Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các Hiệp định thương mại tự do

Admin
Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nâng cao phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm đảm bảo cho ngành sản xuất trong nước.

Chiều 31/8, tại Sở Công Thương (địa chỉ số 163 Hai Bà Trưng, Quận 3, TP.HCM) diễn ra chương trình Hội thảo "Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới", do Sở Công Thương tổ chức.

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương; bà Nguyễn Việt Hà - Chuyên viên phòng pháp chế, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương); ông Nguyễn Đức Trọng - Chuyên viên Phòng Điều tra thiệt hại và tự vệ, Cục Phòng vệ thương mại, cùng các hội viên và doanh nghiệp.

2532709c7404b15ae815

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết PVTM đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Tại hội thảo, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết dịch Covid-19 khiến các chuỗi cung ứng đứt gãy, ảnh hưởng nghiêm trọng tới trao đổi thương mại trên thế giới, gây ra những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh dịch bệnh tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, mâu thuẫn thương mại giữa nhiều nền kinh tế tiếp tục diễn biến phức tạp và xu thế sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại để bảo hộ sản xuất trên thế giới tiếp tục gia tăng. Sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của hội nhập kinh tế quốc tế.

PVTM tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh

Theo đó, PVTM là biện pháp mà một nước sử dụng để tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hoá nhập khẩu với hàng hoá sản xuất trong nước, thông qua hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hoá nhập khẩu bị bán phá giá, được trợ cấp tăng nhanh đột biến gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.

Bà Nguyễn Việt Hà cho biết hiện nay, trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có 3 biện pháp PVTM được công nhận và thể chế hoá.

Cụ thể, biện pháp chống bán phá giá (CBPG) được áp dụng khi hàng hoá nhập khẩu bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất trong nước. Khi hàng hoá nhập khẩu được chứng minh là bán phá giá thì chúng có thể bị áp đặt các biện pháp như thuế chống phá giá, đặt cọc hoặc thế chấp, hạn chế định lượng hoặc điều chỉnh mức giá của nhà xuất khẩu nhằm triệt tiêu nguy cơ gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước nhập khẩu, trong đó thuế CBPG là biện pháp phổ biến nhất hiện nay.

673d0597010fc4519d1e

Bà Nguyễn Việt Hà - Chuyên viên phòng pháp chế, Cục Phòng vệ thương mại.

Biện pháp chống trợ cấp (CTC) được áp dụng khi hàng hoá nhập khẩu được trợ cấp của Chính phủ nước xuất khẩu gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất trong nước. Trợ cấp Chính phủ có thể tồn tại dưới hình thức trực tiếp như chuyển trực tiếp các khoản vốn (cho vay ưu đãi, góp cổ phần…), chuyển hoặc nhận nợ trực tiếp (bảo lãnh tiền vay, bảo đảm tín dụng…).

Hoặc trợ cấp gián tiếp như bỏ qua hoặc không thu các khoản thu phải nộp (miễn thuế, giảm thuế); cung cấp hàng hóa hay dịch vụ không phải là hạ tầng cơ sở cho doanh nghiệp.

Biện pháp tự vệ là một công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp trong nước trong trường hợp khẩn cấp khi hàng nhập khẩu gia tăng bất thường. Mỗi nước thành viên WTO đều có quyền áp dụng phòng vệ thương mại, nhưng khi áp dụng phải bảo đảm tuân theo các quy định của WTO (về điều kiện, thủ tục, cách thức áp dụng biện pháp tự vệ).

“Các quy định về PVTM trong FTA có mức độ bảo hộ cao, có thể áp dụng lâu dài, tuy nhiên các quy định trên lại làm giảm tính cạnh tranh, hạn chế thương mại, có thể bị khiếu kiện nếu không tuân thủ quy định, có thể bị lạm dụng”, bà Nguyễn Việt Hà cho biết.

Để tránh việc các nước lạm dụng các biện pháp PVTM nhằm bảo hộ quá mức các ngành sản xuất trong nước, WTO và các FTA đã đưa ra quy định khá chặt chẽ đối với việc điều tra và áp dụng biện pháp PVTM. Cụ thể, việc điều tra phải dựa trên hồ sơ đề nghị của đại diện ngành sản xuất trong nước, cơ quan điều tra phải thực hiện điều tra và chứng minh được có hành vi bán phá giá, trợ cấp hay hàng hoá nhập khẩu gia tăng đột biến; ngành sản xuất trong nước có bị thiệt hại nghiêm trọng và hàng nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh là nguyên nhân chính gây thiệt hại cho sản xuất trong nước.

Vụ việc PVTM với hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng theo từng năm

Tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Trọng cho biết Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới, các vụ việc PVTM gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng. Ở chiều ngược lại, một số ngành sản xuất trong nước cũng phải chịu áp lực từ việc gia tăng nhập khẩu do các tác động mở cửa thị trường và cần đến những công cụ chính sách về PVTM để bảo vệ lợi ích của ngành.

bf0c139b1703d25d8b12

Ông Nguyễn Đức Trọng - Chuyên viên Phòng Điều tra thiệt hại và tự vệ, Cục Phòng vệ thương mại

Tính đến tháng 6/2022, Việt Nam là quốc gia nằm trong danh sách bị điều tra về PVTM, trong đó Hoa Kỳ là quốc gia có số vụ khởi xướng điều tra PVTM đối với Việt Nam cao nhất là 44 vụ.

Số lượng các vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Nếu như giai đoạn 2005 - 2010 mới có 25 vụ việc, gồm 15 vụ việc CBPG, 1 vụ việc CTC, 6 vụ việc tự vệ, 3 vụ việc chống lẩn tránh. Giai đoạn từ năm 2011 - 2015 số vụ tăng lên là 52, giai đoạn 2016 đến tháng 9/2021 là 109 gồm 58 vụ việc CBPG, 16 vụ việc CTC, 24 vụ việc tự vệ và 11 vụ việc chống lẩn tránh.

Theo đó, nhiều mặt hàng của Việt Nam như thủy sản, sắt thép, đồ gỗ... liên tiếp bị kiện PVTM dưới các hình thức, như CBPG, CTC... ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam đã kháng kiện thành công nhiều vụ điều tra về PVTM, chấm dứt việc bị áp dụng các biện pháp PVTM. Nhờ đó, nhiều loại hàng hóa xuất khẩu không còn bị áp thuế hoặc áp thuế thấp.

Screenshot_7

Số vụ khởi xướng điều tra PVTM đối với Việt Nam.

Việc các thị trường nhập khẩu triển khai các biện pháp PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước đang là xu hướng. Do đó, nguy cơ gia tăng số lượng vụ việc điều tra PVTM của hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam là điều không tránh khỏi.

Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang là địa chỉ để các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế chuyển dịch đầu tư, do đó, các nước nhập khẩu cũng e ngại tình trạng chuyển tải bất hợp pháp, nhằm lẩn tránh các biện pháp PVTM của hàng hóa bị thị trường này áp dụng.

Do đó, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần có giải pháp để chủ động ứng phó với các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp PVTM, nhằm tránh các thiệt hại, đảm bảo được lợi ích chính đáng của mình.

Theo Sở hữu trí tuệ