Dự án khởi nghiệp từ công nghệ: Làm sao để tránh chưa ra đã cũ?

Được kỳ vọng là thung lũng Silicon tại Việt Nam, TP Đà Nẵng lần đầu tiên lọt top 1000 thành phố Khởi nghiệp toàn cầu năm 2023. Nhiều dự án khởi nghiệp từ công nghệ của thành phố cần trợ lực để được thử nghiệm và không sợ cũ khi lĩnh vực này liên tục thay đổi để lấy đà vươn lên.

Theo kết quả Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương PII, chỉ số sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ là điểm hạn chế của Đà Nẵng. So với nội lực, TP vẫn còn thiếu các tập đoàn lớn dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp cũng như “Kỳ lân khởi nghiệp”. Trong đó, những dự án khởi nghiệp từ công nghệ luôn phải đối diện trước sự thay đổi và đào thải liên tục của thị trường.

Khởi nghiệp từ công nghệ theo xu hướng chung của thế giới

Trước đây, khi khả năng khởi nghiệp còn được gán cho riêng những người mạnh về quản trị kinh doanh, nay cứ 500 công ty khởi nghiệp lớn nhất nhì thế giới thì có gần 30% trong số đó là công ty từ các ngành kỹ thuật, công nghệ hay IT.

Trong khi đó, làn sóng khởi nghiệp tại Đà Nẵng cũng đi theo xu hướng chung của thế giới này với sự bùng nổ của các startup trong mảng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Nhiều nhà sáng lập có thế mạnh về lĩnh vực này là những người dẫn đầu “con sóng” khởi nghiệp và phát triển.

4257b11d881a2f44760b

 Khởi nghiệp từ công nghệ luôn có nhiều thách thức lẫn cơ hội.

 

Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) nơi ươm mầm hàng chục dự án khởi nghiệp trong đó phần lớn doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ. Hai giảng viên đại học là anh Lã Trung Kiên và anh Trần Ngọc Hoàng với dự án AI Fabab đang tạo ra những con robot thông minh thuần Việt phục vụ cho hoạt động giáo dục STEM (mảng robotics).

Dự án khởi nghiệp từ công nghệ đã cung cấp cho thị trường những con robot có khả năng tương tác được qua ứng dụng trên điện thoại di động với nhiều hình dáng khác nhau như cánh tay gắp thả đồ vật, dạng người với khả năng di chuyển, diễn tả cảm xúc… Việc tương tác giúp trẻ em vừa học vừa chơi, trau dồi tư duy về khoa học, toán học và lập trình căn bản.

Khi thế hệ các nhà sáng lập đầu tiên đạt độ chín sau những lần trượt ngã trên hành trình khởi nghiệp, các thế hệ sáng lập viên tiềm năng tiếp theo liên tục được nuôi dưỡng nhờ loạt hoạt động diễn ra hàng ngày trong hệ sinh thái chính là lúc Đà Nẵng nhận những thành quả đầu.

Ông Lê Anh Tuấn – Nhà sáng lập Cashbag ứng dụng hoàn tiền mua sắm online số một Việt Nam hiện nay từng được nhiều người biết đến với dự án tích điểm khách hàng cho doanh nghiệp F&B-Xody đình đám nhất nhì Đà Nẵng trong những năm gần đây. Không còn là lần đầu khởi nghiệp, Tuấn rút dược nhiều bài học đắt gía để tăng trưởng thần tốc Cashbag đạt hơn 90 triệu người dùng và 7 triệu USD GMV tổng giá trị giao dịch sau 3 tháng ra mắt.

Tuy nhiên, những nhà khởi nghiệp từ công nghệ vẫn luôn có một áp lực, công nghệ thường xuyên thay đổi đòi hỏi các start ụp dù mới ra mắt sản phẩm được đón nhận, vận hành bình thường nhưng phải thay “động cơ chiếc máy bay” đang hoạt động. Muốn  tiếp tục trụ vững, bay cao, bay xa thì không thể đứng yên trước thực tiễn đòi hỏi năng lực, bản lĩnh người “cầm lái” và trợ lực từ bên ngoài.

1kn

 Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ - Hoàng Minh tham quan gian hàng Khởi nghiệp từ công nghệ tại Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng. 

Kết quả Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương PII năm 2023 cho thấy TP Đà Nẵng xếp hạng thứ tư trong phạm vi cả nước và một trong năm điểm mạnh của Đà Nẵng là chỉ số chi cho Khoa học và công nghệ/GRDP. Các địa phương thuộc top dẫn đầu là những địa phương có hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ.

Theo Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Đà Nẵng, chỉ số chi cho Khoa học và công nghệ GRDP cũng có liên hệ mật thiết với mức độ đổi mới sáng tạo dựa trên khoa học và công nghệ của doanh nghiệp khởi nghiệp cho thấy địa phương có sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới sáng tạo.

Bà Lê Thị Thục – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng cho hay: “10 dự án vào vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm nay thuộc các lĩnh vực theo xu hướng như AI, Blockchain, công nghệ thực tế ảo, tự động hóa. Qua đó, các dự án cho thấy dấu hiệu đáng mừng của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố khi bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới”.

Cần thêm chính sách thiết thực làm trợ lực

Dù vậy, theo kết quả PII năm 2023, chỉ số sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ là điểm hạn chế của Đà Nẵng. Thành phố vẫn còn thiếu các tập đoàn lớn dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp cũng như các “kỳ lân khởi nghiệp” để thấy được tiến trình phát triển bền vững của một hệ sinh thái hoàn thiện.

Theo Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng, những năm qua, sự phát triển của khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tiên phong tại TP Đà Nẵng trở nên mạnh mẽ. Đối với Đà Nẵng, công nghệ tiên phong và khởi nghiệp được xem là thế mạnh. Thế nhưng khởi nghiệp thế nào để bền vững và bền vững trong mảng công nghệ tiên phong ra sao thì chưa được kết hợp đúng đắn và rõ ràng. Việc vừa áp dụng công nghệ mới vừa đảm bảo tính bền vững trong kinh doanh để phát triển lâu dài là thách thức lớn.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng – ông Nguyễn Viết Toàn - cho hay: “Một trong những khó khăn của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng trong quá trình phát triển là sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mới hiện chưa có quy định của nhà nước về việc thử nghiệm, quản lý. Đồng thời, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong đáp ứng các tiêu chí yêu cầu về kỹ thuật, kinh nghiệm thực hiện, nguồn lực tài chính để tham gia đấu thầu các dự án dịch vụ công”.

e0b9c15a6838b166e829

 Công nghệ luôn thay đổi trong khi nguồn lực các doanh nghiệp khởi nghiệp lại có hạn là một thách thức lớn do đó các chính sách thực tế giúp sản phẩm khởi nghiệp được thử nghiệm là trợ lực quan trọng để phát triển bền vững.

Thời gian qua, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng kết nối các phòng thí nghiệm các trung tâm chuyên môn với các doanh nghiệp khởi nghiệp có sản phẩm, công nghệ cần thử nghiệm, nghiên cứu chuyên sâu. Sự phối hợp này nhằm hỗ trợ máy móc, chuyên gia tư vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có nhu cầu; tổ chức các hội thảo nâng cao kiến thức về pháp lý, tổ chức các đoàn kết nối cung cầu phát triển thị trường khoa học và công nghệ tại các địa phương lân cận.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng, nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đã ban hành 4 nhóm chính sách đặc thù về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, bao gồm miễn thuế, hỗ trợ phát triển dự án khởi nghiệp sáng tạo, cho phép thử nghiệm có kiểm soát và sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Sau một thời gian dài lúng túng, nay nhóm chính sách về thử nghiệm có kiểm soát là bước tiến lớn sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp có giải pháp công nghệ mới, sản phẩm mới mà pháp luật chưa quy định, hoặc quy định nhưng chưa theo kịp thực tiễn. Từ đây, các dự án khởi nghiệp từ công nghệ sẽ được mở ra cơ hội có nơi đánh giá, hoàn thiện công nghệ như các hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu trên thế giới đang làm.

Bảo Hòa

Link nội dung: https://dnvn.com.vn/du-an-khoi-nghiep-tu-cong-nghe-lam-sao-de-tranh-chua-ra-da-cu-a455309.html