khăn". Vì vậy, Tùng mong muốn có thể vừa làm công việc yêu thích, vừa mang lại giá trị nên bắt tay làm bài bản ngay từ đầu.

Trang trại của Tùng bắt đầu xuống giống trồng sầu riêng từ năm 2020. Ngay từ đầu, sầu riêng được trồng theo tiêu chuẩn Global GAP, vì vậy mà việc truy xuất nguồn gốc cho giống cây trồng cũng trở nên dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, Tùng cũng quan niệm rằng làm nông nghiệp phải có nhiệm vụ cải tạo lại môi trường nên anh chọn những tiêu chuẩn canh tác hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài sầu riêng, Tùng còn trồng đa dạng các thảm thực vật có lợi ích cho đất, chống rửa trôi dinh dưỡng trên tầng mặt. Bên cạnh đó, chàng trai trẻ còn quan tâm đến trồng và bảo tồn các loại cây lâm nghiệp vừa có giá trị lâu dài bền vững, vừa chắn gió và góp phần bảo tồn nguồn nước ngầm trong tương lai.

Theo Tùng, cần hiểu rõ về định nghĩa hữu cơ và định hướng hướng đến hữu cơ, nếu trồng theo hướng hữu cơ hoàn toàn thì vô cùng khó khăn, chi phí cao. Bình diện chung sẽ khó cạnh tranh được. Queen Farm định hướng là một mô hình làm ra thực phẩm và nông sản sạch, hạn chế sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật có thể gây mất an toàn cho người lao động lẫn người sử dụng sản phẩm.

vuon sau rieng 1

Vườn sầu riêng sử dụng công nghệ tưới thông minh giúp giảm nhân công.

Hiện tại, vườn sử dụng công nghệ tưới thông minh của Israel, giảm được nhân công, trong một ca tưới chỉ cần 1 - 2 người vận hành. Hệ thống tưới được kết nối trên ứng dụng điện thoại nên dễ dàng cài đặt thời gian theo ý muốn.

Đưa chúng tôi đến hồ chứa nước, Tùng cho biết đợt hạn vừa qua có thể gọi là lịch sử đối với nông nghiệp Việt. Không chỉ tại Bình Phước, mà đợt hạn kéo dài từ miền Tây, Đông Nam Bộ cho tới các tỉnh Tây Nguyên. Những năm gần đây, việc canh tác trở nên khó khăn do hạn mặn và hạn hán xảy ra liên tục. Có thể thấy rằng, vấn đề biến đổi khí hậu chính là một yếu tố rủi ro mà bà con canh tác nông nghiệp cần nghiêm túc lưu ý trong những năm về sau.

Theo Tùng, trong mùa mưa có lượng nước tương đối nhiều nhưng chúng ta chưa có sự chủ động dự trữ nguồn nước, thay vào đó thụ động trong việc khai thác nước, đặc biệt chủ yếu khai thác tầng nước sâu thiếu tính bền vững. Đối với Queen Farm, Tùng không có chủ trương khai thác mạch nước ngầm từ giếng mà chắc chiu khai thác nguồn nước mặt trong mùa mưa thông qua những rãnh suối.

Bốn năm về trước, Tùng chỉ suy nghĩ đơn giản là vườn cần có hồ tích trữ nước, vì nghĩ vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên tiềm ẩn rủi ro hạn hán. "Mình bắt đầu xây dựng hồ tích trữ được lượng nước có thể đáp ứng trong vòng 5 tháng nếu hạn hán xảy ra. Vừa qua, đợt hạn kéo dài đến tận 6 tháng 9 ngày. Nhờ có sự chuẩn bị trước một cách chủ động, nông trại vẫn vượt qua cơn đại hạn", Tùng chia sẻ.

Hiện tại, trang trại đang tạo việc làm cho 15 nhân công, chủ yếu là người đồng bào, thu nhập từ 8 - 15 triệu đồng mỗi tháng.

Võ Liên