Nạo vét nhiều cửa cống, đối phó xâm nhập mặn
Là địa phương giáp biển với phần lớn người dân làm nông nghiệp, huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) hàng năm phải thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn hiện tượng xâm nhập mặn. Qua đó, đảm bảo nguồn nước ngọt cho người dân tưới tiêu phục vụ canh tác.
Chỉ còn ít ngày nữa sẽ bước vào vụ mùa Đông Xuân của người dân, cơ quan chức năng huyện Giao Thủy đang gấp rút chạy đua với thời gian, nạo vét nhiều cửa cống, sửa chưa, xây dựng nhiều công trình nội đồng,… đảm bảo đủ nguồn nước cho bà con sử dụng.
Một trong những đơn vị tiên phong trên địa bàn huyện Giao Thủy là công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Xuân Thủy (Cty khai thác thủy lợi Xuân Thủy).
Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Giám đốc công ty khai thác thủy lợi Xuân Thủy cho biết, hiện nay đơn vị này đang gấp rút triển khai các biện pháp khơi thông nguồn nước cho vụ mùa Đông Xuân.
Theo ông Bình, do đặc trưng vùng hạ du sông Hồng, giáp vịnh Bắc Bộ nên hàng năm đặc biệt là vụ Đông Xuân mặn xâp nhập sâu vào cửa sông làm giảm thời gian lấy nước ngọt của các cống. Do vậy, Công ty phải tính toán, xây dựng kế hoạch lấy nước trên cơ sở lịch thủy triều và tận dụng tối đa thời gian xả nước chống hạn của các hồ thủy điện để đảm bảo lấy đủ nước cho bà con phục vụ sản xuất.
“Vùng nước ở đây có hai tầng gồm 1 tầng nước ngọt và 1 tầng nước mặn. Nếu vùng nước nông, lượng nước ngọt được tích trữ sẽ ít hơn, ngược lại, vùng nước sâu, nước ngọt sẽ được lưu trữ nhiều hơn. Do đó, trước mắt chúng tôi đang tập trung cho công tác nạo vét các cửa cống, sửa chữa, xây mới nhiều công trình nội đồng”, ông Bình cho biết.
Theo lãnh đạo Cty khai thác thủy lợi Xuân Thủy, thông thường mỗi vụ lấy nước đổ ải trên địa bàn huyện Giao Thủy sẽ lấy hai đợt nước lên, mỗi đợt diễn ra khoảng 10 ngày là thời gian để bà con tranh thủ dẫn nước ngọt vào các công trình nội đồng để tích trữ phục vụ làm đất.
“Các của cống triền ven biển thương xuyên bị bồi lắng do nguồn kinh phí có hạn, công tác nạo vét không được thực hiện thường xuyên. Trước mắt chúng tôi dự kiến nạo vét 3 cửa cống Giao Phong, Tây cồn Tàu, cống số 8 và Triết Giang B để phục vụ nhu cầu khơi thông nguồn nước tưới tiêu ngay khi vụ mùa Đông Xuân bắt đầu”, ông Bình nói.
Đánh giá sự cấp thiết trong việc đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, chống xâm nhập mặn, đồng thời đảm bảo dòng chảy được khơi thông, ông Bình nhấn mạnh, nạo vét các cửa cống lấy nước là nhiệm vụ đang được công ty ưu tiên hàng đầu. “Chúng tôi ưu tiên nạo vét các cửa cống lấy nước xong trước 20/11. Trong đó gồm các cửa Hạ Miêu I, cửa Cống Cồn tư và cửa cống cồn 5”, ông Bình thông tin.
Trong khi đó, đang cải tạo mảnh ruộng của mình chờ đợt dẫn nước để canh tác vụ mùa Đông Xuân, ông Phan Văn Bảy (xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, Nam Định) cho biết hiện tại người dân đã được thông báo về lịch giao mạ theo công tác điều hành nước tưới tiêu của chính quyền, do đó ông Bảy và những người nông dân trên địa bàn cũng có thể chủ động tính toán kế hoạch sản xuất của mình hiệu quả hơn.
“Địa phương chúng tôi gặp khó khăn hơn các vùng khác do phải canh tác theo con nước, tính toán phù hợp với lượng nước ngọt hàng năm. Tuy nhiên, như mọi năm, chúng tôi được chính quyền phối hợp, thông báo lịch thời vụ gieo trồng từ rất sớm, do đó tình trạng thiếu nước canh tác cũng hiếm khi xảy ra. Hiện nay, nhiều công trình nội đồng được xây mới, do đó nguồn nước vào tận các ruộng nhỏ, chúng tôi cũng nhàn hơn hẳn”, ông Bảy chia sẻ.
Hiệu quả điều phối nước tưới tiêu từ thực tế
Theo lãnh đạo Cty Khai thác thủy lợi Xuân Thủy, trong vụ Mùa năm 2023, công ty đã đầu tư, sữa 33 công trình cống đập, gia cố mái kênh, nhà quản lý công trình cụm; nạo vét 30 công trình; thay thế sửa chữa 21 cánh cống. Tổng khối lượng đào đắp là hơn 108 nghìn mét khối, đạt hơn 100% kế hoạch đề ra.
Đến thời điểm hiện tại, Công ty đã xây mới, sữa chữa, thay thế 19/26 công tình cống, đạp, công trình phụ trợ. Bên cạnh đó nạo vét được 3/5 cửa cống, 1 kênh cấp 1 và 18 kênh cấp 2, tổng khối lượng đào đắp là hơn 62 nghìn m3, đạt 57,8% kế hoạch vụ mùa Đông Xuân.
“Đầu vụ, chúng tôi đã kiểm tra, rà soát các công trình hư hỏng, kịp thời sửa chữa trước bão lũ. Mặc dù công ty đã chủ động tiêu nước phòng úng hiệu quả, tuy nhiên lượng mưa lớn đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa vụ mùa. Cụ thể thời điểm ngày 26/9 đến 28/9 mưa lớn trùng vào thời kỳ lúa vào mẩy và diện tích lúa đặc sản đang trổ bông đã làm diện tích lúa bị đổ, ảnh hưởng đến năng suất”, ông Nguyễn Thanh Bình thông tin.
Theo lãnh đạo Cty Khai thác thủy lợi Xuân Thủy, công ty đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác khơi thông dòng chảy. Dự kiến sẽ giải tỏa 1,5 triệu m2 bèo rác, trong đó ở huyện Giao Thủy là 900 nghìn m2.
Thời gian tới, để đảm bảo khơi thông nguồn nước tưới tiêu, công ty sẽ chủ động rà soát, cập nhật diễn biến thời tiết, nguồn nước và tình hình xâm nhập mặn để có phương án chống hạn kịp thời, chủ động trữ nước và quản lý chặt chẽ sử dụng tiết kiệm nước, điều tiết hợp lý, khoa học.
Bên cạnh đó, công ty sẽ tổ chức kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi để bổ sung kế hoạch tu bổ, sửa chữa. Đông thời, thường xuyên tổ chức khơi thông dòng chảy, vệ sinh kênh mương đảm bảo thông thoáng, không bị ách tắc.
Để đảm bảo kế hoạch canh tác hiệu quả, Công ty Khai thác thủy lợi Xuân Thủy kiến nghị chính quyền huyện Giao Thủy chỉ đạo các địa phương gieo cấy đúng lịch, đúng khung thời vụ, đúng cơ cấu giống huyện đã đề ra để công ty điều tiết nước hợp lý và kịp thời.
PV
Link nội dung: https://dnvn.com.vn/cong-ty-khai-thac-thuy-loi-xuan-thuy-gap-rut-khoi-thong-nguon-nuoc-tuoi-tieu-vu-mua-dong-xuan-a448578.html