Chị Nguyễn Thúc Anh Thư: Nữ điều dưỡng sinh năm 1975 và những ngày chiến đấu với Covid-19

Những người sinh năm 1975 được coi là thế hệ may mắn khi không trải qua chiến tranh, thừa hưởng hòa bình. Thế nhưng có những con người trong thế hệ ấy với sứ mệnh cao cả cứu sống người bệnh cũn

Chị Nguyễn Thúc Anh Thư (sinh ngày 4/10/1975) tại tỉnh Long An. Những ngày đất nước mới thống nhất, vì còn quá bé, chị chưa cảm nhận được niềm vui của dân tộc. Nhưng qua lời kể của cha mẹ, chị hiểu được sự hạnh phúc khi đất nước không còn tiếng súng, không còn cảnh ly tán, chia cắt bởi chiến tranh.

Chị luôn biết ơn những đóng góp, sự hy sinh của các thế hệ cha anh đã nằm xuống để đất nước có nền độc lập như ngày nay. Điều đó thôi thúc chị sống hết mình, làm việc - xây dựng - cống hiến cho Tổ quốc. Chính vì vậy, năm 1999, sau khi tốt nghiệp Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM, chị vào làm điều dưỡng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM với mong muốn được cứu sống người bệnh.

anh 1

Chị Thư (thứ 2 từ trái qua) làm việc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới từ năm 1999.

 

Chị Thư không ngờ rằng, khi ở độ tuổi 46 (năm 2021), chị lại trải qua một cuộc chiến khác, khốc liệt và đau đớn không kém những tháng ngày trước năm 1975. Làn sóng Covid-19 ập tới như bão táp, già trẻ, lớn bé đều phải tham gia chiến đấu chống lại con virus bé nhỏ nhưng quái ác để giành sự sống cho bản thân và mọi người xung quanh.

Với công việc là điều dưỡng tại Khoa Khoa cấp cứu Hồi sức tích cực chống độc trẻ em (ICU) - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, chị cũng như hàng ngàn nhân viên y tế khác đã gác niềm riêng, tham gia vào tuyến đầu chống dịch từ những ngày đầu. Đặc biệt là khi dịch bệnh bùng phát nặng nề tại TP.HCM vào đầu tháng 6/2021, chị chia tay gia đình, xa các con, xách va ly vào ở hẳn trong bệnh viện suốt 4 tháng.

“Lúc đó các nhân viên y tế tham gia chống dịch không được về vì tất cả chúng tôi đều không biết mình có yếu tố nguy cơ hay không. Chúng tôi sẵn sàng ở trong bệnh viện để giữ an toàn cho cộng đồng, xã hội. Nhiều lúc nhìn bệnh nhân nằm trên giường bệnh tôi lại thêm nhớ và lo lắng cho các con ở nhà. May mắn các con tôi cũng đã lớn, tự ý thức được việc chăm sóc bản thân nên tôi cũng an tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình”, chị Thư cho biết.

anh 2 (3)

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là “đầu não” chống Covid-19 phía Nam, nhân viên y tế luôn trong trạng thái làm việc liên tục.

Khoa ICU của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM vốn là đơn vị chuyên điều trị cho các trẻ em từ mấy tháng tuổi đến 16 tuổi. Khi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trở thành “đầu não” chống dịch ở phía Nam, ngành y tế rơi vào tình trạng quá tải vì số lượng bệnh nhân nặng tăng nhanh, Khoa ICU phải chuyển công năng, tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng.

Với nhiệm vụ mới, tất cả nhân viên y tế tại đây làm việc và cống hiến với hơn 200% sức lực. Thậm chí có những điều dưỡng bị mắc bệnh nhưng vẫn tình nguyện ở lại khu điều trị chăm sóc bệnh nhân.

Bệnh nhân khi được đưa vào khoa ICU đều xác định là những người có diễn biến nặng, đang bên lằn ranh sinh - tử. Vì vậy từng diễn biến tốt, xấu trong quá trình điều trị mỗi bệnh nhân đều đem lại rất nhiều cung bậc cảm xúc cho nhân viên y tế ở đây.

“Tôi xem tất cả bệnh nhân như người thân trong gia đình mà hết lòng chăm sóc. Tôi vui mừng, hạnh phúc khi nhìn từng người vượt qua bệnh tật, khoẻ mạnh về nhà. Các nhân viên y tế ở đây đều chỉ có một mục tiêu duy nhất là tìm kiếm sự sống cho người bệnh”, chị Thư nói.

Thế nhưng không ít lần chị phải chứng kiến khoảnh khắc đau thương, chấp nhận sự thật là nhân viên y tế sẽ “tuột mất” bệnh nhân vào tay tử thần.

“Tận mắt chứng kiến các bệnh nhân mình hằng ngày chăm sóc ra đi mãi mà không thể làm gì được, tôi thực sự rất đau lòng, bất lực. Từng khoảnh khắc của 4 tháng trong bệnh viện tôi sẽ nhớ mãi, không ngôn từ nào diễn tả nổi sự đau thương mà chúng ta đã trải qua”, chị Thư nghẹn ngào chia sẻ.

anh 3 (3)

Nhân viên y tế là các chiến sĩ kiên cường trong cuộc chiến chống Covid-19.

Người nhà không được tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19, nên chị Thư cùng các điều dưỡng khác ngoài làm chuyên môn như theo dõi ống nội khí quản, thay băng vết mổ, vết thương, theo dõi dịch truyền, tập vật lý trị liệu… còn phải chăm sóc toàn diện cho người bệnh, từ việc vệ sinh cá nhân, từng bữa ăn, giấc ngủ hàng ngày.

Rồi chị Thư còn kiêm luôn công việc của bác sĩ tâm lý khi luôn ở bên động viên tinh thần người bệnh, thường xuyên kết nối liên lạc với người nhà bệnh nhân để giúp họ giải tỏa tâm lý, có thêm tinh thần chiến đấu với virus.

Vì vất vả chăm sóc bệnh nhân, ăn ngủ không đầy đủ, cùng với việc lo lắng gia đình thiếu bàn tay phụ nữ, từ 48kg lúc mới vào ở trong bệnh viện, chị sụt cân, chỉ còn 42 – 45kg. Lo lắng cho sức khoẻ của chị, gia đình khuyên chị nên nghỉ việc, nhưng với đam mê nghề nghiệp và tình thương với những con người đang ở giữa lằn ranh sống chết, chị vẫn tiếp tục ở lại Khoa ICU cho đến ngày dịch tạm yên.

"Chưa bao giờ tôi có ý định từ bỏ, với bệnh nhân đó là những ngày vật lộn, chống chọi cam go với bệnh tật để được sống. Còn với tôi cùng các y bác sĩ khác chính là từng giây, từng phút giằng co với tử thần để hồi sinh sự sống. Nhìn thấy từng bệnh nhân khỏe mạnh, trở về với gia đình đó là hạnh phúc và động lực giúp tôi sống hết mình với ngành y”, chị Thư tâm sự.

Theo Sở hữu trí tuệ

Link nội dung: https://dnvn.com.vn/chi-nguyen-thuc-anh-thu-nu-dieu-duong-sinh-nam-1975-va-nhung-ngay-chien-dau-voi-covid-19-a428383.html