'Vua trái cây' của Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục xuất khẩu thu về 3,3 tỷ USD

Năm 2024, sầu riêng tiếp tục là mặt hàng thịnh hành trong tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc. Tại quốc gia tỷ dân này, người tiêu dùng có thể kết hợp sầu riêng với mọi thứ để tạo ra hàng trăm món ăn khác nhau, khiến giới trẻ Trung Quốc phát cuồng.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, ước tính năm 2024, xuất khẩu sầu riêng thu về khoảng 3,3 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm 2023. Theo đó, sầu riêng chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành rau quả trong năm 2024, đồng thời thiết lập kỷ lục lịch sử mới.

Những ngày cận kề Tết Ất Tỵ, nhiều vựa sầu riêng đã tạm dừng thu mua nhưng giá loại "trái cây tỷ đô” này của Việt Nam vẫn neo ở mức cao. Cụ thể, sầu Ri6 đang được mua với giá dao động từ 75.000-80.000 đồng/kg, sầu Monthong có giá 138.000-143.000 đồng/kg.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 90% tổng kim ngạch. Ngoài ra, xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật Bản, Thái Lan tăng gần gấp đôi, xuất khẩu sang Campuchia tăng đột biến 139 lần so với năm trước đó.

Theo Bộ NN-PTNT, năm 2024, sản lượng sầu riêng của nước ta tăng mạnh 23% so với năm 2023, đạt 1,43 triệu tấn. Không chỉ vậy, giá loại quả được coi là “vua trái cây” của Việt Nam luôn neo ở mức cao giúp người nông dân có thêm một vụ mùa bội thu, chia nhau hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang - cho biết, đến nay, diện tích sầu riêng của tỉnh đạt hơn 19.900ha, trong đó có 12.492ha cho thu hoạch quả với sản lượng khoảng 355.000 tấn/năm.

Theo ông, sầu riêng là cây trồng cho thu nhập rất cao, lên đến 1,7 tỷ đồng/ha. Thế nên, người nông dân có tâm lý chuyển đổi sang trồng sầu riêng ở những vùng có thổ nhưỡng và điều kiện thích hợp.

sau-rieng-113108

Sầu riêng được giá, nông dân tiếp tục bội thu tiền tỷ. Ảnh: Mạnh Khương 

 

Trong khi, tại huyện Krông Pắc (Đắk Lắk), dù thời tiết năm 2024 có nhiều biến động, tác động lớn đến quá trình ra hoa và đậu quả, nhưng tổng sản lượng sầu riêng vẫn đạt hơn 92.000 tấn, tăng hơn 11.800 tấn so với năm trước đó.

Đặc biệt, với mức giá dao động từ 60.000-70.000 đồng/kg, sau khi thu hoạch sầu riêng, người nông dân tại huyện Krông Pắc chia nhau vài nghìn tỷ đồng.

Năm 2025, UBND huyện Krông Pắc dự kiến diện tích sầu riêng vào khoảng 9.600ha, sản lượng hơn 106.000 tấn. Các vùng trồng đã được cấp mã số xuất khẩu có sản lượng khoảng 60.500 tấn. Nếu thuận lợi, doanh thu từ trái sầu riêng của huyện sẽ đạt 6.400-7.500 tỷ đồng.

Việt Nam có tổng diện tích sầu riêng khoảng 155.000ha, năng suất bình quân 25-30 tấn/ha nên còn rất nhiều dư địa để tiếp tục xuất khẩu cả hàng tươi và cấp đông sang thị trường Trung Quốc trong năm 2025. 

Đáng chú ý, Việt Nam có lợi thế thu hoạch sầu riêng quanh năm, quãng đường vận chuyển gần, cùng với đó giá sầu riêng Việt đang thấp hơn sầu Thái Lan. Theo đó, tại thị trường tỷ dân, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam liên tục bứt phá, sắp bắt kịp đối thủ cạnh tranh Thái Lan về thị phần.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, nếu làm tốt khâu chất lượng và mã số vùng trồng, xuất khẩu sầu riêng sẽ thu về 3,5 tỷ USD trong năm 2025.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi trị giá 7 tỷ USD, 1 tỷ USD sầu riêng đông lạnh và dự kiến con số này sẽ vượt mức 10 tỷ USD trong vài năm tới.

TH

Link nội dung: https://dnvn.com.vn/vua-trai-cay-cua-viet-nam-tiep-tuc-lap-ky-luc-xuat-khau-thu-ve-33-ty-usd-a457563.html