EU hiện là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 của Việt Nam với giá trị khoảng 5,5 tỷ USD/năm, trong đó phần lớn hàng hoá của Việt Nam vào EU qua Bỉ. Dù đã đạt thành công nhất định song việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này còn nhiều khó khăn.
Nói về vấn đề xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ- Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại - cho hay: Nhờ có hệ thống cảng biển thuận lợi Bỉ được coi là cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hoá của khu vực EU. Thời gian qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Bỉ đã cải thiện đáng kể, điều này có được nhờ kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng và mở rộng toàn cầu hoá. Bỉ hiện cũng là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam trong EU, trao đổi thương mại hai chiều đạt gần 3 tỷ euro/năm theo số liệu từ phía EU. “Với hệ thống giao thông, cầu cảng hiện đại cùng ví trí thuận lợi Bỉ trở thành cánh cửa thuận lợi cho hàng hoá Việt Nam, trong đó có mặt hàng nông, thuỷ sản thâm nhập thị trường EU”, lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến xuất khẩu nói.
Tuy nhiên trong quá trình xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU, doanh nghiệp Việt cũng thường gặp những hạn chế như hời hợt với các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, phạm những lỗi cơ bản về bao bì đóng gói và không tìm đúng đối tác.
Theo bà Nguyễn Minh Liên- Tổng Giám đốc Công ty Vinamex- doanh nghiệp thu mua hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Bỉ và EU, doanh nghiệp (DN) Việt Nam không chú trọng đúng mức với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm khi đưa hàng hoá sang thị trường Bỉ và EU. Do thị trường EU thực hiện hậu kiểm, hàng hoá được vào hệ thống phân phối, cơ quan chức năng mới đi lấy mẫu và kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Trường hợp không đạt tiêu chuẩn, hàng hoá bị thu hồi, tiêu huỷ hoặc gửi trả lại nhà sản xuất. Trong hợp đồng, nhà nhập khẩu EU thường yêu cầu DN Việt Nam chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm cho đến khi tới tay người tiêu dùng. Và thực tế, không ít DN sản xuất trong nước đã phải chịu phạt, mất thêm chi phí do sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
DN cũng thường gặp những lỗi rất cơ bản, bao bì không hiển thị đủ thông tin bằng ngôn ngữ theo quy định, buộc phải quay về hoặc bán rẻ sang các thị trường khác. “Lưu ý, khi xuất khẩu hàng qua EU, DN trong nước phải làm việc kỹ với nhà nhập khẩu về nhãn hàng, chất lượng sản phẩm, bao bì đóng gói, kiểm tra hợp đồng… tránh thất thoát và thiệt hại cho các bên”, bà Nguyễn Minh Liên nhấn mạnh.
Đặc biệt, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh cho hay, một trong những điều kiện tiên quyết để nông phẩm Việt Nam thâm nhập thị trường EU là đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGAP.
Trên thực tế, GlobalGAP đã trở thành tiêu chuẩn nhập khẩu rất phổ biến tại các thị trường cao cấp như EU. Tuy nhiên tại Việt Nam, nhận thức của doanh nghiệp về tiêu chuẩn này chưa thực sự đúng với bản chất.
Nhiều doanh nghiệp vẫn coi GlobalGAP chỉ là một tờ giấy chứng nhận cần thiết để đưa cho nhà nhập khẩu và bán được hàng. Quan niệm này chưa chính xác và nếu có được chứng nhận GlobalGAP thì không có ý nghĩa, bởi GlobalGAP là một quy trình sản xuất, thực hành nông nghiệp tốt, duy trì các quy trình sản xuất này giúp doanh nghiệp đảm bảo sản phẩm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.
Có thể nói, GlobalGAP đem lại rất nhiều lợi ích. Xét về sản xuất, GlobalGAP giúp nâng cao lợi nhuận do giảm chi phí, giảm lãng phí; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Hơn nữa, về thương mại, GlobalGAP giúp doanh nghiệp khẳng định được chất lượng; tạo sự tin tưởng và tiếp cận được thị trường cho dù là khó tính bởi những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường…
Theo Sở hữu trí tuệ
Link nội dung: https://dnvn.com.vn/nhung-luu-y-khi-xuat-khau-nong-san-sang-thi-truong-eu-a407998.html