Phát biểu ý kiến tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu bật bước tiến lớn trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ; hiện nay, quan hệ thương mại song phương phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và sẽ phát triển nhanh hơn nữa khi hai nước vừa thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Thủ tướng nêu rõ, trong quá trình phát triển, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện với phương châm từng bước, chắc chắn, không nóng vội, không cầu toàn. Xuyên suốt quá trình này, Việt Nam lấy con người làm trung tâm, chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực tăng trưởng; kiên trì nguyên tắc không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, thực chất.
Vì vậy Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam có nhiều yếu tố nền tảng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển.
Thủ tướng cho biết, sau gần 4 thập kỷ đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Quy mô nền kinh tế đạt 409 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 160 USD lên trên 4.100 USD. Việt Nam đã trở thành một trong 20 nền kinh tế có thương mại quốc tế lớn hàng đầu thế giới và trong 40 nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới.
Năm 2022, trước những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và khó dự báo của kinh tế thế giới và khu vực, với rất nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam đã "biến nguy thành cơ" và đạt nhiều kết quả quan trọng: Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, cao nhất trong 10 năm qua; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 732 tỷ USD, tăng 9,5%, xuất siêu trên 11 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 22,4 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư Việt Nam tiếp tục được cộng đồng quốc tế, nhà đầu tư đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng và môi trường kinh doanh.
Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có lĩnh vực công nghệ số, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh sự quan tâm của các doanh nghiệp đối với thị trường Việt Nam; cho rằng với quan điểm "sức mạnh bắt nguồn từ người dân, doanh nghiệp", doanh nghiệp hai nước có hành động thiết thực, cụ thể hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước; mang lại lợi ích cho quốc gia và nhân dân mỗi nước; phù hợp với tình hình phát triển của hai đất nước, xu thế của thời đại và nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước và phù hợp với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp hai nước.
Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ hiện thực hóa sự ủng hộ của Hoa Kỳ về một Việt Nam "mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng". Trong đó, các doanh nghiệp cần tập trung vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là công nghệ số và chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẵn sàng mở cửa đón tất cả doanh nghiệp tới đầu tư kinh doanh đúng pháp luật, ổn định, hiệu quả vì sự hùng cường, thịnh vượng của mỗi nước, ấm no, hạnh phúc của người dân. "Đây là cách tốt nhất để hàn gắn vết thương, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai", Thủ tướng nhấn mạnh.
Link nội dung: https://dnvn.com.vn/thu-tuong-keu-goi-dau-tu-doi-moi-sang-tao-cong-nghe-so-vao-viet-nam-a446947.html