Nhà sáng lập HGPT Mechanical: Bước ra thương trường từ bục giảng với loạt sáng chế

Bước ra thương trường từ bục giảng, thầy giáo Hà Giang phát triển Công ty Cổ phần Cơ khí Hà Giang Phước Tường (HGPT Mechanical) thành thương hiệu cơ khí lớn nhất miền Trung nhờ loạt chế tạo thiết bị cơ khí phụ trợ khó.

Chân chất như nông dân, nghiêm túc như một nhà giáo nhưng rất năng nổ, say mê và sáng tạo trong kinh doanh là hình ảnh khó quên đối với những ai từng tiếp xúc và biết về doanh nhân Hà Giang - vị Chủ tịch HGPT Mechanical, Chủ tịch Hội Cơ khí TP Đà Nẵng.

Trọn đời cống hiến với nghề cơ khí

HGPT Mechanical được sáng lập vào năm 1988. Đam mê ngành cơ khí chế tạo, thầy giáo Hà Giang được biết đến là “cha đẻ” nhiều thiết bị cơ khí phụ trợ chịu áp lực, thiết bị cơ khí thủy công khó cho các nhà máy sản xuất và công trình. Tiêu biểu là các công trình kết cấu thép cho các nhà máy thủy điện, nhà máy công nghiệp, nhà máy nước, nhà máy sản xuất bê tông ly tâm và nhiều công trình kết cấu thép, công trình xây dựng nhà xưởng, công trình điện có cấp điện áp đến 220 KV ...

Trải lòng về quá trình bắt đầu chọn nghề nghiệp, ông cho hay: “Mẹ tôi là nông dân nhưng lại có nhận thức con phải theo nghề cơ khí mới sống tốt và hỗ trợ cho nông dân. Mẹ hướng nghiệp cho tôi theo học trường Kỹ thuật Đà Nẵng rồi đến Sư phạm Kỹ thuật Phú Thọ, TP.HCM và nghề cơ khí cũng chính là đam mê của tôi.

01f0eb3e996835366c79

 Chân dung ông Hà Giang - Nhà sáng lập, Chủ tịch Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường.

 

Năm 1975, là 1 giáo viên trẻ, tôi đọc trên báo thông tin về một kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, thấy báo viết “công nghiệp là tương lai của đất nước” nên tôi càng quyết tâm hơn với mong ước nghề nghiệp của mình sẽ có điều kiện cống hiến xây dựng đất nước". 

DSC04458

 

"Cả cuộc đời tôi chỉ có 1 nghề Cơ khí: học Cơ khí, dạy Cơ khí, làm nghề và nghiên cứu Cơ khí, hỗ trợ anh em xây dựng Hội Cơ khí”.

Ông Hà Giang - Chủ tịch HGPT Mechanical

Năm 1975 – 1990, ông trở thành giảng viên giảng dạy bộ môn Cơ khí tại trường Kỹ thuật Nguyễn Văn Trỗi. Khi ấy, nhà giáo U40 vẫn sống đời sống lo toan, áp lực làm trụ cột của một gia đình với 5 đứa con tuổi ăn tuổi học. Để cải thiện đời sống gia đình và thỏa niềm đam mê sáng chế, thầy giáo Giang mở một cơ sở cơ khí nhỏ.

Ngoài thời gian dạy học, thầy Giang nhận sửa cửa sắt dạo. Ít ỏi đồ nghề và thật nhiều khát vọng, phố phường Đà Nẵng nơi nào cần sửa chữa cổng, cửa nơi đó có bước chân thầy đạp bằng chiếc xe đạp cũ qua miệt mài như ong đi lấy mật.

Dù bắt đầu khởi nghiệp với công việc lao động làm thêm bình dị, thầy giáo Hà Giang vận dụng sáng tạo kiến thức để chế tạo chiếc máy hàn từ các vật dụng có sẵn. Thiết kế máy hàn nhỏ gọn, dễ mang vác, di chuyển khi làm việc lưu động trở thành một trong những kỷ vật quý ngày đầu tạo lập nên Hà Giang Phước Tường.

e7b6b6cdc69b6ac5338a

 Ông Hà Giang hăng say kể chuyện sáng chế tại HGPT Mechanical.

Đã ngoài 70 tuổi, ông Hà Giang dẫn chúng tôi đi thăm xưởng sản xuất của công ty vẫn hăng say nói về sáng chế như một thanh niên mới lập nghiệp. Theo ông, khó khăn là động lực để nghĩ cách cải tiến. Trong “cái khó ló cái khôn”, từ xung phong nhận gia công các thiết bị mà người khác chê khó, Hà Giang Phước Tường với triết lý “sẽ có giải pháp tốt hơn và làm việc theo lẽ phải” tạo dựng được bề thế về quy mô lẫn danh tiếng như hiện nay.

Những chế tạo khó tạo nên thương hiệu HGPT Mechanical

Nhớ lại thời mới khởi nghiệp, năm 1989, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng khởi công xây dựng nhà máy thủy điện An Điềm. Bấy giờ, Liên bang Nga hỗ trợ hàng ngàn tấn thép dày từ 10 - 14mm để chế tạo ống áp lực, hệ thống cơ khí thủy công. Tất cả những máy lốc tại các nhà máy cơ khí Đà Nẵng hồi ấy chỉ có thể uốn cong được thép tấm dày nhất 10mm, không thể uốn được các loại tấm 12 và 14mm.

Ông Hà Giang mạnh dạn cải tiến chiếc máy lốc nhỏ của trường Kỹ thuật Nguyễn Văn Trỗi để uốn tròn hàng ngàn tấn thép của Nga thành ống, hoàn thành công trình thủy điện An Điềm, thủy điện đầu tiên của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

7214d389b0df1c8145ce

 Đến nay, hơn 50% thiết bị tại công ty đều do thầy Giang chủ trì nghiên cứu sáng chế để phù hợp với công việc. 

Đặt bút ký hợp đồng với nhà máy thủy điện An Điềm với điều khoản nếu thi công thất bại phải đền bù tiền chi phí vận chuyển vật liệu ra Hà Nội thi công. Chi phí đó đáng giá cả một gia tài của ông giáo nghèo là căn nhà đang ở.

495a30081f5eb300ea4f

 

“Tôi nhận thấy, ngày nay, khá nhiều doanh nghiệp tư nhân tinh thần sáng tạo rất tốt, có khi còn hơn tôi ngày xưa. Nếu được động viên, được hỗ trợ, được khai thác họ sẽ phát triển tốt. Họ là những hạt nhân rất tiềm năng cho sự phát triển nền Công nghiệp TP Đà Nẵng, góp phần xây dựng một Đà Nẵng vững mạnh toàn diện trong tương lại.”

Chủ tịch HGPT nói.

“Tôi nói trước với thầy Hiệu trưởng, dự phòng cho tôi một phòng ký túc để vợ con tôi vào ở nếu công trình thất bại tôi phải bán nhà để đền công trình, trả cho họ 5 chỉ vàng”, Chủ tịch HGPT bồi hồi kể lại.

“Lúc đó, tôi không phải liều mà là mạnh dạn. Việc ai cũng chê, cũng sợ thì tôi mới có việc để làm. Do là doanh nghiệp tư nhân, mình nghĩ ra phương án thì mình phải bắt tay làm mới thỏa mãn. Vừa nghiên cứu vừa bắt tay làm thì sáng kiến mới phát sinh thêm, mới hoàn thành những công trình khó, từ đó mới có thành công”, ông Hà Giang nói thêm.

Năm 2005, ông Nguyễn Quyền - Giám đốc Công ty Mê Kông - muốn xây dựng nhà máy thủy điện tư nhân đầu tiên của Việt Nam tại xã vùng cao Kroong Hin, Đắk Lắc. Điều kiện của ông Quyền là máy lốc phải nhỏ, nhẹ, khối lượng dưới 10 tấn để có thể vận chuyển đến vùng cao thi công tại chỗ, khỏi tốn chi phí vận chuyển thành phẩm cồng kềnh, tốn kém. Nhưng máy phải lốc được các cỡ thép tấm dày từ 8mm - 18mm. Trong khi máy nhập ngoại muốn lốc được đến 18mm thì khối lượng máy phải gần đến 20 tấn không đạt mong muốn của khách hàng.

Ông Hà Giang tự nghiên cứu, chế tạo máy lốc chỉ nặng đến 9 tấn, lốc được đến 20mm nhờ phương pháp chế tạo trục lô máy nhỏ mà không bị biến dạng cong, không nứt gãy trong quá trình vận hành. Năm 2006, Công ty của ông Hà Giang hoàn thành nhà máy thủy điện tư nhân đầu tiên của công ty Mê Kông. Tiếng lành đồn xa, Cơ khí Phước Tường nhận được nhiều công trình cơ khí thủy công, thủy điện ở các tỉnh Tây Nguyên và sau này là các tỉnh, thành miền Trung, miền Bắc.

Sau đó, nắm bắt được nhu cầu của thị trường, ông Hà Giang tiếp tục hướng dẫn đội ngũ kỹ thuật công ty nghiên cứu chế tạo thêm nhiều thiết bị Cơ khí khác như: máy uốn thép hình cỡ lớn để uốn nguội làm cong các loại ống thép đường kính 400mm, các loại thép chữ l thành dạng vòm cong để thi công các công trình phục vụ du lịch. Máy được sự hỗ trợ kinh phí nghiên cứu của thành phố đã phục vụ công trình đầu tiên là 13 du thuyền ở nam Hội An và đạt giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật Việt Nam.

3b532aec5abaf6e4afab

 Những chế tạo khó của thầy Hà Giang tạo nên thương hiệu HGPT Mechanical.

Nhận được sự hỗ trợ kinh phí của thành phố, ông tiếp tục hướng dẫn đội kỹ thuật HGPT nghiên cứu chế tạo máy lốc các loại thép tấm dày trên từ 20 – 80mm phục vụ các công trình đòi hỏi ngày càng cao và đạt giải nhất hội thi Vifotec Việt Nam, được nhận bằng khen của Thủ Tướng Chính phủ.

Nay đã 74 tuổi, niềm đam mê với sáng tạo của ông vẫn như một dòng chảy nóng bỏng. Ông Hà Giang chuyển giao cho con trai là ông Hà Đức Hùng, tốt nghiệp Kỹ sư Điện, Tự động Hàng hải giúp cha điều hành công ty để ông chuyên tâm chế tạo máy.

Gần đây, rất nhiều công trình, dự án của HGPT tại các tỉnh thành và tại Đà Nẵng trở thành biểu tượng mới của sức sáng tạo với những “tác phẩm nghệ thuật” trong xây dựng khi “thổi hồn vào công trình, gửi tình vào kết cấu”. Điển hình có thể kể đến như: dự án Vườn Tượng Apec với ý tưởng Cánh diều bay cao Apec có kết cấu thép hiện đại mô phỏng hàng ngàn cánh diều hội tụ, hiệu ứng ánh sáng giúp công trình giàu thẩm mỹ lại đảm bảo vững chắc tại Đà Nẵng hay 13 du thuyền kết cấu thép tại Vinperal Nam Hội An, …

aea92bcb689dc4c39d8c

 Mái vòm APEC công trình độc đáo kết cấu thép do HGPT Mechanical thi công, lắp đặt.

Với cương vị là Chủ tịch Hội Cơ khí Đà Nẵng, nhiều ý kiến đóng góp và với sự dẫn dắt của mình, ông Hà Giang cũng là nhân vật được những “hậu duệ” ngành Cơ khí Đà Nẵng rất nể trọng.

Đầu năm 2024, Hà Giang Phước Tường đang thực hiện thực hiện 2 dự án Nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô Kim Long Motor và Hòa Phát Dung Quất 2.

HGPT Mechanical đồng hành cùng sản phẩm xe bus thương hiệu Kim Long qua Dự án Khu liên hợp sản xuất lắp ráp Kim Long Motors Huế là dự án trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà thầu Kết cấu thép HGPT được Chủ đầu tư tin tưởng giao các hạng mục Kết cấu thép quan trọng của Nhà máy khởi công từ tháng 2/2023. Sau 1 năm thi công, hạng mục Nhà máy sản xuất, lắp ráp xe thương mại đã hoàn thành, cho ra mắt và bàn giao những chiếc xe bus đầu tiên mang thương hiệu Việt trong giai đoạn 1.

Công ty HGPT Mechanical vẫn tiếp tục thi công đảm nhận thêm các hạng mục còn lại thuộc giai đoạn 2, 3 góp phần đạt tiến độ chung của tổng dự án.

272339946dc2c19c98d3

Công ty hiện đang tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động.

36 năm qua, HGPT Mechanical liên tục là doanh nghiệp ứng dụng phát triển khoa học và công nghệ, ghi dấu ấn với nhiều công trình kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ nổi bật, đạt nhiều giải thưởng. Ở tuổi 73, Chủ tịch HGPT Mechanical – Hà Giang nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những thành tích trong sáng tạo kỹ thuật toàn quốc.

Tâm sự với chúng tôi, Chủ tịch HGPT Mechanical khiêm tốn nhắc về quả ngọt cuộc đời mình, trong ánh mắt hiền từ, nụ cười đôn hậu: “Được làm nghề và tạo ra công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho gia đình, cho người lao động, đó là tất cả hạnh phúc của tôi”, ông Hà Giang xúc động.

Duy Lương – Bảo Hòa

Link nội dung: https://dnvn.com.vn/nha-sang-lap-hgpt-mechanical-buoc-ra-thuong-truong-tu-buc-giang-voi-loat-sang-che-a450991.html