Nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm để hướng đến thị trường quốc tế là nhu cầu bức thiết của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, nhất là trong bối cảnh Việt Nam gia nhập vào thị trường quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do. Đây là thông tin được đưa ra tại Tọa đàm “VCIC CONNECT-Chuyển giao công nghệ, Kết nối đầu tư và Xúc tiến thị trường”. Sự kiện do Ban quản lý dự án “Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC)” phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung tâm Hỗ trợ chuyển giao công nghệ tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và công nghệ và Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam-Úc (Aus4innovation).
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và công nghệ, nhu cầu ứng dụng, đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam trong 6 tháng của năm 2021 đã tăng 25% so với năm 2020. Cũng theo các chuyên gia, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm để hướng đến thị trường quốc tế đã và đang là nhu cầu bức thiết của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, nhất là trong bối cảnh COVID-19 ảnh hưởng tới hầu hết các ngành, lĩnh vực và trong bối cảnh Việt Nam ra nhập vào thị trường quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do.
Ông Mạc Quốc Anh- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, chúng ta có nhiều ký kết thương mại song phương và đa phương và trong các hiệp định thương mại đó thì việc đổi mới công nghệ, áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất để tiết kiệm các nguyên liệu, đặc biệt là các nguyên liệu hiếm thì chỉ có áp dụng công nghệ mới làm được. Trong khi đó, ở các nước phát triển thì họ rất ưu tiên những sản phẩm có tính sáng tạo cao, áp dụng các công nghệ tiên tiến
Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, quá trình chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều rào cản, như: thiếu vốn, thiếu thông tin công nghệ, quá trình đàm phán-chuyển giao công nghệ gặp nhiều khó khăn trong khâu thẩm định-đánh giá công nghệ, khó tiếp cận thị trường quốc tế… Ông Phạm Đức Nghiệm, Giám đốc Ban quản lý dự án “Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC)”, Phó cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ Khoa học và công nghệ) cho biết, nhiều chương trình, giải pháp đã và đang được triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những rào cản này. Trong đó, “VCIC CONNECT- Chuyển giao công nghệ, Kết nối đầu tư và Xúc tiến thị trường” là chuỗi sự kiện do VCIC (Bộ Khoa học và công nghệ) tổ chức từ tháng 6/2020, với mục đích: Tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân có kết quả nghiên cứu khoa học, tài sản trí tuệ với tiềm năng thương mại hóa tiếp cận, kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ với với các nhà đầu tư, tổ chức/quỹ tài chính; Chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và nâng cao năng lực về chuyển giao công nghệ, kết nối và thu hút đầu tư, xúc tiến thị trường cho các tổ chức, cá nhân.
Ông Phạm Đức Nghiệm nhấn mạnh, chúng tôi đã kết hợp với các đối tác trong nước và quốc tế để triển khai chương trình VCIC connect. Một là giúp doanh nghiệp xác định nhu cầu công nghệ và quy mô công nghệ mình cần ứng dụng. Thứ hai thông qua các văn phòng đại diện KHCN của Việt Nam ở nước ngoài để thẩm định, đánh giá và lựa chọn được những công nghệ phù hợp. Thứ ba là xây dựng các chương trình kết nối, đi kèm với đó là các chuyên gia về mặt pháp lý, chuyên gia về thẩm định công nghệ làm sao từ đó đánh giá, lựa chọn, phân tích để xây dựng các phương án thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài.
Bộ Khoa học và công nghệ cũng cho biết, đến nay, VCIC CONNECT đã tiếp nhận hơn 500 hồ sơ đăng ký tham gia trong và ngoài nước chuyển giao, thu hút hơn 150 tỷ đồng vốn đầu tư vào các dự án trong nước; và chuyển giao hơn 30 công nghệ tiên tiến trên thế giới về Việt Nam.
Theo VOV
Link nội dung: https://dnvn.com.vn/doanh-nghiep-viet-nam-va-nhung-rao-can-trong-doi-moi-cong-nghe-a410603.html