Tiểu sử và của doanh nhân Mai Kiều Liên
Sinh năm 1953 tại Pháp, bà Mai Kiều Liên tốt nghiệp đại học tại Moscow (Nga) chuyên ngành chế biến sữa và thịt; có chứng chỉ quản lý kinh tế của Đại học Kỹ sư kinh tế Leningrad (Nga).
Được bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Vinamilk vào năm 1992, bà quyết tâm cổ phần hóa doanh nghiệp nhằm tạo động lực làm việc mới, khuyến khích cán bộ công nhân viên sáng tạo, đổi mới.
Có thể nói để có được một Vinamilk như hôm nay, được Forbes Việt Nam định giá hơn 2,4 tỷ USD, chiếm hơn 20% tổng giá trị của tốp 50 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam năm 2020, chiếm hơn 50% thị phần sữa Việt Nam thì tầm nhìn của bà Mai Kiều Liên là yếu tố then chốt quyết định đến thành công của doanh nghiệp sữa với vốn hóa gần 220.000 tỷ đồng, tương đương 9,5 tỷ USD.
Giữ chức vụ Tổng giám đốc của Vinamilk, hiện doanh nhân Mai Kiều Liên đang sở hữu 5,333,704 cổ phiếu (tính đến ngày 22/04/2020), tương đương 634,7 tỷ đồng. Hiện nay, Vinamilk là một trong những thương hiệu có lợi nhuận cao nhất trên thị trường. Không những vậy, cổ phiếu của Vinamilk tăng trưởng ổn định kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2005.
Từ những viên gạch ban đầu đến “triệu phú sữa tươi” của Việt Nam
Để đưa tên doanh nghiệp sữa Việt Nam vào top 50 công ty sữa lớn trên thế giới qua 4 thập kỷ hoạt động, một trong những quyết định sáng suốt nhất của CEO Mai Kiều Liên chính là tư duy tập trung đầu tư vào việc phát triển vùng nguyên liệu chăn nuôi bò sữa từ rất sớm, ngay từ đầu thập niên 90 thế kỷ XX.
Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên từng chia sẻ: "Chúng ta có hệ thống chăn nuôi bò sữa, đó là quan trọng nhất. Điều này sẽ giúp tự chủ nguyên liệu và tự chủ mọi thứ, tự chủ về giá thành. Nói không quá thì nếu không có vùng nguyên liệu, có lẽ sẽ không có Vinamilk ngày nay".
Năm 1991, Vinamilk đã cụ thể hóa mục tiêu này khi chủ động nguyên liệu sản xuất bằng giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu nội địa và "cuộc cách mạng sữa", còn gọi là cuộc "cách mạng trắng" đã ra đời.
Nhiều năm sau đó, đàn bò sữa của Vinamilk không ngừng phát triển. Đến nay Vinamilk đang sở hữu 12 trang trại quy mô, đạt chuẩn quốc tế, tổng đàn bò quản lý và khai thác sữa đạt gần 150.000 con, giúp cung ứng cho thị trường trên 1 triệu lít sữa tươi nguyên liệu/ngày. Nhờ mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện năng suất và chất lượng sữa của đàn bò sữa Vinamilk đều tăng trưởng tốt, công nghệ chăn nuôi đã tiệm cận với các nước phát triển trên thế giới.
Một số dự án trang trại “khủng” của Vinamilk có thể kể đến như Resort bò sữa tại Tây Ninh với vốn đầu tư ban đầu hơn 1.200 tỷ đồng (tương đương 50 triệu USD), ứng dụng công nghệ 4.0 trong tất cả các khâu quản lý và chăn nuôi bò sữa. Một mô hình nổi bật khác là trang trại bò sữa (TTBS) Vinamilk Organic Đà Lạt, đây cũng là TTBS Organic chuẩn châu Âu đầu tiên của Việt Nam tại thời điểm khánh thành vào năm 2017.
Vinamilk hiện đang triển khai hàng loạt các dự án lớn như TTBS Quảng Ngãi với tổng diện tích rộng hơn 90 ha, quy mô 4.000 con bò, sẽ sớm được đưa vào hoạt động. Dự án này có đầu tư ban đầu lên đến 700 tỷ đồng, được ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi và quản lý, dự kiến sẽ cung ứng khoảng 20 triệu lít sữa tươi nguyên liệu mỗi năm cho thị trường.
Cũng theo lộ trình đã vạch ra, Vinamilk sẽ tiếp tục hoàn thành giai đoạn 1 của Tổ hợp resort bò sữa Organic trên cao nguyên Xiangkhouang (Lào), với tổng số đàn bò là 24.000 con và nâng quy mô đàn bò lên 100.000 con vào giai đoạn 2.
Với những kế hoạch này, dự kiến đến năm 2022-2023, đàn bò tại các trang trại của Vinamilk sẽ tăng thêm 20.000 con, gia tăng nguồn cung cấp sữa tươi nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Thành công không chỉ là thành đạt
Là một nữ doanh nhân bản lĩnh, đầy quyền lực nhưng cũng rất nữ tính, chân chất, giản dị và rất đời thường. Sau những ngày làm việc căng thẳng bà trở về chăm sóc gia đình và làm những công việc của… ô sin.
“Buổi tối, bên cạnh việc nhà thì tôi cũng vẫn trả lời email công việc. Ông xã tôi cũng có thể nấu cơm, tôi lau nhà rất vui vẻ, thoải mái. Nhà tôi không thuê người giúp việc...", Bà Liên chia sẻ.
Bà cũng cho biết thêm, xong công việc về nhà, tôi vẫn là một bà nội trợ chính với việc nấu nướng, chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa… May mắn là vợ chồng tôi là bạn học từ hồi phổ thông, sau đó tôi đi học ở bên Nga còn chồng tôi học ở Ba Lan. Chúng tôi hiểu nhau, chia sẻ và đồng cảm với nhau, ngay cả trong những việc nhà. Thường các buổi tối sau khi việc nhà xong, khoảng 22 giờ tối tôi thường mở mail xem có mail nào gửi cần xử lý không, tôi có thể liên hệ được tất cả các anh em ở tất cả các vùng miền khác nhau, bất cứ lúc nào. Hơn nữa chính gia đình là chốn bình yên để tôi nghỉ ngơi, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, giúp tôi lấy lại năng lượng để làm việc hiệu quả hơn.
Nói về bà Mai Kiều Liên, một CEO cũng được tạp chí Forbes bình chọn là 50 nữ doanh nhân châu Á quyền lực nhất, bà Phạm Thị Việt Nga Tổng Giám đốc Dược Hậu Giang nhận xét: “Khi tiếp xúc với bà Mai Kiều Liên, tôi thấy bà quá bình dân, mặc dù bà đứng ở tầm cao. Bình dân từ cách nói chuyện, có sao nói vậy, nói những gì suy nghĩ từ tận đáy lòng, không dùng những từ hoa mĩ, bóng bẩy. Bình dân cả trong cách đối nhân xử thế với người đối diện”. Bà Nga còn cho biết, bà cũng coi Mai Kiều Liên là thần tượng của mình.
Giản dị, hòa đồng, cởi mở là thế nhưng trong công việc kinh doanh Bà Liên luôn quyết liệt, khi đã suy nghĩ kỹ thì quyết tâm làm tới cùng, vượt qua mọi khó khăn. Với bà quyền lợi người tiêu dùng phải được đặt trên hết. Bởi lẽ, quyền lợi người tiêu dùng mà không có thì quyền lợi cho tất cả các cổ đông cũng không. Người tiêu dùng là trước hết, sau đó mới đến cổ đông và cũng không được quên quyền lợi của người cung cấp nguyên liệu là nông dân, một trong những đối tác quan trọng của Vinamilk.
Làm lãnh đạo từ thời bao cấp, tuy nhiên bà không hề kém cạnh các CEO trẻ, bà luôn tận dụng tối đa công nghệ vào công việc của mình. Trong công việc nhân viên muốn trao đổi ý kiến hay bày tỏ nguyện vọng của mình điều qua email.
“Tôi xử lý phần lớn công việc qua email. Tôi khuyến khích tư duy phản biện nhưng rất ghét họp hành. Anh em trong công ty, bất kỳ ai, có bức xúc gì thì cứ email cho tôi, tôi trả lời ngay. Trung bình một ngày, tôi nhận được từ 2-3 email của nhân viên bày tỏ những thắc mắc, bức xúc trong công việc”, CEO Vinamilk nói.
Mỗi ngày vị CEO Vinamilk đến cơ quan lúc 8h và về lúc 5h như bao nhân viên khác, nếu có công việc phát sinh, bà có thể xử lý ở bất cứ nơi đâu nhờ các thiết bị di động công nghệ cao. Mặc dù là người quản lý cấp cao nhưng bà rất tỉ mỉ, nắm công việc ở những chi tiết rất nhỏ, sâu sát từng sản phẩm của Vinamilk.
Có lẽ nhờ vậy mà bà Liên luôn có sức thuyết phục đối với anh em cán bộ công nhân viên, thống nhất được mọi người thành một khối để phát huy sức mạnh của tập thể, cùng Vinamilk gặt hái những thành công ngày hôm nay.
Theo Sở hữu trí tuệ
Link nội dung: https://dnvn.com.vn/chan-dung-nu-hoang-sua-viet-mai-kieu-lien-a406677.html