Phát triển tài chính số tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức

Admin
Tài chính số đang có xu hướng mới phát triển khá nhanh. Hiện nay, khoảng 90% các ngân hàng thương mại đã và đang phát triển ngân hàng số với các mức độ khác nhau.

Sáng ngày 22/10 đã diễn ra “Hội thảo phát triển cộng đồng sử dụng dịch vụ tài chính số tại Việt Nam – Cơ hội và Thách thức” theo hình thức trực tuyến. Nằm trong khuôn khổ TECHFEST 2021 và là sự kiện đầu tiên trong Chuỗi hội thảo kết nối giải pháp công nghệ nâng cao chuỗi giá trị của doanh nghiệp, hội thảo là sự kết hợp giữa Làng dịch vụ hỗ trợ và kết nối cộng đồng, Làng sáng chế và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cùng với Làng công nghệ tài chính.

Phát biểu tại Hội thảo, các diễn giả tham dự đã đề cập nhiều nội dung liên quan đến nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính số hiện nay, các giải pháp cung cấp và nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính số, trao đổi về khuôn khổ pháp lý và xây dựng chính sách. 

Trình bày ý kiến thảo luận tại Hội thảo, TS Cấn Văn Lực nhận định, thị trường tài chính Việt Nam phát triển nhanh trong 10 năm qua, tổng tài sản của thị trường tài chính tăng bình quân vào khoảng 18,3%/năm, tốc độ tăng gấp 3 lần so với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Về dịch vụ tài chính số (cung cấp dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ số cho người tiêu dùng), ông Lực cho rằng, thời gian qua Fintech phát triển mạnh thể hiện ở việc thu hút kêu gọi vốn đầu tư. Dự báo trong năm tới sẽ khoảng 310 tỷ USD trên toàn cầu. Mức độ tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát dữ dội thì xu hướng chuyển đổi số được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, ông Lực cũng cho rằng dịch vụ tài chính qua mobile cũng phát triển nhanh từ năm 2015 trở lại đây. Tại Việt Nam Chính phủ đã cho phép thí điểm hoạt động này từ tháng 3/2021 tuy nhiên thực tiễn triển khai vẫn đang ở giai đoạn chuẩn bị. 

Theo TS. Cấn Văn Lực, Việt Nam được liệt kê vào top 10 thị trường có sức thu hút các nhà đầu tư tham gia rót vốn vào tiền kỹ thuật số trong thời gian qua. Ở Việt Nam đã hình thành mô hình ngân hàng mở, ngân hàng sử dụng những nền tảng của những đối tác khác bên ngoài, tiêu biểu như tại Citibank. Cùng với đó, cho vay ngang hàng toàn cầu có xu hướng phát triển nhanh, tăng gần 30%/năm trong thời gian tới.

Trước thực trạng trên, ông Lực cho rằng xu hướng dịch vụ tài chính số ở Việt Nam vẫn tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới. Cụ thể, các định chế tài chính đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số (cả kênh bán hàng và quy trình nội bộ); Hình thành các hệ sinh thái tài chính với các NHTM lớn/Bigtech giữ vai trò điều phối); Dữ liệu khách hàng được sử dụng để tạo ra những sản phẩm thiết kế riêng; Các fintech, bigtech sẽ có ảnh hưởng lớn hơn tới thị trường tài chính, có thể thông qua việc cạnh tranh hoặc hợp tác với các định chế tài chính truyền thống; các mô hình kinh doanh mới xuất hiện nhiều hơn.

Ông Hoàng Văn Cường - Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho rằng, tài chính số mang lại lợi ích lớn không chỉ đối với ngành tài chính. Cần có môi trường pháp lý cho ngân hàng số, bảo hiểm số, fintech… hoạt động thuận lợi. Nếu cần thiết, có thể tạo môi trường thử nghiệm cho tài chính số hoạt động tự do, trên cơ sở đó tìm ra vấn đề quản lý để đưa vào khuôn khổ. Hỗ trợ người dân, tổ chức tài chính, doanh nghiệp tài chính trang bị công nghệ, thiết bị, nhân lực có đủ trình độ để phát triển...

Thể chế, chính sách đóng vai trò mở đường, quyết định phát triển các lĩnh vực kinh tế nói chung, tài chính số nói riêng. Chính phủ đã có chương trình quốc gia về chuyển đố số đến 2025-2030 (Quyết định 749/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng); Chiến lược về Chính phủ điện tử… để thúc đẩy phát triển kinh tế số, tài chính số…

Tuy nhiên theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, khung pháp lý cho tài chính số phát triển còn thiếu, manh mún, không đồng bộ. Chủ trương chung là tạo điều kiện cho tài chính số phát triển, song từ góc độ quản lý, có nhiều ý kiến còn lo ngại nếu mở quá có thể dẫn đến rủi ro tội phạm về tài chính, rửa tiền, cạnh tranh không lành mạnh…. Ngoài ra, phát triển tài chính số vấn đề an toàn bảo mật thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là vấn đề đặt ra nhiều thách thức cần phải quan tâm. Thể chế, chính sách, pháp luật dẫn đường cho tài số phát triển là cần thiết. Nhưng hoạch định chính sách phát triển tài chính số, cần có sự hài hòa, một mặt mở để phát triển, song vẫn phải đảm bảo được việc quản lý hiệu quả, hai vế này không nên nghiêng thái quá về một vế nào.

Một số ý kiến tham luận tại hội thảo, cho rằng, trước mắt cần sớm sửa Luật Giao dịch điện tử cho phù hợp để khuyến khích phát triển tài chính số, nhất là đối với fintech, cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng... Cần có hành pháp pháp lý cho phép các bên liên quan chia sẻ dữ liệu đảm bảo tính an toàn; chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư; có các qui định riêng bảo vệ người tiêu dùng; có các qui định, chế tài để phòng chống tội phạm tài chính số; tăng cường tuyên truyền, giáo dục về tài chính toàn diện cho người dân...

Theo Sở hữu trí tuệ