Giày Thượng Đình: Thương hiệu huyền thoại và ‘cú trượt dài’ hậu cổ phần hoá

Admin
Với thương hiệu 65 năm tuổi đời, Giày Thượng Đình đã bước qua thời hoàng kim và đang đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt là sau khi cổ phần hoá.

Công ty Giày Thượng Đình được thành lập từ năm 1957, tiền thân là xưởng X30 thuộc Cục quân nhu - Tổng cục hậu cần (Quân đội nhân dân Việt Nam). Với gần 200 cán bộ, nhân viên có nhiệm vụ sản xuất mũ cứng, dép cao su phục vụ cho quân đội, công nghệ chủ yếu là thủ công và bán cơ khí.

Từ ngày 19/7/2016 công ty chuyển đổi thành Công ty CP Giầy Thượng Đình, với lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là chuyên sản xuất giày vải, dép các loại.

Đôi giày huyền thoại

Giày Thượng Đình là một trong số những thương hiệu có tuổi đời hàng chục năm của Việt Nam, hình ảnh đôi giày bata trắng đơn giản với họa tiết ba sọc xanh lam cùng phần đế cao su dẻo được nhiều đối tượng, lứa tuổi ưa chuộng bởi tính bền, hữu dụng.

Đặc biệt, trong thời kỳ “hoàng kim” của mình, đôi giày vải Thượng Đình đã trở thành thương hiệu quốc dân, bám sâu vào tâm trí người tiêu dùng Việt.

IMG_4237_4018a320

 Đôi giày vải mang thương hiệu Thượng Đình đến nay đã có 65 năm tuổi đời. Ảnh: Công ty CP Giày Thượng Đình

 

Không chỉ thành công ở trong nước, Giày Thượng Đình còn có những lô hàng xuất khẩu lớn ra thị trường quốc tế. Ít ai biết, trong giai đoạn 1960 – 1972, khi cả nước đang trong cuộc chiến giải phóng miền Nam, Giày Thượng Đình vẫn xuất khẩu gần 40 vạn đôi giày basket sang Liên Xô và Đông Âu cũ. Đặc biệt, vào tháng 9/1992, lô hàng đầu tiên của xí nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế và xuất sang thị trường Pháp và Đức.

Thậm chí, khi Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định mậu dịch tự do giữa các nước ASEAN (AFTA) vào năm 2003, sản phẩm Giày Thượng Đình vẫn có chỗ đứng vững vàng trên thị trường nội địa. Nhiều sản phẩm nước ngoài xuất hiện tại thị trường Việt Nam, nhưng vẫn không thể cạnh tranh được với Giày Thượng Đình ở cả chất lượng, mẫu mã và giá cả. Liên tục những năm 2000 – 2006, các sản phẩm giày của Thượng Đình luôn đứng đầu các cuộc bình chọn hàng Việt từ phía khách hàng.

Tuy nhiên, cũng giống nhiều thương hiệu vang bóng một thời khác của Việt Nam như: Mì Miliket, Cao Sao Vàng, Diêm Thống Nhất,…  thời “hoàng kim” của Giày Thượng Đình cũng dần khép lại. Đến nay, với 65 năm tuổi đời, thương hiệu này đã trở nên "già dặn" và đối diện với nhiều khó khăn.

Trong những năm gần đây, thị trường Việt Nam liên tục đón nhận những cuộc đổ bộ mạnh mẽ của các thương hiệu giày nổi tiếng của nước ngoài như Adidas, Puma, Nike,... với nhiều mẫu mã thời thượng, quảng cáo rầm rộ để thu hút người tiêu dùng.

Cũng chính điều này đã khiến hãng giày vang bóng một thời đang dần tụt lại phía sau trong cuộc đua giành giật thị phần. Giờ đây, khi nhắc tới giày Thượng Đình, thứ đầu tiên và có thể là duy nhất mà người tiêu dùng nghĩ đến chỉ là những đôi giày thể thao giá rẻ khoảng 100.000 đồng và được gán mác là "giày bảo hộ lao động".

“Cú trượt” hậu cổ phần hoá

Việc cổ phần hoá công ty được đánh già là một cuộc lột xác mang lại những đột phá trong định hướng chiến lược và kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Song trái ngược với thực tế này, những chuỗi ngày huy hoàng của Giày Thượng Đình lại chính thức khép sau khi công ty này tiến hành cổ phần hoá.

Từ năm 2016 đến nay, Giày Thượng Đình liên tiếp lâm vào cảnh thua lỗ, đơn vị này cho biết sau khi cổ phần hoá, tình hình tài chính của công ty gặp rất nhiều khó khăn như nợ khó đòi, các khoản chi phí lương, bảo hiểm tăng cao,… đặc biệt là chi phí khấu hao và tiền thuê đất.

Cụ thể, kết thúc năm 2016, doanh thu thuần của Giày Thượng Đình đạt 125,9 tỷ đồng, giảm tới 54% so với năm 2015. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 460 triệu đồng. Đến năm 2017, doanh thu thuần của đạt 197,8 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ, nhưng lại lỗ hơn 17 tỷ đồng và năm 2018 lỗ xấp xỉ 17 tỷ đồng.  

Trong năm 2019, công ty đặt mục tiêu doanh thu gần như không đổi so với 2018, ở mức 175 tỷ đồng, và mức lãi chỉ là 50 triệu đồng, nếu không tính 2 năm trước đó lỗ ròng, đây là mục tiêu lợi nhuận khiêm tốn nhất mà hãng giày này từng đặt ra.

Mặc dù vậy, câu chuyện thua lỗ của doanh nghiệp này vẫn chưa thể chấm dứt. Kết thúc năm 2019, Giày Thượng Đình ghi nhận mức doanh thu thuần đạt 165,8 tỷ đồng, giảm 4,8% so với năm trước và hoàn thành 95% so với kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế thu về tiếp tục báo số âm 13 tỷ đồng.

Đến năm 2020, để cải thiện việc bán hàng, công ty đã chi gấp đôi số tiền quảng cáo so với năm trước đó nhưng trước tác động của dịch Covid-19, doanh thu thuần giảm đến 37%, xuống còn 104 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tiếp tục ở mức âm 13,7 tỷ đồng.

da

 Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh đã kiểm toán của Giày Thượng Đình năm 2021.

Lần gần đây nhất, Giày Thượng Đình công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, theo đó, doanh thu thuần của công ty đạt 108,5 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm trước. Đáng chú ý là mức lỗ đã giảm xuống chỉ còn 774 triệu đồng.

Đại diện Công ty CP Giầy Thượng Đình cho biết năm 2021 tiếp tục là một năm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khiến các đơn hàng không thể xuất khẩu thuận lợi, công ty thiếu công nhân sản xuất trực tiếp, chưa kể, thị trường nội địa bị cạnh tranh gay gắt. Bên cạnh đó, các chi phí sản xuất tăng cao như tiền lương, thuê đất, bảo hiểm xã hội…

“Mặc dù vậy, ban lãnh đạo công ty đã tìm mọi biện pháp để ổn định sản xuất, từng bước vượt qua khó khăn, theo đó doanh thu thuần đạt 104% so với cùng kỳ và đạt 80% so với kế hoạch đề ra”, đại diện Công ty CP Giầy Thượng Đình thông tin.

Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Giày Thượng Đình là 108,9 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm (109,9 tỷ đồng). Trong đó, phần lớn là tài sản dài hạn 56,2 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn là 52,6 tỷ đồng gồm: Các khoản thu ngắn hạn 21 tỷ đồng, hàng tồn kho 26,4 tỷ đồng,…

Bên kia bảng cân đối kế toán, chiếm phần lớn là nợ ngắn hạn 54,7 tỷ đồng, trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 21,7 tỷ đồng, phải trả người bán ngắn hạn hơn 19,2 tỷ đồng,… Nợ dài hạn là 10 tỷ đồng. Trong khi đó, lỗ luỹ kế tại thời điểm 31/12/2021 của Giày Thượng Đình lên tới 49 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa vốn điều lệ công ty (93 tỷ đồng).

Theo Sở hữu trí tuệ