Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), trong 10 năm trở lại đây, ngành điện tử đóng vai trò là ngành sản xuất công nghiệp dẫn đầu trong tất cả các ngành công nghiệp chế biến chế tạo hiện nay của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử trong năm 2022 lên tới 114 tỷ USD, chiếm trên 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đóng góp đáng kể vào cân bằng ngoại hối với xuất siêu là trên 11 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai thị trường lớn nhất trong thị phần xuất khẩu ngành điện tử của Việt Nam.
Tính đến nay, các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã vào Việt Nam với tỷ trọng về số lượng và giá trị dự án lớn nhất là hãng Samsung; tiếp đó là LG Electronics…
Không chỉ vậy, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cũng cho biết ngành điện tử Việt Nam có khá nhiều cơ hội tăng trưởng trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Đầu tiên, ngành điện tử Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng giá trị nội địa để đóng góp nhiều hơn vào chuỗi cung ứng. "Apple có nhà máy sản xuất linh kiện tại Việt Nam, đã đặt hàng sản xuất các sản phẩm cao cấp hơn như máy tính bảng, máy tính để bàn… thay vì chỉ sản xuất tai nghe như trước đây. Hoặc trong lĩnh vực sản xuất chip, một số ông lớn sản xuất chip trong chuỗi cung ứng của Apple cũng đang xem xét đặt nhà máy tại Việt Nam", bà Hương đưa ví dụ cụ thể.
Bên cạnh đó, Việt Nam có cơ hội tăng xuất khẩu mặt hàng điện tử sang các thị trường khó tính do chuỗi cung ứng bị điều chỉnh sau dịch COVID-19. Xu hướng chuyển dịch đầu tư và sản xuất sang Việt Nam tạo cơ hội tăng cường thu hút nguồn vốn FDI. Thêm nữa, trong bối cảnh các nước thúc đẩy liên kết kinh tế song phương và khu vực, việc phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA… sẽ tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong các ngành công nghệ cao, đặc biệt là điện tử.
Trong khi đó, ông Darren Seah, giám đốc khối đầu tư và chuyển đổi công nghiệp của Công ty Constellar Exhibitions khẳng định Việt Nam hoàn toàn đặt mình vào vị thế là trung tâm sản xuất điện tử không chỉ của Đông Nam Á mà của cả châu Á. Lý do là hiện nay Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố, khi có nhiều tập đoàn công nghệ lớn đầu tư và hình thành được mạng lưới doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ ngành điện tử tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, để trở thành trung tâm sản xuất điện tử của châu Á, ông Darren Seah cho rằng, điều quan trọng nhất với doanh nghiệp Việt Nam là cần kiểm soát về chất lượng sản phẩm, tăng cường kết nối và hỗ trợ từ các đối tác khác như Malaysia, hay Thái Lan nhằm đảm bảo xuất khẩu.
Bên cạnh những cơ hội, các chuyên gia cũng đánh giá ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức phía trước. Cụ thể, việc thay đổi thói quen và phương thức tiêu dùng ở trạng thái bình thường mới đòi hỏi Việt Nam phải kịp thời điều chỉnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài để đảm bảo dòng vốn FDI có chọn lọc. Ưu tiên công nghệ tiên tiến, bền vững và có sức lan tỏa cho nền kinh tế Việt Nam.Thêm vào đó, nguy cơ tụt hậu xa hơn do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh buộc Việt Nam phải phát triển dựa trên đổi mới, sáng tạo. Yếu tố về lao động giá rẻ hay tài nguyên sẵn có không còn là lợi thế.
Nguồn nhân lực giỏi tại Việt Nam vẫn chưa theo kịp đà phát triển của ngành điện tử toàn cầu. Việc thiếu nguồn lực về lao động có kỹ năng, tài chính và công nghệ để tiếp nhận giá trị công nghệ tiên tiến từ dòng vốn FDI. Việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ vào Việt Nam còn thấp bởi phụ thuộc lớn và năng lực của doanh nghiệp đặc biệt là ở chất lượng nguồn nhân lực cũng như hạ tầng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các thách thức về an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên thiếu bền vững đa và đang tác động mạnh đến các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Link nội dung: https://dnvn.com.vn/viet-nam-se-tro-thanh-trung-tam-san-xuat-dien-tu-cua-chau-a-a446846.html