Thương hiệu sầu riêng Đắk Mil: Phát triển theo hướng xuất khẩu

Là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Đắk Mil (Đắk Nông), sầu riêng đang mang lại nguồn thu rất lớn cho người dân nơi đây. Tuy nhiên để có giá trị kinh tế cao hơn, việc cấp mã số vùng t

Nông dân mong muốn sầu riêng sớm được xuất khẩu chính ngạch

Những năm qua, sầu riêng là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Ðắk Mil (tỉnh Đắk Nông) giúp mang lại nguồn thu nhập lớn cho người nông dân. Hiện trên địa bàn huyện có gần 900ha sầu riêng, trong đó có 650ha đang cho thu hoạch, với sản lượng hơn 8.300 tấn/vụ.

Năng suất trung bình của sầu riêng Ðắk Mil đạt khoảng 8-10 tấn/ha. Các giống sầu riêng được bà con ở Ðắk Mil trồng chủ yếu là các loại: Ri6, Monthong, Dona, sầu riêng địa phương…

2

 Sầu riêng được trồng ở Đắk Mil nổi tiếng thơm ngon, cơm vàng, dẻo, được người tiêu dùng ưa chuộng

 

Anh Trần Văn Huy (thôn Đức Phúc, xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil) có hơn 400 cây sầu riêng Ri6 trồng xen trong vườn cà phê. Hiện nay vườn sầu riêng đang cho thu hoạch năm thứ 6 với mức thu hơn 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Anh Huy cho biết để vườn sầu riêng cho hiệu quả kinh tế thì anh phải tốn rất nhiều công chăm sóc từ khâu chọn giống, bón phân, ra trái bói phải xử lý như thế nào…. Đặc biệt, để sầu riêng cho quả đạt chất lượng, mẫu mã đẹp, anh Huy phải học hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ những vườn đã thành công để áp dụng cho vườn cây của mình. Anh cho biết: “Những khi sầu riêng vào mùa vụ thu hoạch, thương lái đều đến chốt giá thu mua ngay từ đầu vụ. Tuy nhiên giá cả vẫn phải phụ thuộc vào thương lái và không có sự ổn định”.

Anh Huy cũng như nhiều nông dân mong muốn cơ quan chức năng sớm hỗ trợ cấp mã số vùng trồng cho vườn sầu riêng, để sản phẩm có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

1

 Nông dân mong muốn sầu riêng sớm được cấp mã số vùng trồng để tăng giá trị sản phẩm

Tương tự, ông Hồ Đức Thiện (thôn Đức Ái, xã Đức Mạnh, Đắk Mil) cũng có 2ha sầu riêng Monthong đã cho thu hoạch năm thứ 10. Với mức giá từ 60.000 – 65.000đồng/kg như hiện nay thì vườn sầu riêng mang lại nguồn thu nhập rất lớn cho gia đình ông Thiện. Tuy được giá, ông vẫn mong muốn sầu riêng sẽ được xuất khẩu và mang lại giá trị cao hơn cho người nông dân.

Nỗ lực phát triển thương hiệu sầu riêng của cơ quan chức năng

Giống sầu riêng được trồng tại Đắk Mil nổi tiếng thơm ngon, cơm vàng, dẻo, tỷ lệ cơm cao hơn so với các vùng trồng khác nên được người tiêu dùng ưu chuộng. Dù đã được người tiêu dùng biết tới, nhưng việc tiêu thụ sầu riêng tại Đắk Mil chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thương lái. Hằng năm, thương lái tìm đến tận vườn của bà con mua sầu riêng với mức giá rất thất thường.

Ông Cao Đức Nguyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đắk Mil cho biết, đầu ra của sản phẩm sầu riêng trên địa bàn nhiều năm qua vẫn phụ thuộc vào thương lái, điều này khiến giá trị sản phẩm sầu riêng chưa cao.

Để sầu riêng Đắk Mil đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu, huyện đã từng bước tập huấn, hướng dẫn người nông dân áp dụng quy trình sản xuất riêng theo các tiêu chuẩn bắt buộc. Phần lớn bà con đã thay đổi quy trình sản xuất, kiểm soát tốt dư lượng bảo vệ thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm...

Ngoài ra, huyện còn phối hợp với cơ quan chức năng rà soát các hộ dân, HTX sản xuất sầu riêng đủ tiêu chuẩn, từ đó đề nghị cấp mã vùng trồng, từng bước tiếp cận thị trường quốc tế.

3

Để xuất khẩu chính ngạch, nông dân phải sản xuất sầu riêng bảo đảm chất lượng, phải có mã vùng trồng.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết: “Mã vùng trồng như giấy thông hành để sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cấp mã vùng trồng còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, ngành chức năng cần có sự phối hợp đồng bộ để nông dân hiểu những điều kiện cần để có thể xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường khó tính như Trung Quốc. Hiện tỉnh đang nỗ lực triển khai nhanh về cấp mã số vùng trồng sầu riêng để sớm xuất khẩu chính ngạch, giúp tăng giá trị sản phẩm”.

Theo đó, để sầu riêng mang lại giá trị cho người nông dân, huyện Đắk Mil cần có chính sách đồng bộ về ưu đãi đầu tư phát triển diện tích, hỗ trợ vốn, phát triển hạ tầng và hỗ trợ khoa học, kỹ thuật. Từ đó xây dựng thương hiệu sầu riêng Đắk Mil gắn với chiến lược phát triển thị trường tiêu thụ, nâng cao lợi thế cạnh tranh của loại quả này ở thị trường trong nước và quốc tế.

Theo Sở hữu trí tuệ

Link nội dung: https://dnvn.com.vn/thuong-hieu-sau-rieng-dak-mil-phat-trien-theo-huong-xuat-khau-a444396.html