Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003 và giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, Ngành triển khai, nhằm mục tiêu xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Với ý nghĩa đó, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 20 tháng 4 hàng năm là Ngày Thương hiệu Việt Nam.
Tại Lễ Khởi động Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam và Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2025, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, thương hiệu quốc gia là tài sản vô hình có giá trị chiến lược, phản ánh năng lực cạnh tranh tổng thể và vị thế của một quốc gia trong tiến trình hội nhập. Trong những năm gần đây, với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ và sự đồng hành của doanh nghiệp, Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có bước tiến ấn tượng.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2025.
Theo đánh giá của Brand Finance, trong những năm gần đây, Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Việt Nam không chỉ lọt vào Top 100 quốc gia có thương hiệu mạnh, mà còn là quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019-2022. Giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2024 được xếp thứ 32/193 quốc gia được đánh giá, đạt 507 tỷ USD, tăng 1 bậc về thứ hạng và tăng 2% về giá trị so với năm 2023.
Về chủ đề Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2025: “Bứt phá từ đổi mới sáng tạo", ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, đổi mới – sáng tạo là một trong ba tiêu chí của Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam mà các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia luôn phải hướng tới và theo đuổi.
"Đổi mới, sáng tạo không chỉ là ứng dụng công nghệ, mà còn là sự thay đổi trong tư duy quản trị, mô hình kinh doanh và chiến lược thương hiệu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tính bền vững của sản phẩm, dịch vụ. Khi các doanh nghiệp chú trọng đổi mới, họ có thể khẳng định vị thế trên thị trường, chinh phục người tiêu dùng trong nước và quốc tế", ông Chiến nhấn mạnh và cho rằng, trong thời đại kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đổi mới sáng tạo là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, môi trường và trách nhiệm xã hội. Bộ Công Thương mong muốn thúc đẩy một làn sóng đổi mới mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp Việt, khuyến khích họ đầu tư vào công nghệ, nâng cao giá trị thương hiệu, từ đó nâng tầm vị thế của Thương hiệu Quốc gia Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thịnh – Giảng viên cao cấp Trường Đại học Thương mại, thành viên Ban Chuyên gia của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng cho rằng, qua khảo sát định kỳ hàng năm cho thấy nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về vai trò của thương hiệu đã tăng lên đáng kể – xấp xỉ 60%. Phần lớn các doanh nghiệp đều xác định rõ rằng việc xây dựng thương hiệu là một yêu cầu thiết thực và cần được triển khai một cách bài bản. Theo đó, doanh nghiệp có thương hiệu mạnh không chỉ đầu tư vào sản phẩm, mà còn đầu tư vào quá trình đổi mới toàn diện, từ nghiên cứu phát triển đến quản trị, vận hành và chăm sóc khách hàng. Từ đó, có thể dẫn dắt thị trường, tạo ra giá trị khác biệt, và phát triển bền vững.
Phân tích về vai trò của đổi mới sáng tạo trong việc xây dựng thương hiệu toàn cầu, ông Nguyễn Việt An – Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Cục Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) lấy dẫn chứng về Bát Tràng như một mô hình tiêu biểu cho việc gắn kết giữa truyền thống và đổi mới sáng tạo trong phát triển thương hiệu làng nghề.
Theo ông An, Bát Tràng không chỉ nổi tiếng với nghề gốm truyền thống lâu đời mà còn đặc biệt ở cách làm thương hiệu. Hàng trăm doanh nghiệp cùng hoạt động tại đây nhưng đều lấy Bát Tràng làm “thương hiệu chung”, vừa cạnh tranh vừa hỗ trợ nhau, cùng xây dựng hệ sinh thái sáng tạo với các tổ chức chuyên nghiệp đứng sau.
Bát Tràng không cạnh tranh bằng giá cả hay sản lượng, mà chọn lối đi tinh xảo, đậm bản sắc, tạo nên giá trị bền vững và khác biệt – một kiểu đổi mới sáng tạo rất Việt Nam.
Thanh Hà
Link nội dung: https://dnvn.com.vn/doi-moi-sang-tao-chia-khoa-de-thuong-hieu-viet-but-pha-tren-truong-quoc-te-a459426.html