Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) nhận định, tiêu thụ xe ô tô sẽ giảm tốc tăng trưởng trong năm 2023. Và thực tế đã cho thấy thị trường này đang vô cùng 'ảm đảm'.
SSI cho rằng, tình hình kinh tế khó khăn mang lại nhiều thách thức. Khi điều kiện kinh tế xấu đi, tiêu thụ ô tô và giá bán ô tô tại các đại lý có thể không còn cao như trong năm 2022, do người tiêu dùng giảm thiểu chi tiêu trong thời kỳ suy thoái.
Bên cạnh đó, việc mua trả góp một phương tiện mới sẽ đắt đỏ và khó khăn hơn. Các hỗ trợ của Chính phủ (bao gồm cắt giảm lệ phí trước bạ và trì hoãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt) đã kết thúc, do mức tiêu thụ đã trở lại mức trước COVID-19.
Trước thực trạng này, các hiệp hội, địa phương kiến nghị Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm nay để kích cầu.
Cụ thể, Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc đã gửi báo cáo tới Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương). Trong báo cáo nêu rõ, Công ty Toyota Việt Nam - doanh nghiệp FDI lớn của địa phương - có sản lượng quý I/2023 giảm 37%, tương đương giảm 2.802 xe so với quý I/2022. Doanh số bán giảm 24% tương đương giảm 1.760 xe, mức tồn kho tăng 347% tương đương tăng 1.931 xe.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Công Thương, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ ban hành các chính sách phát triển công nghiệp ô tô, xe máy.
Trước mắt xem xét tiếp tục giảm lệ phí trước bạ (LPTB) cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để kích cầu tiêu thụ, sản xuất xe trong nước.
Trước đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và một số hiệp hội đã kiến nghị lùi thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) năm 2023 và giảm 50% lệ phí trước bạ với xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Về phía Bộ Công Thương thì cho rằng: Việc tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong một khoảng thời gian thích hợp là cần thiết và phù hợp với tinh thần chung, góp phần kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp ô tô, các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn.
Theo Bộ Công Thương, có thể cân nhắc thời gian áp dụng chính sách này đến hết năm 2023.
Trong khi đó, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ dự kiến: Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9 năm 2023 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Cụ thể:
Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6/2023 chậm nhất là ngày 20/11/2023.
Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 7/2023 chậm nhất là ngày 20/11/2023.
Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 8/2023 chậm nhất là ngày 20/11/2023.
Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 9/2023 chậm nhất là ngày 20/11/2023.
“Việc đề xuất thống nhất thời gian gia hạn là ngày 20/11/2023 để tránh dồn các khoản phải nộp cho doanh nghiệp vào cuối năm và tránh ảnh hưởng đến việc hoàn thành dự toán thu NSNN trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính”, Bộ Tài chính giải thích.
Link nội dung: https://dnvn.com.vn/de-nghi-som-giam-phi-truoc-ba-de-kich-cau-thi-truong-o-to-a446849.html