Cơ hội nào cho cổ phiếu ngành bán lẻ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022?

MBKE đánh giá tích cực đối với ngành tiêu dùng, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 khoảng 40% so với năm 2020, giúp ngành tăng trưởng vượt trội so với VN-Index vào năm 2022.

Kinh tế phục hồi, thu nhập tăng, bên cạnh đó là gói kích thích tái mở cửa sẽ thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu, đặc biệt là với mảng tiêu dùng không thiết yếu.

tm-img-alt

Việc chuyển đổi sang thương mại hiện đại đang diễn ra nhanh chóng và nhiều công ty trong nước đang dẫn dắt xu hướng này. 

MBKE tin rằng có rất nhiều cơ hội để những nhà đầu tư dài hạn mở vị thế trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng và thị trường vẫn bị chi phối bởi các kênh truyền thống.

Trong năm 2022, tiêu dùng sẽ phục hồi mạnh

80% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin COVID-19, vậy nên kỳ vọng phục hồi trong năm 2022 của ngành đang được củng cố. 

tm-img-alt
Nguồn: MKBE

Trong năm 2022, ngành tiêu dùng sẽ tăng mạnh trở lại nhờ mức so sánh thấp trong năm vừa rồi, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt đối với hàng tiêu dùng không thiết yếu.

Việc thu nhập người dân phục hồi sẽ thúc đẩy tiêu dùng, dẫn đầu bởi sự phục hồi kinh tế và hiệu ứng của cải tăng do giá tài sản tăng (như cổ phiếu, bất động sản). 

Niềm tin của người tiêu dùng sẽ tăng lên nhờ sự ổn định vĩ mô khi mở cửa trở lại, triển vọng vĩ mô dài hạn sáng hơn trong năm 2022 và việc Chính phủ mở lại gói kích cầu trong đó bao gồm cắt giảm VAT và thuế TNCN.

Thương mại hiện đại mở rộng, tiềm năng ở mảng tạp hóa

Hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), thực phẩm tươi sống chiếm tỷ trọng lớn, chiếm khoảng 30-40% trong chi tiêu hộ gia đình tại Viêt Nam. Quy mô thị trường 70 tỷ USD cho thấy thị trường tạp hóa rất lớn nhưng lại phân mảnh, 85% thị trường này hiện chủ yếu vẫn là các kênh truyền thống như chợ và các cửa hàng nhỏ lẻ. 

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại trong mua sắm FMCG, được thúc đẩy bởi các định dạng cửa hàng nhỏ. Xu hướng chuyển dịch tăng nhanh ở cả thành thị và nông thôn.

tm-img-alt
Nguồn: MKBE

Theo một cuộc khảo sát của Kantar lưu ý rằng đóng góp của kênh tiệm cận hiện đại của Việt Nam (siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi) vẫn còn nhỏ, dưới 7%, so với tỷ lệ 12,5% ở Đông Nam Á, 17 - 18% ở Indonesia và Thái Lan. 

Trong nước, các chuỗi siêu thị nhỏ hàng đầu trong nước như WinMart, Bách Hóa Xanh (BHX) đã tăng tốc mở rộng mạng lưới để nắm bắt tiềm năng thị trường khổng lồ.

Các nhà bán lẻ hàng đầu trong nước được định giá lại nhờ các thương vụ M&A

Mặc dù thu hút một số công ty lớn trong khu vực tham gia thị trường thông qua đầu tư trực tiếp và gián tiếp, các công ty trong nước của Việt Nam vẫn thống trị lĩnh vực bán lẻ phân mảnh. Đáng chú ý là hai tên tuổi lớn nhất, MWG và The CrownX (do Masan sở hữu). 

tm-img-alt
Nguồn: MKBE

The CrownX đã thu hút hơn 1,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài kể từ khi thành lập trong 6 tháng đầu năm. Thỏa thuận gần đây của The CrownX đã nâng định giá lên 8,2 tỷ USD so với 6,9 tỷ USD trong các giao dịch trước đó. WinCommerce, một mảng của The CrownX, sở hữu chuỗi cửa hàng tạp hóa WinMart với 2.500 cửa hàng, được định giá 3,2 - 4,5 tỷ USD. 

Giá trị vốn hóa thị trường của MWG (nhà bán lẻ lớn nhất với hơn 5.000 cửa hàng trên toàn quốc, bao gồm hơn 2.000 cửa hàng Bách hóa Xanh) chỉ là 4,2 tỷ USD. Do đó, MBKE tin rằng một đợt IPO Bách hóa Xanh, nếu xảy ra sẽ giúp MWG được định giá lại đáng kể.

Nhiều cơ hội đầu tư từ triển vọng ngành

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG) là khuyến nghị hàng đầu của MBKE với tiềm năng của ngành bán lẻ, giá mục tiêu là 180.000 đồng/cp, là doanh nghiệp có vị thế hàng đầu để đón đầu ba câu chuyện tăng trưởng chính và định giá hiện tại của doanh nghiệp vẫn đang rẻ, chỉ ở mức P/E dự phóng năm sau sẽ tăng khoảng 15 lần, so với mức trung bình ngành là 23 lần.

MBKE cũng duy trì khuyến nghị mua đối với PNJ của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận với giá mục tiêu là 118.000 đồng. Doanh nghiệp đang trên đà hồi phục tốt hậu đại dịch, giúp dự phóng lợi nhuận trong năm 2022 sẽ đạt mức tăng trưởng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) đang nổi lên như một trong những nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam với tầm nhìn trong việc xây dựng nền tảng dịch vụ tiêu dùng tích hợp của The CrownX. 

Mặc dù MSN hiện có mức định giá tương đối cao so với các doanh nghiệp cùng ngành, MBKE vẫn nhận thấy tiềm năng mạnh mẽ cho MSN khi doanh nghiệp có khả năng thu về khoản lợi nhuận 4.800 – 5.500 tỷ đồng từ việc thoái vốn mảng thức ăn chăn nuôi cho De Heus. Ngoài ra, những thương vụ M&A và việc chi trả cổ tức cũng sẽ hỗ trợ giá cổ phiếu.

tm-img-alt
Nguồn: MKBE

CTCP Thế Giới Số (Digiworld - Mã: DGW) là một doanh nghiệp nhỏ nhưng có vị thế hàng đầu trong việc phân phối các sản phẩm ICT thông qua mạng lưới phân phối lớn và quan hệ đối tác với những gã khổng lồ về công nghệ như Apple, Xiaomi, Huawei,... 

DGW dự kiến sẽ mở rộng phân khúc thiết bị gia dụng bằng cách bổ sung thêm các thương hiệu mới thông qua quan hệ đối tác với một số nhãn hàng lớn, như Whirlpool (Mỹ) cùng với sự phục hồi tiêu dùng trong năm 2022.

Theo Sở Hữu Trí Tuệ

Link nội dung: https://dnvn.com.vn/co-hoi-nao-cho-co-phieu-nganh-ban-le-phuc-hoi-manh-me-trong-nam-2022-a412363.html