Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Nhìn từ trường hợp HABECO yêu cầu xử lý dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu ‘Bia tươi Hà Nội’

Xây dựng hiệu có mối quan hệ mật thiết với việc lựa chọn tên pháp nhân, đăng ký và bảo vệ nhãn hiệu. Trường hợp HABECO yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại tên pháp nhân và website của Công ty TNHH Bia tươi Hà Nội Thái Nguyên là một ví dụ tiêu biểu.

1. Quyền sở hữu trí tuệ trong mối quan hệ với thương hiệu và tên pháp nhân

Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài từ lâu đã ý thức được vai trò vô cùng quan trọng của thương hiệu, đã tập trung đầu tư, quảng bá thương hiệu và đã gặt hái được những thành công to lớn thì chỉ khoảng 10 năm trở lại đây, sau hàng loạt vụ nhãn hiệu Việt Nam bị xâm phạm, các doanh nghiệp Việt mới giật mình nhận ra một vấn đề cũng quan trọng không kém chất lượng, đó là phải bảo vệ thương hiệu.

unnamed

Các sản phẩm của HABECO đều được cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu.

 

Trong thực tiễn, thuật ngữ “thương hiệu” chỉ được sử dụng nhiều trên báo chí, truyền thông,… còn trong các văn bản quy phạm pháp luật thì không thấy nhắc đến khái niệm về thương hiệu. Chính vì không có một định nghĩa rõ ràng nên mỗi người lại hiểu theo 1 cách khác nhau, và nhiều người vẫn lầm tưởng nó là cách gọi khác của nhãn hiệu nhưng sự thật không phải như vậy.

Định nghĩa đầu tiên về Thương hiệu: Một thương hiệu là một cái tên, một thuật ngữ, một thiết kế, ký hiệu hoặc bất cứ thứ gì khác để phân biệt hàng hóa / dịch vụ của những người bán khác nhau.

Theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO): Mặc dù thuật ngữ “thương hiệu” đôi khi được sử dụng như một từ đồng nghĩa của “nhãn hiệu” trong lĩnh vực thương mại, nhưng nó thường được sử dụng theo nghĩa rộng hơn bao gồm sự kết hợp của các yếu tố hữu hình và vô hình, chẳng hạn như một nhãn hiệu, một thiết kế, biểu tượng, hình ảnh thương mại, khái niệm, ảnh và danh tiếng mà các yếu tố đó liên quan tới các sản phẩm dịch vụ cụ thể. Một số chuyên gia coi bản thân hàng hóa hoặc dịch vụ là một phần của thương hiệu.

Thành phần của thương hiệu, gồm:

Phần biểu tượng: Là phần không đọc được, chỉ có thể nhận diện bằng mắt. Biểu tượng mà các doanh nghiệp lựa chọn thường là hình ảnh đã được cách điệu, không màu mè, dễ nhớ và có ý nghĩa rõ ràng.

Tên gọi: Thường là tên thương mại hoặc tên viết tắt của doanh nghiệp.Phần tên gọi giúp khách hàng dễ dàng giới thiệu thương hiệu tới người khác. Ví dụ: Viettel; Vinaphone; FPT,…

Một logo có thể chỉ bao gồm biểu tượng, nhưng cũng có thể bao gồm cả tên công ty. Doanh nghiệp có thể đăng ký bảo hộ logo như một nhãn hiệu.

Khẩu hiệu: Là một câu nói ngắn gọn thể hiện khát vọng, tôn chỉ hoặc là sự khẳng định, cam kết của doanh nghiệp với người tiêu dùng.

Như vậy, có thể thấy thương hiệu có phạm vi rộng nhất, bao gồm các yếu tố pháp lý là quyền sở hữu trí tuệ (được bảo hộ) và tên pháp nhân (đăng ký thành lập với cơ quan nhà nước), gắn với yếu tố hàng hoá và dịch vụ.

Từ mối quan hệ này, từ thực tiễn cho thấy, nhiều trường hợp đã sử dụng (thành lập sau) tên pháp nhân có yếu tố tương tự với pháp nhân nổi tiếng (có thương hiệu) để cố tình gây nhầm lẫn, từ đó tạo ra những nhãn hiệu (sản phẩm) gây nhầm lẫn, “nhái” với nhãn hiệu nổi tiếng, để bán ở địa bàn khác.

2. HABECO yêu cầu xử lý hành vi bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại tên pháp nhân và website của Công ty TNHH Bia tươi Hà Nội Thái Nguyên

2.1. Hành vi vi phạm

Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO) là một trong các doanh nghiệp hàng đầu của ngành Đồ uống tại Việt Nam. Nhiều dòng sản phẩm nổi tiếng làm nên thương hiệu HABECO đã nhận được sự tin yêu càu người tiêu dùng.

HABECO là Chủ sở hữu của nhãn hiệu “BIA TƯƠI HÀ NỘI” tại Việt Nam, được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (GCNĐKNH) số: 109844, hiệu lực tới: 07.3.2027, Nhóm sản phẩm: Nhóm 32: Bia.

Trong văn bản gửi Công ty TNHH Bia tươi Hà Nội Thái Nguyên (ngày 12/12/2022), HABECO nêu rõ: Trong thời gian gần đây, HABECO nhận thấy, Công ty đang sử dụng dấu hiệu “BIA TƯƠI HÀ NỘI” trùng với nhãn hiệu được bảo hộ của HABECO trong hoạt động kinh doanh, cụ thể:

Sử dụng dấu hiệu “BIA TƯƠI HÀ NỘI” để cấu thành tên doanh nghiệp “Công ty TNHH Bia tươi Hà Nội Thái Nguyên” hoạt động trong lĩnh vực “Buôn bán đồ uống (bán đồ uống có cồn, đồ uống không có cồn); Sản xuất Bia và mạch nha ủ men bia.

Để minh chứng cho nội dung vi phạm này, HABECO gửi kèm theo 02 Kết luận giám định của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ về nội dung xâm phạm.

Kết luận số NH677-22YC/KLGĐ ngày 19/11/2022, có nội dung:

“Dấu hiệu “BIA TƯƠI HÀ NỘI THÁI NGUYÊN” trong cụm từ “CÔNG TY TNHH BIA TƯƠI HÀ NỘI THÁI NGUYÊN” sử dụng cho sản phẩm bia, mạch nha ủ men bia – như được thể hiện trên Tài liệu 1 – là tương tự đến mức gây nhầm lẫn đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo GCNĐKNH số 109844”.

Kết luận số NH678-22YC/KLGĐ ngày 19/11/2022, có nội dung:

“Dấu hiệu “Bia tươi Hà Nội – Thái Nguyên” được gắn (trình bày) trên Website www.biatuoihanoithainguyen.vn nhằm quảng cáo cho sản phẩm bia tươi – như thể hiện tại Tài liệu 1 – là yếu tố xâm phạm quyền (quy định tại Điều 11 Nghị định 105/2006 sửa đổi) đối với Nhãn hiệu được bảo hộ theo GCNĐKNH số 109844 của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội”.

2.2. Nhận định và đề nghị xử lý

Do đó, căn cứ 02 Kết luận giám định, quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 31/12/2010), HABECO nhận định:

“Dấu hiệu “BIA TƯƠI HÀ NỘI” trong tên thương mại của Công ty TNHH Bia tươi Hà Nội Thái Nguyên bị coi là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “BIA TƯƠI HÀ NỘI” được bảo hộ theo GCNĐKNH số 109844 của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội”.

“Việc sử dụng dấu hiệu “BIA TƯƠI HÀ NỘI” để kinh doanh, quảng cáo hay sử dụng trên các tài liệu giao dịch mà không được chủ sở hữu là Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội cho phép bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu quy định tại điểm a, khoản 1 và khoản 2 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ”.

“Căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành về việc thực thi các quy định pháp luật chống hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Công ty TNHH Bia tươi Hà Nội Thái Nguyên có thể phải đối mặt với các hậu quả pháp lý bao gồm xử phạt hành chính với mức phạt lên tới 500 triệu đồng hoặc khởi kiện dân sự với yêu cầu bồi thường bao gồm nhưng không hạn chế các thiệt hại phát sinh trên thực tế hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Yêu cầu của HABECO:

Trong văn bản phát hành, HABECO đề nghị Công ty TNHH Bia tươi Hà Nội Thái Nguyên thực hiện các nội dung:

- Thứ nhất: Thực hiện thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để loại bỏ dấu hiệu “BIA TƯƠI HÀ NỘI” trong tên doanh nghiệp của Công ty;

- Thứ hai: Đề nghị rút đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ có dấu hiệu tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đang được bảo hộ của HABECO, cụ thể: Số đơn 4-2022-07902 ngày 18/8/2022 nhãn “BIA RÙA VÀNG HÀ NỘI”; Số đơn 4-2022-07904 ngày 18/8/2022 nhãn “BIA KIM QUY HÀ NỘI”; Số đơn 4-2022-25638 ngày 30/06/2022 nhãn “FIZER draf beer NO1 HA NOI”;

Thứ ba: Đề nghị Công ty TNHH Bia tươi Hà Nội Thái Nguyên gửi Văn bản cam kết thực hiện đầy đủ nội dung trên và không tiến hành bất kỳ hành vi nào xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của HABECO trong tương lai; yêu cầu tuần thủ các yêu cầu nêu trên trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản khuyến cáo, đồng thời gửi ý kiến phản hồi về cho HABECO, nếu HABECO không nhận được phản hồi đúng thời hạn, hoặc phản hồi đi ngược lại các yêu cầu khuyến cáo, HABECO bảo lưu quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT và sẽ đưa vụ việc ra cơ quan chức năng mà không cần báo trước.

3. Cam kết của Công ty TNHH Bia tươi Hà Nội Thái Nguyên

Phúc đáp Văn bản của HABECO về việc Khuyến cáo chấm dứt hành vi “tên thương mại” xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Công ty TNHH Bia tươi Hà Nội Thái Nguyên đã có văn bản phúc đáp và cam kết thực hiện những kiến nghị của HABECO với các nội dung sau (văn bản ngày 16/12/2022):

Thứ nhất, thực hiện đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp “Công ty TNHH Bia tươi Hà Nội Thái Nguyên” thành “Công ty TNHH Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Thái” (HATHACO).

Thứ hai, đối với những nhãn hàng công ty đã đăng ký bảo hộ, thử nghiệm đế nhà phân phối sẽ dừng sản xuất và không triển khai tiếp trong thời gian tới.

Từ vụ việc nêu trên cho thấy việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu có mối quan hệ mật thiết với việc lựa chọn tên pháp nhân, đăng ký và bảo vệ nhãn hiệu sản phẩm/dịch vụ. Trong quá trình bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, sau thủ tục khuyến cáo, Chủ thể bị xâm phạm quyền sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các cam kết, cho tới khi các dấu hiệu vi phạm được thực hiện triệt để.

Phúc Huy

Link nội dung: https://dnvn.com.vn/bao-ve-quyen-so-huu-tri-tue-nhin-tu-truong-hop-habeco-yeu-cau-xu-ly-dau-hieu-xam-pham-nhan-hieu-bia-tuoi-ha-noi-a455308.html