Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại Trung Quốc

Tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc (CNIPA) tổ chức hội thảo “Đăng ký bảo hộ, quản lý, khai thác phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại Trung Quốc”.

Hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp, địa phương tìm hiểu, học hỏi, nắm bắt thêm về hoạt động sở hữu trí tuệ, kinh nghiệm của Trung Quốc. Đồng thời, đây còn là tiền đề để các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã, Hội làng nghề của Hà Nội, doanh nghiệp, Hợp tác xã tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ sản phẩm ưu việt, tiềm năng tại Trung Quốc. 

Các chuyên gia đã chia sẻ về nhiều vấn đề, như quy định pháp luật và thực tiễn thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc; kinh nghiệm hỗ trợ chủ đơn nước ngoài đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tại Trung Quốc; kinh nghiệm tổ chức quản lý và khai thác, phát triển nhãn hiệu cộng đồng và chỉ dẫn địa lý tại Trung Quốc...

Hội thảo cũng được nghe chuyên gia tư vấn của Việt Nam trao đổi những kinh nghiệm thực tiễn quý báu từ các vụ việc đăng ký thành công và cả thất bại như cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc, thuốc lá Vinataba… cũng như những vướng mắc của doanh nghiệp Việt Nam khi đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại Trung Quốc.

dang ky nhan hieu

 

Phát biểu tại Hội thảo, tiến sỹ Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ, cho biết tiềm năng to lớn của hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam-Trung Quốc làm gia tăng đáng kể nhu cầu của doanh nghiệp về xác lập, khai thác, thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kinh doanh, thương mại tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nói chung và đăng ký nhãn hiệu nói riêng của người nộp đơn Việt Nam tại Trung Quốc hiện khá khiêm tốn. Tỷ lệ văn bằng bảo hộ được cấp chưa cao.

Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ cũng chỉ ra nguyên nhân của thực trạng này là việc doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu biết về việc bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Trung Quốc và càng thiếu kinh nghiệm xác lập quyền đối với các đối tượng này tại Trung Quốc.

Cũng tại Hội thảo, ông Zhang Cheng (đại diện Cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc - CNIPA) chia sẻ, thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc được chia thành: thẩm định hình thức và thẩm định nội dung.

Thẩm định hình thức bao gồm xem xét các thủ tục đã hoàn tất chưa, điều khoản có được chuẩn hóa hay không và liệu các khoản phí được nộp đầy đủ hay chưa. Thẩm định nội dung bao gồm thẩm định lý do tuyệt đối và thẩm định lý do tương đối. Lý do tuyệt đối chủ yếu đề cập đến việc điều khoản bị cấm có bị vi phạm hay không và điều đó có đáng kể hay không. Lý do tương đối đề cập đến việc liệu có xung đột với các quyền trước đó hay không.

Vì vậy nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam có thể thành công trong đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tại các thị trường xuất khẩu, trong đó có Trung Quốc, Cục Sở hữu trí tuệ và các ban ngành cũng đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ như đàm phán, gia nhập các hiệp định thương mại tự do tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc đăng ký quyền sở hữu công nghiệp ở nước ngoài; xây dựng các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ; thiết lập các kênh tư vấn trong nước.

Với riêng Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết hoạt động hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống của thành phố được đẩy mạnh, rộng khắp các địa phương của Thủ đô.

Đến nay, thành phố có gần 100 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và hai sản phẩm đang được thẩm định bảo hộ chỉ dẫn địa lý (Gà mía Sơn Tây, Bưởi đường La Tinh-Hoài Đức). Dự kiến kế hoạch năm 2024, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhãn chín muộn Đại Thành - Quốc Oai.

Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ đã nhận được sự quan tâm của các đối tác nước ngoài nhờ có dấu hiệu nhận diện đầy đủ, nguồn gốc rõ ràng: Mây tre đan Phú Nghĩa; sản phẩm sơn mài Hạ Thái-Duyên Thái; tranh thêu tay Thường Tín; giày da Phú Yên-Phú Xuyên; nhãn chín muộn Quốc Oai; chuối Vân Nam…

Link nội dung: https://dnvn.com.vn/ho-tro-doanh-nghiep-phat-trien-nhan-hieu-chi-dan-dia-ly-cua-viet-nam-tai-trung-quoc-a446898.html