Đà Lạt phát triển trồng nấm bào ngư xám

Theo xu hướng đa canh, đa cây, mô hình “trồng nấm bào ngư xám” của thôn Đa Lộc, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt bước đầu đã được người dân tại địa phương tin tưởng với hiệu quả kinh tế cao.

Anh Trần Anh Tuấn, chủ trang trại trồng nấm bào ngư xám tại xã Xuân Thọ (TP Đà Lại, tỉnh Lâm Đồng) cho biết đây được xem như công việc “nhàn hạ” của nông dân. Trồng nấm không kỳ công và mất thời gian trong khâu chăm sóc, chỉ cần tận dụng thời gian rảnh cũng có thể phát triển kinh tế từ mô hình này.

Thời gian qua tại xã Xuân Thọ đã có một số hộ nông dân thử chuyển đổi và chọn trồng nấm bào ngư xám để khởi nghiệp nhưng sau 2 năm dịch. Tuy chỉ là nghề tay trái nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. 

hinh1.4

 Mô hình trồng "nấm bào ngư xám"

 

"Mới đầu, tôi cũng thử vài loại nấm nhưng không hiệu quả, chỉ thấy nấm bào ngư là thích hợp với điều kiện khí hậu nên mới quyết định đầu tư làm nấm bào ngư xám và duy trì đến ngày hôm nay. Vốn đầu tư ban đầu cho trang trại 400 m2 của tôi là dưới 150 triệu. Giá nấm hiện tại dao động từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg. Nếu trừ các chi phí bỏ ra, mình thu lãi hơn 10 triệu/tháng. Nhờ khí hậu ưu đãi nên nấm trồng tại địa phương được nhiều khách hàng ủng hộ lâu dài về chất lượng", anh Tuấn cho biết.

Trồng nấm bào ngư xám nhanh cho thu hoạch, chỉ sau 15 ngày là đã có thể thu hoạch lứa đầu tiên, lại có thể điều chỉnh sự sinh trưởng của nấm theo ý mình. Đây là một lợi thế để người nông dân có thể ngày nào cũng cho sản lượng nấm bào ngư xám theo đơn đặt hàng của thương lái. Nếu không tận thu thì bình quân mỗi “meo nấm” có thể cho thu hoạch từ 8 đến 10 đợt trong 3 đến 4 tháng với số lượng khoảng 4 kg.

hinh2.3

Anh Trần Anh Tuấn là hộ dân đầu tiên của xã Xuân Thọ triển khai mô hình trồng nấm bào ngư xám.

Anh Trần Anh Tuấn cho biết thêm: “Làm nấm không chiếm nhiều thời gian, chủ yếu là buổi sáng dậy sớm hơn xíu để hái nấm, tưới nước, gia công nấm xong đi giao hàng rồi mình mới đi làm ở công ty. Mình làm theo giờ hành chính vẫn tận dụng được thời gian rảnh mỗi ngày để phụ gia đình thu nấm. Ban đầu đầu tư kinh phí hơi cao nhưng khi túi meo nấm đã phát triển thành giá thể thì có thể cho thu hoạch nhiều tháng liền, không chăm sóc gì nhiều".

Tuy nấm bào ngư dễ trồng, không vất vả như một số cây trồng khác nhưng muốn đạt được năng suất cao, chất lượng tốt, người trồng nấm cũng cần phải nắm vững quy trình kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc, xử lý những vấn đề có liên quan đến sự phát triển của nấm.

Điều kiện cần của nấm bào ngư xám gồm: meo nấm, phôi nấm, nước tưới, nhiệt độ và độ ẩm chuẩn. Để có thành phẩm là nấm bào ngư hoàn thiện thì cần phải có phôi nấm làm môi trường sống, chứa dinh dưỡng làm điều kiện phát triển cho meo nấm chạy rễ cây đi khắp phôi nấm. Trong quá trình chăm sóc cũng không cần phải sử dụng bất kỳ một loại thuốc trừ sâu hay phân bón nào…

Khi rễ ăn trắng phôi nấm, chúng sẽ ra nấm con và đợi trưởng thành để thu hoạch. Nấm bào ngư xám sẽ phát triển tốt ở môi trường mát mẻ và sạch sẽ, đảm bảo tránh gió nhưng nông trại phải luôn thông thoáng. Độ ẩm trong môi trường cũng phải đạt 80 đến 95%, vì độ ẩm mà trên 95% thì nấm bào ngư sẽ dễ bị mốc xanh ở phôi hoặc thậm chí nhũn nấm…

hinh1.3

 Sản phẩm nấm bào ngư xám từ trang trại của anh Trần Anh Tuấn.

Sắp tới, anh Tuấn cũng có dự tính mở rộng diện tích và đang có ý định làm thêm một số loại nấm khác để đáp ứng đa dạng thị trường. Đồng thời, anh cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho một số hộ dân có ý định theo nghề trồng nấm giống mình. Có thể nói, khó khăn duy nhất của anh Tuấn là trăn trở về đầu ra cho sản phẩm, vì hiện tại trang trại nấm của anh có diện tích không lớn nên chỉ bỏ mối nhỏ lẻ.

Qua hai năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ nấm đã bắt đầu ổn định trở lại, nhiều lúc cung không đủ cầu. Chỉ là tận dụng thời gian rảnh buổi sáng, nhưng hầu như ngày nào cũng thu hoạch được vài chục ký nấm, tùy mùa mà có ngày lên đến cả tạ. Có bao nhiêu, thương lái đặt mua hết bấy nhiêu. 

hinh3.1

Sau khi thu hoạch, gia đình anh Tuấn gia công nấm để mang đi bỏ mối tại các xã, phường TP Đà Lạt

Chị Huỳnh Thị Yến Điểu (thôn Đa Lộc, xã Xuân Thọ) chia sẻ: “Đây là mô hình nấm bào ngư xám đầu tiên phát triển ở địa phương, hiện tại, tôi cũng đang học hỏi kinh nghiệm để thử sức với nghề này. Vì nó hoàn toàn phù hợp với nhu cầu sử dụng nấm sạch của người dân trên địa bàn”. 

Với điều kiện khí hậu thuận lợi, mô hình trồng nấm bào ngư xám tại xã Xuân Thọ đã góp phần thay đổi nhận thức người dân, cũng như dần chọn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với khả năng kinh tế, diện tích đất nông nghiệp của từng hộ gia đình tại địa phương.

Theo Sở hữu trí tuệ

Link nội dung: https://dnvn.com.vn/da-lat-phat-trien-trong-nam-bao-ngu-xam-a429983.html