‘Vàng đen’ Việt Nam sốt giá

Việt Nam là quốc gia có kho 'vàng đen' lớn nhất thế giới. Tiêu đen đang sốt giá trên toàn cầu đã mở ra thời hoàng kim mới với người nông dân.

 Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) vừa ra mắt Bản đồ số hồ tiêu và gia vị Việt Nam, nhằm cung cấp thông tin về diện tích, sản lượng và vùng trồng, hỗ trợ kết nối giữa nhà sản xuất và nhà nhập khẩu, thúc đẩy hợp tác quốc tế. Đồng thời, kỳ vọng bản đồ số sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế của ngành gia vị Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Diện tích hồ tiêu ở nước ta khoảng 113.000ha, sản lượng ước đạt 190.000 tấn. Trong năm 2024, các doanh nghiệp đã xuất khẩu gần 250.000 tấn hạt tiêu, giá trị đạt 1,31 tỷ USD - mức kỷ lục trong 8 năm qua. Việt Nam tiếp tục nắm giữ kho hàng lớn nhất thế giới khi sản lượng chiếm 40% và xuất khẩu chiếm 60% trên toàn cầu.

Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen Việt Nam trong năm 2024 đạt 5.154 USD/tấn, tăng 49,7% và tiêu trắng đạt 6.884 USD/tấn, tăng 38,9% so với năm trước đó. Ở một số thời điểm, giá mặt hàng này của nước ta còn vọt lên đắt đỏ nhất thế giới.

Giá tiêu tại thị trường nội địa cũng tăng không ngừng nghỉ. Đầu năm 2024, nếu giá còn ở ngưỡng 80.000 đồng/kg thì đến tháng 6 tăng phi mã, cán mốc 180.000 đồng/kg. Ngày cuối cùng của năm, giá tiêu dao động từ 146.000-147.000 đồng/kg.

hat-tieu-85002

 Giá hạt tiêu được dự báo sẽ tăng mạnh và neo ở mức cao trong vài năm tới do nguồn cung khan hiếm. Ảnh: Huchaco

 

Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch VPSA - chỉ rõ, nguồn cung hạt tiêu trên toàn cầu giảm mạnh là nguyên nhân chính đẩy mặt hàng này sốt giá trong năm 2024. 

Sản lượng hồ tiêu toàn cầu 2025 dự báo tiếp tục giảm so với 2024 do đây không còn là cây trồng chủ lực, đặc biệt trong bối cảnh bị cạnh tranh bởi các cây trồng khác trong khi chi phí duy trì sản xuất cây hồ tiêu tăng cao. 

Ngoài ra, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, ảnh hưởng đến các vùng trồng tiêu ở nhiều quốc gia như Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Sri Lanka, Brazil... kéo theo sản lượng sụt giảm đáng kể.

Vụ hạt tiêu năm 2025 ở nước ta thu hoạch gần như toàn bộ vào tháng 2, một số vùng kéo dài đến tháng 3-4, chậm hơn 1-2 tháng so với những năm trước do ảnh hưởng của hạn hán. 

Giá “vàng đen” của Việt Nam sẽ duy trì ở mức cao, bởi nguồn cung sụt giảm, trong khi nhu cầu tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu vẫn ổn định, Trung Quốc có thể tăng nhập khẩu từ tháng 3-4 vì hàng trong kho đã dần cạn. 

TH

Link nội dung: https://dnvn.com.vn/vang-den-viet-nam-sot-gia-a457813.html