Kiểm soát, ngăn chặn hành vi đầu cơ mặt hàng gạo

Trước tình hình giá gạo xuất khẩu tăng đã đẩy giá mặt hàng lúa gạo nội địa tăng mạnh, cơ quan chức năng yêu cầu tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi đầu cơ mặt hàng gạo.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường do tác động bởi nhiều yếu tố như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước (Ấn Độ, UAE, Nga); hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực, ngũ cốc tại nhiều khu vực; diễn biến địa chính trị còn phức tạp (Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen)...

Điều này đã tác động mạnh đến nguồn cung sản lượng gạo toàn cầu, làm quan ngại về các vấn đề an ninh lương thực thế giới cũng như ảnh hưởng đến xu hướng phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia khi tình trạng lạm phát chưa được cải thiện.

Vì vậy Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07 về bình ổn thị trường gạo trong nước và xuất khẩu giai đoạn hiện nay.

xuat khau gao

 

Đối với Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương yêu cầu chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tại địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa phương theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Tổng cục cũng tiếp tục chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ; phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát thị trường giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ và các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý thị trường đối với mặt hàng gạo.

Trước những thách thức đang đặt ra, Bộ Tài chính cho biết cũng đã chỉ đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước chủ động rà soát, cân đối nguồn lực lương thực dự trữ quốc gia đảm bảo duy trì mức tồn kho hợp lý đồng thời đáp ứng thực hiện các nhiệm vụ theo mục tiêu quy định của Luật Dự trữ quốc gia.

Trên cơ sở đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước có thể chủ động, ứng phó nhanh, hiệu quả trong mọi tình huống đột xuất cấp bách, không để người dân thiếu lương thực thiếu gạo, khi giáp hạt, thiên tai, dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường, dự báo tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an ninh lương thực, nhu cầu xuất cấp của các địa phương. Tổng cục cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, kịp thời tham mưu trình Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung kế hoạch và dự toán năm 2023 để mua bổ sung lương thực dự trữ quốc gia nếu thấy cần thiết.  

Hiện Tổng cục Dự trữ Nhà nước đang xây dựng kế hoạch mua lương thực năm 2024 với mức dự trữ phù hợp, đảm bảo nguồn lực dự trữ sẵn sàng thực hiện xuất cấp kịp thời theo quyết định của cấp có thẩm quyền và góp phần tham gia bình ổn thị trường khi cần thiết.

Link nội dung: https://dnvn.com.vn/kiem-soat-ngan-chan-hanh-vi-dau-co-mat-hang-gao-a446927.html